1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cách điệp viên Trung Quốc "bẫy con mồi" từ nước ngoài trên mạng xã hội

(Dân trí) - Báo Mỹ đã tiết lộ cách thức Trung Quốc sử dụng mạng xã hội để lôi kéo các đối tượng ở nước ngoài nhằm phục vụ cho hoạt động gián điệp bí mật của nước này.

Cách điệp viên Trung Quốc bẫy con mồi từ nước ngoài trên mạng xã hội - 1

LinkedIn là một trong những mạng xã hội nhiều người dùng nhất thế giới (Ảnh: Digitalinformationworld)

Một cựu quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại trong chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhận được tin nhắn từ một người nào đó trên mạng xã hội LinkedIn, gợi ý ông đáp chuyến bay tới Trung Quốc và hứa hẹn kết nối ông với các cơ hội việc làm “được trả lương cao”.

Một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Đan Mạch cũng nhận được tin nhắn từ một người được cho là một phụ nữ làm việc tại công ty tuyển dụng “săn đầu người”, nói muốn gặp mặt tại Bắc Kinh. Rốt cuộc, cựu quan chức Đan Mạch đã gặp 3 người đàn ông trung niên và họ nói rằng có thể giúp quan chức này “tiếp cận với hệ thống của Trung Quốc” để nghiên cứu.

Một cựu quan chức Nhà Trắng làm dưới thời Obama và một nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã được một người tự nhận là nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ California kết bạn trên LinkedIn. Hồ sơ trên LinkedIn cho thấy mối các mối quan hệ của người này với các trợ lý Nhà Trắng và các đại sứ. Tuy nhiên, thực chất không có nhà nghiên cứu nào như vậy, theo New York Times.

Theo các quan chức phản gián phương Tây, các điệp viên nước ngoài đang khai thác mạng xã hội như một công cụ để tuyển dụng, trong đó LinkedIn là nền tảng “săn đầu người” chủ yếu. Các cơ quan tình báo tại Mỹ, Anh, Đức và Pháp cũng đã phát đi những cảnh báo về việc các điệp viên nước ngoài đang tiếp cận hàng nghìn người sử dụng LinkedIn, trong đó các điệp viên Trung Quốc hoạt động mạnh nhất.

“Chúng tôi đã chứng kiến các cơ quan tình báo Trung Quốc thực hiện điều này trên quy mô lớn. Thay vì đưa các điệp viên tới Mỹ để chiêu mộ một mục tiêu cụ thể, việc ngồi phía sau máy tính tại Trung Quốc và gửi yêu cầu kết bạn tới hàng nghìn mục tiêu bằng các hồ sơ giả sẽ hiệu quả hơn nhiều”, William R. Evanina, giám đốc Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia - một cơ quan của chính phủ Mỹ chuyên theo dõi gián điệp nước ngoài và cảnh báo các công ty về nguy cơ bị xâm nhập, cho biết.

Việc các điệp viên của chính phủ Trung Quốc sử dụng mạng xã hội để phục vụ cho các mục đích xấu theo như mô tả của giới chức Mỹ ngày càng được chú ý trong những tuần gần đây. Các mạng xã hội Facebook, Twitter và Youtube cho biết họ đã xóa nhiều tài khoản được sử dụng để lan truyền những thông tin sai lệch về các cuộc biểu tình tại Hong Kong. Chỉ riêng Twitter đã xóa gần 1.000 tài khoản.

Theo giới chức Mỹ, LinkedIn, mạng xã hội do Microsoft sở hữu, là một phương tiện khác để lan truyền tin giả. Quan trọng hơn, đây là nơi lý tưởng để phục vụ cho hoạt động chiêu mộ gián điệp.

"Mảnh đất màu mỡ"

Lý do khiến LinkedIn thành “mảnh đất màu mỡ” cho hoạt động gián điệp là vì phần lớn trong số 645 triệu người dùng mạng xã hội này đang muốn tìm kiếm các cơ hội việc làm, thường từ những lạ. Để giúp nâng cao triển vọng có được việc làm, nhiều cựu nhân viên từng làm việc cho các chính phủ “quảng cáo” trên LinkedIn rằng họ có khả năng tiếp cận với các thông tin mật.

LinkedIn cũng là nền tảng mạng xã hội lớn duy nhất của Mỹ không bị chặn tại Trung Quốc vì công ty này đã đồng ý kiểm duyệt các bài đăng chứa các thông tin nhạy cảm.

Các điệp viên Trung Quốc thường đưa ra đề xuất về các cơ hội việc làm thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có LinkedIn, để “dụ” các ứng viên tiềm năng tới Trung Quốc, đôi khi thông qua vỏ bọc của một công ty tuyển dụng với các cam kết bằng miệng. Từ đó, các điệp viên phát triển mối quan hệ với các ứng viên này.

“Trung Quốc muốn xây dựng mối quan hệ với giới tinh hoa chính trị, học thuật và doanh nghiệp”, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Đan Mạch Jonas Parello-Plesner, người đã tiết lộ về kế hoạch chiêu mộ của Trung Quốc trên LinkedIn, cho biết.

Theo Jonas và một số cựu quan chức khác, những người vừa mới rời khỏi các chính quyền là đối tượng dễ bị “nhắm mục tiêu” nhất vì họ thường đang tìm kiếm một công việc mới.

Những trường hợp xảy ra gần đây cho thấy LinkedIn được cho là công cụ chiêu mộ hiệu quả cho hoạt động gián điệp. Kevin Patrick Mallory, cựu quan chức của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, đã bị kết án 20 năm tù hồi tháng 5 vì làm gián điệp cho Trung Quốc. Mối quan hệ của Kevin với Trung Quốc bắt nguồn từ khi ông trả lời một tin nhắn trên LinkedIn từ một điệp viên Trung Quốc, người đóng giả là đại diện cho một viện nghiên cứu, vào tháng 2/2017.

Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng 10 năm ngoái cũng buộc tội Yanjun Xu, một điệp viên tình báo Trung Quốc, với tội danh gián điệp kinh tế sau khi Xu chiêu mộ một kỹ sư làm việc cho công ty chế tạo động cơ máy bay GE Aviation của Mỹ. Mối quan hệ giữa Xu và kỹ sư này bắt nguồn từ LinkedIn.

Theo ông Evanina, năm ngoái, các điệp viên Trung Quốc đã liên lạc với hàng nghìn người một lúc trên LinkedIn. Quan chức đứng đầu cơ quan phản gián của Mỹ cho biết LinkedIn chính là “nền tảng cơ bản” để Trung Quốc thu thập thông tin về các đối tượng nhằm phục vụ cho mục đích gián điệp.

Thành Đạt

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm