1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cái chết của tướng Từ Tài Hậu nói lên điều gì?

Nếu bị đưa ra tòa, Từ Tài Hậu có thể lấy đó làm cơ hội để khiến ông Tập Cận Bình phải khó xử...

Cái chết của tướng Từ Tài Hậu nói lên điều gì?
Từ Tài Hậu là quan chức quân đội cấp cao nhất bị buộc tội tham nhũng ở Trung Quốc trong suốt nhiều thập kỷ qua (Ảnh: ChinaFotoPress/Getty/WSJ)
 
Theo nhận định của tờ Wall Street Journal, cái chết của tướng Từ Tài Hậu, cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, khép lại nguy cơ xảy ra sự phản kháng của giới quan chức quân đội nước này đối với chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Từ Tài Hậu, 71 tuổi, cũng từng là một Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, qua đời hôm Chủ Nhật vừa rồi. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Từ chết vì căn bệnh ung thư bàng quang.

Từ là quan chức quân đội cấp cao nhất bị buộc tội tham nhũng ở Trung Quốc trong suốt nhiều thập kỷ qua. Sau khi bị đưa vào diện điều tra tham nhũng vào đầu năm ngoái, ông trở thành mục tiêu công kích mạnh mẽ của truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Trang web của tờ báo chính thức của Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc hôm qua (16/3) đăng một bài xã luận, trong đó nói cái chết của Từ Tài Hậu đánh dấu sự kết thúc của một “cuộc đời đáng hổ thẹn và khinh bỉ”.

Tuy vậy, những cáo buộc chống lại Từ Tài Hậu cũng có nguy cơ nuôi dưỡng tâm lý oán hận trong hàng ngũ quan chức cấp cao của quân đội Trung Quốc - những người có thể cảm thấy bị đe dọa trong vụ án tham nhũng của Từ.

Nếu bị đưa ra tòa, Từ Tài Hậu - người đã bị tước hàm tướng và khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc - có thể lấy đó làm cơ hội để khiến ông Tập Cận Bình phải khó xử hoặc thách thức những cáo buộc nhằm vào mình.

“Thật tệ khi nói thế này, nhưng cái chết của ông ấy tốt cho tất cả mọi người”, giáo sư về chính trị Trung Quốc Kerry Browwn thuộc Đại học Sydney nhận định. “Ông ấy chết, và mọi chuyện thế là gọn”.

Từ Tài Hậu bị khai trừ đảng và tước quân hàm vào tháng 6 năm ngoái. Tháng 10 năm ngoái, truyền thông nhà nước Trung Quốc nói Từ đã thú nhận với các điều tra viên quân sự rằng ông đã ăn hối lộ “cực lớn”. Tuy vậy, Từ đã không bao giờ được trao cơ hội để nói công khai về những hành vi sai trái của mình. Và những cáo buộc nhằm vào ông cũng không được công bố cụ thể.

Từ nằm trong số những quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị hạ bệ trong chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay mà ông Tập Cận Bình khởi xướng vào cuối năm 2012. Giới chức Trung Quốc nói họ cần phải xử lý những quan chức cấp cao như Từ - được gọi là những “con hổ” trong khẩu hiệu chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruổi” của ông Tập - để chứng tỏ đây là một chiến dịch đầy quyết tâm và sẽ làm tới cùng.

Sau khi bị đưa ra ánh sáng, Từ Tài Hậu đã được coi là biểu tượng cho nạn tham nhũng trong quân đội Trung Quốc, xưa nay được coi một trong những “thành trì” khó chạm tới nhất ở nước này. Đến nay, chưa có một dấu hiệu rõ nét nào cho thấy sự rạn nứt đoàn kết trong quân đội Trung Quốc. Nhưng GS. Brown cho rằng, theo lẽ tự nhiên, chiến dịch chống tham nhũng ít nhiều sẽ gây ra tâm lý bất mãn ở hàng ngũ quan chức cấp cao.

Trong mấy tháng gần đây, hàng chục tướng quân đội Trung Quốc đã bị công khai cáo buộc tội tham nhũng.

Ông Tập Cận Bình, người hiện giữ vai trò Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc và cũng là con trai của một vị tướng, đã thể hiện sự ủng hộ cao đối với việc hiện đại hóa quân đội nước này. Tuần trước, ông Tập đã gặp gỡ các quan chức cao cấp nhất trong quân đội và khen ngợi họ đã mạnh mẽ thúc đẩy mục tiêu một quân đội trong sạch.

Nhà chức trách Trung Quốc hôm qua đã cho thấy nỗ lực xử lý những vấn đề có thể phát sinh xung quanh việc truy tố Từ Tài Hậu trong khi ông này ở trong tình trạng sức khỏe xấu. Nhà chức trách nói qua truyền thông nhà nước rằng, Từ tiếp tục được điều trị bệnh ung thư trong quá trình điều tra, nhưng cuối cùng vẫn không qua khỏi.

Trên các mạng xã hội của Trung Quốc, sự cảm thông dành cho Từ Tài Hậu có vẻ không được nhiều.

Một người dùng trên mạng Weibo viết rằng, tên tuổi của Từ sẽ tồn tại “hàng nghìn năm trong nỗi ô nhục”. Nhiều người khác gọi Từ là một “kẻ giơ đầu chịu báng”. Một người thậm chí còn cho rằng cái chết của Từ là một “sự thỏa hiệp” và “cái kết có hậu nhất cho tất cả”.
 
Theo Diệp Vũ
VNEconomy