1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Các ứng cử viên tổng thống Mỹ “kết thân” với châu Á

(Dân trí) - Barack Obama có một thời gian sống ở Indonesia thời thơ ấu, John McCain từng là tù nhân chiến tranh tại Việt Nam còn Hillary Clinton nói đùa rằng bà vui được trở thành “một thượng nghị sĩ Punjab (Ấn Độ)”.

Cả ba thượng nghị sĩ Mỹ theo đuổi giấc mơ Nhà Trắng đang tìm kiếm những mối liên hệ với châu Á. 

Họ đã cam kết thúc đẩy mối quan hệ của Mỹ tại khu vực châu Á thông qua sự hợp tác, điều mà các chuyên gia nói rằng có thể giúp phục hồi uy tín của Mỹ vốn đã bị sụt giảm nghiêm trọng sau quyết định tiến hành cuộc chiến tại Iraq hồi năm 2003 của Tổng thống Bush. 

Tuy nhiên, cả Obama, đối thủ trong đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng cử viên tổng thống phe Cộng hoà John McCain vẫn chưa đề cập tới các câu hỏi về chính sách ngoại giao cụ thể với châu Á trong các cuộc tranh luận hoặc vận động tranh cử.

 

Thượng nghị bang Illinois Barack Obama, 46 tuổi, người có thể trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, muốn tiến tới “một khung hợp tác hiệu quả hơn ở châu Á chứ không chỉ dừng lại ở các hiệp định song phương, các hội nghị không thường xuyên và các thoả thuận đặc biệt”.

 

Obama, người từng sống với mẹ là người Mỹ và cha dượng tại Indonesia từ năm lên 6 đến 10 tuổi, cũng mong muốn duy trì “các mối quan hệ chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia".

 

Cả ba ứng viên đều coi Trung Quốc, nước đang đe doạ ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á với sức mạnh quân sự đang lên và nền kinh tế phát triển nhanh, là một thách thức then chốt.

 

Obama muốn Trung Quốc “chơi theo luật” trong khi McCain kêu gọi chấm dứt các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thiết lập các diễn đàn khu vực và các thỏa thuận kinh tế để loại trừ Mỹ khỏi châu Á.

 

Clinton tuyên bố Mỹ “phải đứng vững để thách thức Trung Quốc khi hành động của Trung Quốc xung đột với các quyền lợi sống còn của Mỹ”.

 

Thượng nghị sĩ New York, người tuyên bố là có kinh nghiệm an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại thu được từ 2 nhiệm kỳ tổng thống của chồng, nhấn mạnh “tầm quan trọng đặc biệt” của Ấn Độ trên cả 2 phương diện là một cường quốc đang nổi và quốc gia đông dân thứ nhì thế giới. Bà Clinton cũng nhấn mạnh rằng Ấn Độ cần phải có tiếng nói có trọng lượng hơn trong khu vực và các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc.

 

Bà Hillary, 61 tuổi, người có thể trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ, có mối quan hệ thân thiết với người Mỹ gốc Ấn. Bà từng nói vui tại một sự kiện gây quỹ bằng câu nói: “Tôi rất vui khi là thượng nghị sĩ của cả Punjab và New York”.

 

McCain, 71 tuổi, một cựu chiến binh Việt Nam, nói rằng những bài học về sự hy sinh mà ông thu được từ khi còn tham chiến ở Việt Nam đã khiến ông trở thành một con người tốt hơn.

 

Thượng nghị sĩ bang Arizona phát biểu: “Người Mỹ chúng ta phải nêu gương và cổ vũ sự tham gia của các nước khác trên thế giới, trong đó quan trọng nhất là các quốc gia đang phát triển mạnh về kinh tế như Trung Quốc và Ấn Độ”.

 

Các chuyên gia cho rằng dù có những khẳng định trên nhưng không ai trong ba ứng viên sẽ đưa ra những thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ tại châu Á.

 

Robert Hathaway, một chuyên gia châu Á tại Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson dành cho các học giả có trụ sở tại Washington, nhận định: “Tôi nghĩ bạn sẽ rất ngạc nhiên nếu nhận thấy sự thay đổi đột ngột trong chính sách của Mỹ đối với hầu hết các nước châu Á”.

 

Tuy nhiên, ông Hathaway cũng dự đoán rằng giọng điệu của Mỹ sẽ bớt trịnh thượng hơn và Mỹ sẽ hợp tác nhiều hơn với các đối tác tại châu Á.

 

Vishakha Desai, chủ tịch Hiệp hội châu Á tại Mỹ, nói: “Không thể phủ nhận là cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và Afghanistan đã làm ảnh hưởng tới vị thế của Mỹ trong 900 triệu người Hồi giáo tại châu Á, từ Pakistan tới Philippines”.

 

Cả Obama và Clinton đều chỉ trích mạnh mẽ các hiệp định thương mại tự do, gây ra những lo ngại tại châu Á vốn là một nhà xuất khẩu quan trọng vào thị trường Mỹ.

 

Một hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, hiệp định thương mại lớn nhất của Mỹ trong vòng 15 năm qua, đã được hai chính phủ ký kết năm 2007. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ có thể sẽ không thông qua trước khi ông Bush rời Nhà Trắng vào tháng 1/2009.

 

Bà Vishakha Desai nói: “Tổng thống tương lai của Mỹ phải hợp tác với châu Á để tiến tới một tương lai thịnh vượng, vững chắc và an toàn”.

 

VTH

Theo AFP