1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Các nước triển khai tiêm liều thứ 3 vaccine Covid-19 ra sao?

Minh Phương

(Dân trí) - Nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu hoặc chuẩn bị triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 mũi tăng cường, mặc dù hiện vẫn còn có những ý kiến khác nhau trong cộng đồng khoa học về việc này.

Các nước triển khai tiêm liều thứ 3 vaccine Covid-19 ra sao? - 1

Một số nghiên cứu chỉ ra, hiệu quả của vaccine Covid-19 có thể giảm dần theo thời gian (Ảnh: Getty).

Theo thống kê của trang tin Pharmaceutical Technology, tính đến cuối tháng 9 có khoảng 40 quốc gia cho phép triển khai tiêm chủng tăng cường vaccine Covid-19, và hơn 10 quốc gia khác cũng cân nhắc tiến hành trong tương lai gần.
Israel là một trong những nước đầu tiên tiêm vaccine tăng cường từ giữa tháng 8.

Cục Thực và Dược phẩm Mỹ ngày 22/9 cũng phê chuẩn tiêm mũi tăng cường vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna cho người trên 65 tuổi, những người có nguy cơ cao. Một nhóm cố vấn của cơ quan này dự kiến sẽ nhóm họp vào cuối tháng 10 để thảo luận có cấp phép sử dụng vaccine Moderna và Johnson & Johnson's cho chiến dịch tiêm chủng tăng cường hay không.

Trong khi đó, Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) hôm 4/10 khuyến nghị tiêm mũi thứ ba vaccine Pfizer/BioNTech hoặc Moderna cho người suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, cơ quan này cũng để các nước thành viên tự quyết định có triển khai tiêm chủng tăng cường đại trà hay không. Một số nước thành viên EU thậm chí đã triển khai chương trình tiêm chủng tăng cường trước khi EMA đưa ra khuyến nghị.

Châu Âu

Đến nay, hầu hết các nước triển khai chương trình tiêm chủng tăng cường cho người ức chế miễn dịch. Một số nước như Anh, Đức, Pháp còn mở rộng tiêm mũi tăng cường với người cao tuổi. Điều này là bởi các nhà khoa học Anh đã đưa ra một số bằng chứng gần đây cho thấy miễn dịch do vaccine tạo ra có thể giảm dần theo thời gian, đặc biệt là ở người cao tuổi. Mặt khác, các dữ liệu nghiên cứu của Israel cho thấy, mũi tăng cường có hiệu quả đáng kể nhằm giảm tỷ lệ nhập viện do Covid-19.

Các nước gồm Áo, Hungary, Nga, Romania, Serbia và Slovakia đã cho phép tiêm chủng mũi tăng cường với người có hệ miễn dịch kém, người già, người dễ bị tổn thương.

Bỉ, Bulgaria khuyến nghị tiêm mũi tăng cường cho đội ngũ y tế tuyến đầu chống dịch, những người bị ức chế miễn dịch, người sống trong các viện dưỡng lão và người trên 65 tuổi.

Các nước châu Âu hiện vẫn chia rẽ về sự cần thiết của mũi vaccine tăng cường. Giới chức Thụy Sĩ cho rằng, hiện tại là chưa cần thiết bởi họ không thấy bằng chứng về sự suy giảm mức độ bảo vệ của vaccine qua thời gian, nhưng cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục theo dõi thêm dữ liệu.

Châu Á

Tại châu Á, một số nước đã bắt đầu tiêm chủng vaccine Covid-19 mũi tăng cường cho người đã tiêm đủ hai mũi tiêu chuẩn.

Campuchia bắt đầu triển khai chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường từ ngày 12/8, ban đầu ưu tiên tiêm mũi bổ sung cho các nhân viên y tế, viên chức và các lao động tuyến đầu. Theo đó, Campuchia dùng vắc xin AstraZeneca để tiêm mũi thứ ba cho những người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin Sinopharm hoặc Sinovac, nhằm ngăn chặn biến thể Delta lây lan. Chiến dịch được mở rộng đại trà từ ngày 11/10 và Campuchia đang cân nhắc triển khai tiêm mũi thứ tư.

Indonesia cũng đã bắt đầu tiêm chủng mũi tăng cường nhưng mới chỉ áp dụng với đội ngũ y tế, trong khi dự kiến tiêm đại trà vào năm sau. Hàn Quốc mới tiêm mũi tăng cường cho người có nguy cơ cao hoặc người có hệ miễn dịch kém.
Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan dùng vaccine AstraZeneca để tiêm mũi tăng cường cho những người đã tiêm vaccine Sinovac.

Trung Quốc cũng đang thúc đẩy tiêm chủng mũi vaccine thứ ba cho người dân sau khi khoảng 80% dân số đã tiêm đủ hai mũi.

Giới chức y tế Nhật Bản đang cân nhắc bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine mũi tăng cường sớm nhất vào cuối năm nay.

Hiện còn tranh cãi về hiệu quả và sự cần thiết của mũi vaccine Covid-19 tăng cường. Hôm 12/10, Nhóm Cố vấn Chiến lược gồm các Chuyên gia về Tiêm chủng (SAGE) của Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh, họ không khuyến nghị một liều tăng cường bổ sung cho toàn bộ người dân. Thay vào đó, họ mới khuyến nghị tiêm mũi tăng cường cho người có hệ thống miễn dịch suy yếu. WHO muốn tạm dừng tiêm liều tăng cường cho mọi người nói chung cho đến cuối năm nay để ưu tiên tiêm liều đầu tiên ở hàng chục quốc gia thiếu vaccine.