Cách thế giới có thể chấm dứt đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Thế giới có thể không bao giờ xóa sổ được hoàn toàn virus gây Covid-19, nhưng đến một ngày nó sẽ không còn là đại dịch mà trở thành một bệnh đặc hữu.
Không thể xóa sổ hoàn toàn Covid-19
Hai năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng, nó nhiều khả năng sẽ trở thành một bệnh đặc hữu, chỉ sự hiện diện liên tục hoặc sự xuất hiện phổ biến của một căn bệnh.
"Không có một phép đo lường nào để xác định một thứ gì đó là dịch hay đại dịch. Tất cả tùy thuộc vào nhãn quan của mỗi người. Do vậy, tất cả điều này không dựa trên quy tắc", giáo sư về dịch tễ học Arnold Monto của Đại học Michigan và cũng là quyền chủ tịch Ủy ban chuyên về vaccine và sản phẩm sinh học của Cục Thực và Dược phẩm Mỹ nói. Ông Monto nhấn mạnh: "Thay vào đó, nó dựa vào những việc cần làm để kiểm soát dịch. Điều khác biệt ở đây là vaccine hiệu quả hơn những gì chúng ta thường thấy".
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, virus biến đổi liên tục và không ai có thể dự đoán đại dịch Covid-19 sẽ diễn biến ra sao. Ông nói, sự xuất hiện của biến chủng Delta đã làm thay đổi cuộc chiến ứng phó đại dịch của thế giới.
"Do toàn bộ mô hình lây nhiễm đã thay đổi và có thể còn nhiều nơi chưa trải qua những làn sóng Covid-19 mà những nơi khác trên thế giới đã trải qua, nên việc tuyên bố chấm dứt hoàn toàn đại dịch là rất khó", giáo sư Monto nói.
Kiểm soát, biến Covid-19 thành bệnh đặc hữu
Giáo sư Monto và nhiều chuyên gia y tế cho rằng, trong tương lai, thế giới có thể kiểm soát được đà lây lan của SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19, giống như đã kiểm soát cúm mùa.
"Chúng ta không chắc SARS-CoV-2 có thể trở thành một dạng virus hoạt động theo mùa hay không, nhưng nó nhắc nhở chúng ta rằng hầu hết virus gây bệnh đường hô hấp đều có tính chất hoạt động theo mùa", ông Monto cho biết.
Ngay từ đầu năm 2020, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dự đoán rằng, Covid-19 có thể trở thành một bệnh đặc hữu và không bao giờ biến mất hoàn toàn.
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng Quốc gia Mỹ, cũng cho rằng việc xóa sổ SARS-CoV-2 gần như là không thể, nhưng ông hy vọng thế giới có thể kiểm soát virus này để nó không còn tác động đáng kể đến cuộc sống của con người. "Nếu càng nhiều người trên thế giới được tiêm chủng, tôi hy vọng, sau một thời gian nữa, đại dịch sẽ không còn chi phối chúng ta như hiện nay nữa".
Chung quan điểm này, ông Philip Landrigan, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Boston, nói để biến đại dịch thành một bệnh đặc hữu, các nước cần xây dựng miễn dịch cộng đồng, nghĩa là tăng độ phủ vaccine càng nhiều càng tốt.
Tại Mỹ, một bộ phận người dân vẫn từ chối tiêm vaccine Covid-19 hoặc không đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Đến nay, khoảng 58% dân số Mỹ được tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19. Ông Landrigan cho rằng, để đạt miễn dịch cộng đồng, Mỹ phải có 80% thậm chí 95% dân số có miễn dịch nhờ vaccine hoặc do từng mắc Covid-19.
"Vẫn còn rất nhiều việc cần làm để ngăn đà lây lan của Covid-19 và chấm dứt đại dịch này. Chúng ta vẫn còn quá nhiều ca nhiễm mới, ca nhập viện và ca tử vong vì Covid-19. Trung bình mỗi ngày chúng ta có hơn 70.000 ca và hơn 1.000 ca tử vong. Đó là lý do chúng tôi khuyến khích tất cả người dân từ 5 tuổi trở lên nên tiêm chủng để phòng Covid-19", người phát ngôn CDC Mỹ Kristen Nordlund nói.