1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Các nước NATO cân nhắc triển khai quân đội tới Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo châu Âu đang xem xét khả năng triển khai quân đội tới Ukraine như một phần của thỏa thuận ngừng bắn với Nga, theo Washington Post.

Các nước NATO cân nhắc triển khai quân đội tới Ukraine - 1

Lực lượng NATO tập trận (Ảnh: Reuters).

Báo Washington Post ngày 20/12 đưa tin, các cuộc thảo luận về việc triển khai quân đội của các nước thành viên NATO ở châu Âu tới Ukraine được cho là đang ở giai đoạn đầu.

Các cuộc thảo luận diễn ra khi các thành viên NATO cân nhắc các biện pháp để cung cấp cho Ukraine đòn bẩy trong các cuộc đàm phán tiềm tàng nhằm chấm dứt xung đột với Nga.

Ý tưởng này được cho là đã được nêu ra trong một cuộc họp do Tổng thư ký NATO Mark Rutte chủ trì tại Brussels, Bỉ vào ngày 18/12, có sự tham gia của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và một số nhà lãnh đạo của khối.

Ý tưởng này cũng đã được đưa ra với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong các cuộc hội đàm gần đây tại Paris, có sự tham dự của Tổng thống Zelensky và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Các quan chức nắm được thông tin về các cuộc thảo luận nói rằng, ông Trump đã bày tỏ sự quan tâm nhưng vẫn chưa đưa ra cam kết lập trường vì đội ngũ của ông đang trong quá trình xây dựng chính sách.

Theo đề xuất này, một lực lượng gìn giữ hòa bình do châu Âu dẫn dắt sẽ hoạt động bên ngoài khuôn khổ của NATO. Các nhà lãnh đạo dường như coi đây là một sự đảm bảo an ninh tiềm năng cho Ukraine, trong bối cảnh Kiev khó có thể được kết nạp vào khối trong tương lai gần.

Tổng thống Macron, người đầu tiên nêu ra ý tưởng này vào tháng 2, đã kêu gọi sự ủng hộ cho kế hoạch từ một số quốc gia châu Âu, bao gồm Anh và một số quốc gia vùng Baltic và Bắc Âu.

Mặc dù các chi tiết của đề xuất vẫn chưa rõ ràng, nhưng lực lượng này sẽ cần những cam kết đáng kể - có khả năng lên tới hàng chục nghìn quân - để đảm bảo hiệu quả mà không dễ bị tấn công, theo Washington Post. Các cuộc thảo luận cũng xoay quanh việc xác định nhiệm vụ của lực lượng.

Tổng thống Zelensky đã công khai ủng hộ đề xuất này, nhấn mạnh đề xuất nên bổ sung cho nguyện vọng của Ukraine về tư cách thành viên NATO thay vì thay thế nguyện vọng đó. Ông nhắc lại trong cuộc họp tại Brussels tuần này rằng điều khoản phòng thủ chung của khối vẫn là "bảo đảm thực sự" duy nhất về an ninh cho Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/12 đã nhắc lại việc Nga sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine, nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải giải quyết các mối quan ngại chính về an ninh, bao gồm việc Kiev từ bỏ tham vọng của NATO, công nhận thực tế lãnh thổ mới và cam kết duy trì vị thế trung lập.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 20/12 cho biết Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp hơn 300 tỷ USD viện trợ tài chính và hỗ trợ quân sự cho Kiev kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu leo thang vào năm 2022.

Ông Orban đã nhấn mạnh đến tình hình quân sự đang diễn ra, lưu ý rằng "cán cân quyền lực ở tiền tuyến đang thay đổi từng ngày" theo hướng có lợi cho Nga. Ông cũng chỉ ra những thay đổi chính trị dự kiến ở Mỹ khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng tới.

Mỹ và các đồng minh NATO nhiều lần khẳng định không có kế hoạch đưa quân đến Ukraine vì lo ngại trở thành một bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine. 

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, theo phiên bản sửa đổi của học thuyết hạt nhân Nga, bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại Moscow từ một quốc gia không có vũ khí hạt nhân, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia có vũ khí hạt nhân, đều có thể được coi là "cuộc tấn công chung" và vượt qua ngưỡng hạt nhân.

Theo RT