1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cách Mỹ chơi với Đài Loan và Trung Quốc

Mỹ tuyên bố ủng hộ "chính sách một Trung Quốc" và không thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại.

Theo hãng thông tấn Mỹ AP ngày 12/2, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, họ đang thúc giục nhà cầm quyền hai bờ eo biển Đài Loan duy trì đối thoại, trong khi dư luận đang dấy lên những lo ngại rằng đảng Dân Tiến giành thắng lợi áp đảo trong bầu cử Đài Loan có thể làm gia tăng căng thẳng hai bờ eo biển.

Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 12/2 cho biết, Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc kiềm chế và linh hoạt trong làm việc với chính quyền mới của Đài Loan dưới thời Tiến sĩ Thái Anh Văn, người sẽ nhậm chức tháng 5/2016.

Hiện nay, Trung Quốc yêu cầu bà Thái Anh Văn đồng ý "nhận thức chung 1992", tức "nguyên tắc một Trung Quốc, tùy cách hiểu mỗi bên" như người tiền nhiệm Mã Anh Cửu từng thể hiện. Bà Văn từ chối xác nhận "nguyên tắc một Trung Quốc", nhưng cũng không công khai bác bỏ nguyên tắc này.

Không chỉ Trung Quốc nhất quán với quan điểm “chính sách một Trung Quốc”, hãng tin Reuters cho hay Washington cũng thẳng thắn ủng hộ quan điểm này và tuyên bố không thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhưng duy trì quan hệ đồng minh và cam kết sẽ giúp Đài Loan tự vệ trước bất kỳ sự tấn công nào từ bên ngoài.

Đài Loan tiếp nhận máy bay P-3C từ Mỹ.
Đài Loan tiếp nhận máy bay P-3C từ Mỹ.

Hoa Kỳ vừa là đồng minh, vừa là nhà cung cấp vũ khí phòng thủ quan trọng nhất của Đài Loan. Washington đồng thời cũng hoan nghênh việc cải thiện quan hệ giữa Bắc Kinh với Đài Bắc và thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại hai bờ.

Trong khi ủng hộ “chính sách một Trung Quốc”, kêu gọi Đài Bắc và Bắc Kinh đối thoại thì Mỹ lại liên tiếp ký vào những bản hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan khiến Trung Quốc nổi giận.

Theo trang Defensenews.com, Đài Loan sẽ có cơ hội mua các tiêm kích hạ cánh thẳng đứng và cất cánh đường băng ngắn AV-8B Harrier hiện đang được biên chế trong Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC). Theo nguồn tin này, máy bay AV-8B Harrier II được đưa vào trang bị của USMC vào năm 1985, được sản xuất hàng loạt từ năm 1981-2003 và hiện AV-8B chuẩn được USMC thay thế bằng tiêm kích F-35B.

Các máy bay Harrier sẽ được chào bán cho Đài Loan qua kênh bán hàng quân sự trực tiếp của chính phủ Mỹ, nguồn tin cho biết thêm. Trước khi phát đi tín hiệu này, hồi cuối năm 2015 vừa qua, hãng Reuters dẫn nguồn tin quốc hội Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Obama dự kiến sẽ cấp giấy phép cho việc bán hai tàu khu trục có tên lửa dẫn đường cho Đài Loan, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

"Chúng tôi đang trông chờ một bảng thông báo trong thời gian sớm nhất" - nguồn tin của Reuters cho biết. Theo kế hoạch, phía Đài Loan sẽ phải trả khoảng 176 triệu USD cho hai tàu khu trục trên và sẽ xem xét nhu cầu trước khi quyết định có nên mua thêm hai chiếc nữa hay không.

Được biết, đây là 2 chiếc tàu mới nhất thuộc lớp Perry được Mỹ bán cho Đài Loan. Hồi cuối năm 2014, Thượng viện Mỹ đã thông qua "Dự luật chuyển giao tàu chiến hải quân", cho phép chính quyền của Tổng thống Obama bán cho Đài Loan 4 chiếc tàu hộ vệ lớp Perry. Dự luật này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Trung Quốc.

Nội dung dự luật số 1683 đã được thông qua cả hai viện của Quốc hội. Theo đó Mỹ sẽ bán cho Đài Loan 4 tàu hộ vệ tên lửa lớp Perry gồm: Tàu USS Taylor, USS Gary, USS Carr, và USS Elrod. Dự luật chuyển giao tàu chiến lớp Perry cho Đài Loan được Hạ viện Mỹ trình lần đầu tiên hồi tháng 11/2013 và thông qua hồi tháng 4/2014. Đồng thời, phía Đài Loan và Mỹ cũng đã trao đổi cụ thể về chương trình chuyển giao.

Được biết đây không phải là lần đầu tiên Mỹ bán vũ khí có ý nghĩa chiến lược cho Đài Loan, trước đó hồi năm 2007, Mỹ đồng ý bán cho Đài Loan 12 chiếc P-3C Orion đã qua sử dụng và được tân trang lại. Tổng giá trị hợp đồng vào khoảng 1,96 tỷ USD.

Theo đánh giá của giới chuyên gia phi đội P-3C sẽ thay thế những chiếc S-2T (26 chiếc mua từ năm 1986) đã lạc hậu của Đài Loan và giúp hòn đảo này tăng cường đáng kể khả năng đối phó với tàu ngầm Trung Quốc. P-3C Orion có tầm hoạt động trên 5.000 km, tức là gấp hơn 6 lần so với S-2T.

Ngoài máy bay săn ngầm P-3C Orion, Đài Loan cũng đã ký hợp đồng trị giá 2,53 tỷ USD mua 30 chiếc AH-64E Apache của Mỹ để thay thế 2 phi đội AH-1W Super Cobras hiện nay. Ngoài ra, Đài Loan cũng ký hợp đồng trị giá 3.11 tỷ USD mua 60 chiếc UH-60M Black Hawk để thay thế UH-1H đã qua sử dụng. Hợp đồng bắt đầu được thực hiện từ tháng 3/2014.

Theo Hòa Sơn

Đất Việt