1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Các Tổng thống Mỹ hối tiếc nhất điều gì?

(Dân trí) - Ông Barack Obama không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên thừa nhận sai lầm, hối tiếc lớn nhất trong nhiệm kỳ của mình. Những người tiền nhiệm của ông cũng từng làm điều này.


Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AP)

Cuối tuần trước, trong cuộc trả lời phỏng vấn phát sóng trực tiếp với hãng tin Fox News, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thẳng thắn thừa nhận “sai lầm tệ hại nhất” của ông trong suốt hai nhiệm kỳ của mình.

Ông Obama nói rằng, điều khiến ông hối tiếc nhất đó là không thể lập kế hoạch cho Libya thời kỳ hậu Muammar Gaddafi khi nhà lãnh đạo Libya này bị phế truất và kéo theo bất ổn nhiều năm qua tại quốc gia này.

Thực tế, Libya hiện chứng kiến một cuộc xung đột giữa hai phe phái đối lập đã từng cùng nhau chiến đấu chống lại ông Gaddafi, và cũng kể từ đó, Libya luôn thiếu vắng một chính phủ thực sự. Lợi dụng tình trạng hỗn loạn này, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng tại đây.

Cả Tổng thống Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đều khẳng định, nguyên nhân dẫn đến sự hỗn loạn này không phải do lật đổ Gaddafi, mà có thể do thất bại trong việc lập nên một chính phủ ổn định ở Libya về sau.

Sự thất bại của tình báo Mỹ ở Iraq


Cựu Tổng thống Mỹ George W Bush. (Ảnh: AP)

Cựu Tổng thống Mỹ George W Bush. (Ảnh: AP)

Người tiền nhiệm của ông Obama, cựu Tổng thống George W Bush từng thừa nhận, hối tiếc lớn nhất của ông là sự thất bại của tình báo Mỹ liên quan đến vũ khí của Iraq.

Năm 2003, chính quyền của ông đã dựa trên những thông tin tình báo sai cho rằng Iraq sử dụng vũ khí giết người hàng loạt để tấn công dân thường, chính vì thế Mỹ đã phát động cuộc tấn công vào Iraq để lật đổ Tổng thống Saddam Hussien. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy và sau này ông mới thừa nhận đó là điều hối tiếc nhất của ông trong nhiệm kỳ tổng thống.

“Mối quan hệ với cô gái đó”


Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. (Ảnh:AP)

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. (Ảnh:AP)

Sau khi rời nhiệm sở, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton nói rằng, ông cảm thấy có “trách nhiệm suốt đời” trong nạn diệt chủng ở Rwanda xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Tuy vậy, theo lời thú nhận năm 1998 sau nhiều tháng phủ nhận, ông Clinton nói rằng, sai lầm tồi tệ hơn với ông đó chính là mối quan hệ với nữ thực tập sinh tên Monica Lwensky.

“Tôi đã đánh lừa mọi người, kể cả vợ tôi. Tôi thật sự ân hận về điều đó", ông Bill Clinton thừa nhận.

“Sẽ không có thuế mới nào cả”

Trong chiến dịch tranh cử năm 1988, ông George W.H. Bush (Bush cha) từng đưa ra một cam kết mạnh mẽ rằng: “Hãy nghe tôi nói đây, sẽ không có khoản thuế mới nào cả”. Tuy nhiên, đó lại là điều mà ông không thể giữ lời hứa khi trở thành ông chủ Nhà Trắng. “Tôi thực sự hối tiếc”, ông nói như vậy khi tái tranh cử vào năm 1992. Và rõ rằng, lời hứa vốn giúp ông đặt chân vào Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu tiên đã trở thành trở ngại khiến ông không thể tái đắc cử.

“Trái tim của tôi và những sự thật”


Cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. (Ảnh: AFP)

Cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. (Ảnh: AFP)

Cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã bày tỏ sự hối tiếc đối với vụ Iran - Contra, hay vụ bê bối xung quanh việc Mỹ bán vũ khí bí mật cho Iran để đổi lấy sự giải thoát cho các con tin Mỹ và tài trợ phiến quân cánh hữu ở Nicaragua trong bối cảnh Teheran đang chịu lệnh cấm vận sau cuộc chiến với Iraq.

Hiện vẫn không rõ ông Reagan biết được bao nhiêu trong chuyện này nhưng khi buộc phải nói về vụ việc năm 1987, ông nói: “Một vài tháng trước tôi đã nói với người dân rằng tôi không đổi vũ khí lấy con tin. Trái tim và những ý định tốt nhất cho tôi biết đó là sự thật, nhưng các sự kiện và bằng chứng thì lại trái ngược”.

Ông cho biết ông chịu “trách nhiệm hoàn toàn” về những hành động của mình nhưng cũng tỏ ra giận dữ về những “hoạt động xảy ra mà không hề hay biết”.

“Chiến thắng có cả 100 người cha”


Cựu tổng thống Mỹ John F. Kennedy. (Ảnh: AFP)

Cựu tổng thống Mỹ John F. Kennedy. (Ảnh: AFP)

Năm 1961, Tổng thống Mỹ khi đó là John F Kennedy phải đối mặt với một cuộc chất vấn sau thất bại trong sự kiện Vịnh con Heo ở Cuba do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bảo trợ.

Mặc dù ông Kennedy khẳng định rằng mình không còn gì để nói sau tuyên bố ban đầu, một phóng viên đã hỏi ông về những thông tin trái chiều xung quanh vụ việc. Ông Kenney đã trả lời rằng: “Có một câu nói từ xưa rằng chiến thắng có 100 người cha nhưng thất bại là trẻ mồ côi”. Ông nhấn mạnh, việc ông hay chính phủ Mỹ khi đó chẳng còn gì để nói không có nghĩa là che giấu, trốn tránh trách nhiệm.

Minh Phương

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm