1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Các nước NATO dựng phòng tuyến kiên cố, lên dây cót kịch bản Nga tấn công

Thành Đạt

(Dân trí) - Estonia, Lithuania và Latvia đang tích cực xây dựng các công trình phòng thủ khổng lồ dọc theo biên giới chung với Nga và Belarus.

Các nước NATO dựng phòng tuyến kiên cố, lên dây cót kịch bản Nga tấn công - 1

Estonia, Latvia và Lithuania dựng công sự phòng thủ chung dọc đường biên giới với Nga và Belarus (Ảnh: Bộ Quốc phòng Estonia).

Tuyến phòng thủ Baltic, bao gồm hàng trăm hầm trú ẩn và các biện pháp phòng thủ khác, là một phần quan trọng trong thỏa thuận được ký kết giữa Estonia, Lithuania và Latvia vào tháng trước. Động thái này diễn ra trong bối cảnh cả 3 nước đều lo ngại chiến dịch quân sự của Nga ở nước láng giềng Ukraine.

Estonia có kế hoạch xây dựng 600 boongke, với chi phí 65 triệu USD, dọc theo biên giới dài 455km chung với Nga, đài truyền hình ERR của nước này đưa tin.

Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho biết hệ thống phòng thủ sẽ bao gồm các boongke, điểm hỗ trợ và đường phân phối trong thời bình. Nhưng trong trường hợp xảy ra chiến sự, lực lượng dự bị địa phương sẵn sàng triển khai mìn, hào chống tăng, dây thép gai và răng rồng - những kim tự tháp bê tông được thiết kế để chặn xe tăng - Times of London đưa tin trong tuần này.

"Tuyến phòng thủ ở Baltic là một dự án lớn", Lukas Milevski, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, bình luận gần đây.

Ông nói thêm rằng các quốc gia vùng Baltic "tin rằng họ không thể từ bỏ lãnh thổ, điều đó có nghĩa là thừa nhận rằng họ cần phải chuẩn bị để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga ngay từ những giây phút đầu tiên sau khi Nga vượt qua biên giới vùng Baltic".

Donatas Palavenis, một nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ tiên tiến Baltic, nói rằng hệ thống phòng thủ nhằm dồn đối phương vào vị trí thuận lợi cho quân phòng thủ.

Sơ đồ các hầm trú ẩn nguyên mẫu do Bộ Quốc phòng Estonia công bố cho thấy các cấu trúc thuôn dài được thiết kế để phù hợp với một hầm đào hình chữ T và lối vào của chúng được bảo vệ bởi các công trình bằng đất.

Các công trình này được thiết lập tương tự Tuyến Surovikin của Nga, vốn ngăn chặn hiệu quả cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè năm ngoái.

"Việc xây dựng tuyến phòng thủ kiên cố này chắc chắn sẽ tốn thời gian và nguồn lực, nhưng tính hiệu quả của nó được thể hiện rõ trong cuộc chiến Ukraine, nơi quân đội không có khả năng vượt qua các chướng ngại vật một cách hiệu quả và giành được lãnh thổ đáng kể", chuyên gia Palavenis cho biết.

Đầu tuần này, các quan chức tình báo nước ngoài của Estonia cảnh báo Nga "có thể đang lường trước một cuộc xung đột có thể xảy ra với NATO trong thập niên tới".

Các quan chức hàng đầu của Estonia, Lithuania và Latvia từ lâu đã đưa ra tín hiệu cảnh báo về sự cứng rắn ngày càng tăng của Nga. Họ cũng ngày càng thể hiện sự sẵn sàng trong việc hành động độc lập với NATO để tăng cường khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa.

Trong thỏa thuận tháng 1, Estonia, Lithuania và Latvia cũng đồng ý phát triển năng lực của Hệ thống pháo phản lực cơ động cao.

Thỏa thuận của Estonia, Lithuania và Latvia được đưa ra trong bối cảnh tương lai viện trợ quân sự của Mỹ-NATO cho Ukraine không chắc chắn.

Ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, gần đây cho biết ông sẽ khuyến khích Nga làm "bất cứ điều gì họ muốn" với các thành viên NATO không chi tiêu đủ cho quốc phòng. Tuyên bố này của ông Trump gây ra làn sóng tranh cãi mạnh mẽ.

Theo Business Insider

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm