1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Campuchia bác tin phá dỡ công trình Mỹ xây để “mở đường” cho Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Campuchia bác bỏ thông tin cho rằng nước này phá bỏ công trình do Mỹ tài trợ tại căn cứ hải quân nhằm mở đường cho Trung Quốc hiện diện quân sự tại đây.

Campuchia bác tin phá dỡ công trình Mỹ xây để “mở đường” cho Trung Quốc - 1

Ảnh vệ tinh ngày 2/10 cho thấy Campuchia đã phá dỡ tòa nhà do Mỹ xây dựng (Ảnh: CSIS)

Theo thông báo của Ủy ban Quốc gia An ninh Hàng hải Campuchia hôm 5/10, Sở Chỉ huy Chiến thuật, đơn vị chiến thuật chịu trách nhiệm thực thi hành pháp liên cơ quan hợp tác với Mỹ và Australia, là một công trình tạm thời. Kế hoạch di dời công trình này đã được bắt đầu từ cuối năm 2017.

Trước đó, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ngày 2/10 công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy, một tòa nhà được cho là sở chỉ huy chiến thuật của hải quân Campuchia do Mỹ xây dựng tại căn cứ hải quân Ream đã bị san phẳng hồi tháng trước.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh ngày 4/10 cho biết họ đã phá hủy tòa nhà do Mỹ xây dựng ở căn cứ Ream để chuyển tới cơ sở mới.

Động thái trên làm dấy lên lo ngại giữa lúc có nhiều đồn đoán rằng Campuchia có thể đã thỏa thuận bí mật với Trung Quốc về việc cho Bắc Kinh triển khai khí tài quân sự tới căn cứ Ream tại thành phố Sihanoukville.

Thông báo của Ủy ban Quốc gia An ninh Hàng hải Campuchia cho biết công trình hiện tại có quy mô quá nhỏ và thiếu các cơ sở neo đậu. Ngoài ra, công trình này cũng gặp hạn chế trong việc tổ chức huấn luyện và các hoạt động khác. Do vậy, một cơ sở lớn hơn đang được xây dựng tại một địa điểm mới, song không thay đổi về chức năng cũng như mối quan hệ với các đối tác nước ngoài.

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia cho biết cơ sở mới cách căn cứ Ream 30 km về phía bắc. Căn cứ Ream được xem là nơi có vị trí chiến lược ở vịnh Thái Lan.

Campuchia bác tin phá dỡ công trình Mỹ xây để “mở đường” cho Trung Quốc - 2

Các thủy thủ đứng gần tàu tuần tra tại căn cứ hải quân Ream của Campuchia (Ảnh: Reuters)

Năm ngoái, Lầu Năm Góc từng đề nghị Campuchia lý giải việc từ chối đề nghị của Washington trong việc hỗ trợ sửa chữa căn cứ Ream. Washington cho rằng quyết định của Campuchia có thể liên quan tới kế hoạch cho phép Trung Quốc triển khai quân đội tới đây.

Tuy nhiên, Campuchia nhiều lần nhấn mạnh rằng hiến pháp nước này không cho phép lực lượng nước ngoài đồn trú bên trong lãnh thổ.

Trung Quốc hiện là nước hỗ trợ chính cho Campuchia về kinh tế, thông qua các khoản đầu tư và viện trợ.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hồi tháng 6 tuyên bố Trung Quốc không được trao quyền sử dụng căn cứ Ream độc quyền, đồng thời khẳng định tàu chiến từ mọi quốc gia, bao gồm Mỹ, đều có thể neo đậu tại đây.

Wall Street Journal năm ngoái đưa tin, giới chức Mỹ từng tiếp cận bản dự thảo sơ bộ của một thỏa thuận cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream trong 30 năm. Tại đây, Bắc Kinh có thể đồn trú binh sĩ, lưu trữ vũ khí và neo đậu tàu chiến.

Những đồn đoán về việc Trung Quốc triển khai căn cứ quân sự tại Campuchia càng gia tăng, sau khi xuất hiện thỏa thuận cho phép một công ty Trung Quốc kiểm soát khu vực rộng lớn tại bờ biển của Campuchia và xây dựng một sân bay có khả năng hỗ trợ hoạt động cho cả máy bay quân sự và máy bay dân sự.

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng trước thông báo sẽ triển khai các biện pháp trừng phạt theo luật Mỹ đối với Tập đoàn Union Development Group Trung Quốc - đơn vị đứng sau thỏa thuận xây dựng khu phức hợp gồm bến cảng, sân bay và khu nghỉ dưỡng Dara Sakor tại một công viên quốc gia ở Koh Kong, Campuchia.

Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc tập đoàn Trung Quốc thâu tóm đất đai của người dân để phát triển dự án, phá hoại môi trường, ảnh hưởng tới đời sống các cộng đồng địa phương.