1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Các nước trên thế giới sử dụng "loa phường" để làm gì?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một số nước trên thế giới vẫn đang sử dụng hệ thống loa phóng thanh để phát đi thông điệp tới người dân trong tình huống khẩn cấp như động đất, bão lũ.

Các nước trên thế giới sử dụng loa phường để làm gì? - 1

Loa phóng thanh trên đảo Shikoku, Nhật Bản (Ảnh: Atlas Obscura).

Nhật Bản

Nhật Bản nằm trên vành đai núi lửa quanh Thái Bình Dương nên nước này thường phải hứng chịu các trận động đất quy mô lớn và có thể là núi lửa phun trào.

Ngoài ra, Triều Tiên thường thử tên lửa phóng ra bờ biển phía đông nước này nên Nhật Bản luôn cảnh giác cao độ.

Chính vì vậy, Nhật Bản đã lập ra một hệ thống tên là J-Alert trong trường hợp xảy ra thảm họa tự nhiên hoặc sự cố khẩn cấp.

J-Alert là một hệ thống cảnh báo cấp quốc gia, trong đó chính phủ Nhật Bản sẽ truyền thông tin khẩn cấp ngay lập tức đến người dân của cả nước.

Nó thường được Cơ quan Khí tượng sử dụng để truyền thông tin về động đất, sóng thần, núi lửa phun trào và bất kỳ thảm họa thiên nhiên nào khác. Ngoài ra chính phủ cũng sẽ cung cấp thông tin về tên lửa đạn đạo, các cuộc không kích, hay bất cứ điều gì khác mà người dân cần được cảnh báo.

Những thông điệp cảnh báo này thường được phát đi qua hệ thống loa phóng thanh ngoài trời ở các khu dân cư, ti vi, radio, thư điện tử gửi tới điện thoại. Khi nhận được thông điệp về mối đe dọa, người dân sẽ được khuyến cáo đi trú nấp hoặc di tản ngay lập tức.

Điện thoại thông minh ở Nhật Bản thường có chức năng "thư điện tử cảnh báo khẩn cấp" được cài đặt sẵn để nhận thông báo của J-Alert.

Tại Nhật Bản, nguy cơ thảm họa tự nhiên có thể ập tới bất cứ lúc nào, vì vậy nước này lắp đặt tương đối dày đặc hệ thống loa phóng thanh trên các cột ở khu dân sinh.

Hệ thống này được thử nghiệm mỗi ngày trên cả nước vào 17h. Nó thường phát nhạc dân ca Nhật Bản và các bài hát khác. Đây là cách Nhật Bản đảm bảo hệ thống cảnh báo của họ có thể hoạt động trơn tru trong tình huống khẩn cấp.

Đối với các bài thử nghiệm, để tránh gây ồn ào quá mức, hầu hết các địa phương thường bật các bài hát nhẹ nhàng tầm 30-60 giây. Ngoài ra, một số thị trấn cũng sử dụng loa để phát đi thông báo về các sự kiện tại địa phương và tin tức quan trọng.

Trong tình huống khẩn cấp, hệ thống loa phóng thanh này đã chứng minh hiệu quả. Ví dụ trong thảm họa động đất năm 2011, các thông báo từ hệ thống loa phóng thanh được phát đi rất rõ ràng để khuyến cáo người dân sơ tán khẩn cấp nhằm tránh sóng thần đang ập tới.

Hệ thống loa phóng thanh cũng từng nhận một số chỉ trích về những tiếng ồn nó gây ra, tuy nhiên, nó vẫn rất cần thiết trong tình huống nguy cấp khi ranh giới giữa sự sống và cái chết có thể chỉ tính bằng phút, thậm chí bằng giây.

Mỹ

Các nước trên thế giới sử dụng loa phường để làm gì? - 2

Một hệ thống loa báo động ở Mỹ (Ảnh: NY Times).

Mỹ có một hệ thống mang tên EAS sử dụng để thông báo về tình huống khẩn cấp thông qua tới công chúng qua hệ thống truyền hình cáp, vệ tinh đài phát thanh AM/FM và radio vệ tinh.

Một số địa phương vẫn duy trì hệ thống báo động ngoài trời thông qua loa phóng thanh để cảnh báo người dân tìm nơi trú ẩn khẩn cấp hoặc sơ tán nhanh chóng khi tình huống bất thường xảy ra như thảm họa tự nhiên.

Hệ thống này được kiểm tra hàng tháng tùy theo lịch trình của từng địa phương và sẽ được thông báo trước tới cho người dân.

Hệ thống báo động qua loa phóng thanh sẽ do cấp hạt hoặc cấp thấp hơn quản lý. Chúng thường được sử dụng để cảnh báo về thảm họa thiên nhiên sắp xảy ra hoặc các mối đe dọa tấn công quân sự.

Tại khu vực bình nguyên phía bắc của Mỹ, Trung Tây hoặc phía nam, các báo động thường được phát đi để nhắc người dân tìm nơi trú ẩn khi có cảnh báo lốc xoáy xảy ra. Tại khu vực bờ Đông, các cảnh báo thường được phát đi để nhắc mọi người về các cơn bão đang ập tới.

Tại một số khu vực, các cảnh báo được dùng để nhắc người dân về nguy cơ núi lửa phun trào, sóng thần…

Ở một số đơn vị cứu hỏa tình nguyện ở khu vực nông thôn hẻo lánh, họ sử dụng loa phóng thanh để kêu gọi tình nguyện viên tới tham gia chữa cháy khi sự cố xảy ra.

Philippines

Các nước trên thế giới sử dụng loa phường để làm gì? - 3

Loa phóng thanh tại thành phố Pasig, Philippines (Ảnh: ATI).

Philippines hứng chịu trung bình 20 cơn bão mỗi năm, gây thiệt hại nghiêm trọng với mùa màng, nhà cửa, cơ sở vật chất và nguy hiểm tới tính mạng của hàng triệu người. Ngoài ra, họ cũng phải đối mặt với nhiều thảm họa tự nhiên khác như động đất, sóng thần. 

Vì vậy, Philippines sử dụng một hệ thống mang tên "Phát sóng di động khẩn cấp" (ECBS) để phát cảnh báo tới điện thoại di động.

Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình mang tên "Giảm thiểu mối đe dọa từ thảm họa", một số địa phương ở Philippines cũng lắp loa phóng thanh.

Các cảnh báo được phát đi dưới dạng còi báo động hoặc thông điệp tới người dân để sơ tán khi xảy ra bão, lũ lụt và tình trạng khẩn cấp. Mỗi tình trạng khẩn cấp sẽ có một loại báo động riêng đi kèm thông điệp chỉ dẫn cho người dân một cách cụ thể.

Các nước trên thế giới sử dụng loa phường để làm gì? - 4

Ngoài loa phóng thanh, Philippines sử dụng hệ thống cảnh báo qua điện thoại để phát đi thông điệp khẩn cấp tới người dân (Ảnh: Wikipedia).

Theo New York Times, Atlas Obscura, Relief Web