1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Các nước láng giềng Nhật Bản không nên hoảng loạn vì phóng xạ”

(Dân trí) - Nhiều chính phủ tại Á châu báo động bụi phóng xạ iod 131 xuất phát từ các nhà máy hạt nhân Nhật. Tuy nhiên, tổ chức môi trường Hoà bình Xanh (Greenpeace) cho rằng người dân không nên hoảng loạn vì hàm lượng phóng xạ trong các đám mây này không đáng kể.

 

 
“Các nước láng giềng Nhật Bản không nên hoảng loạn vì phóng xạ” - 1
Thủ tướng Nhật Bản nói rằng nước ông đang “cảnh giác ở mức tối đa”.

Chuyên gia hạt nhân của tổ chức quốc tế Greenpeace, bà Rianne Teule nói: “Mức phóng xạ đang lan sang các nước láng giềng của Nhật Bản thấp đến mức chúng không thể gây ra nguy cơ nào cho sức khoẻ con người. Mọi người không nên quá hoảng sợ”.

Hôm qua, cơ quan các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam báo cáo mây phóng xạ đã lan đến lãnh thổ của mình. Hàng triệu người đang lo ngại cho sức khỏe, trong bối cảnh tại Nhật Bản nhiều loại thực phẩm, rau quả đã bị ô nhiễm.

Tại Việt Nam, Viện năng lượng Việt Nam cho biết vào chiều hôm qua mây chứa iốt 131 đã đến vùng duyên hải với hàm lượng nhỏ. Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân của Philippines cũng xác nhận mây phóng xạ đã tới quần đảo, nhưng phát ngôn viên Tina Cerbilis kêu gọi dân chúng không nên sợ hãi và hàm lượng iod đồng vị rất thấp, không gây tác hại cho sức khỏe.

Lời tuyên bố của chuyên gia Philippines cũng là thái độ chung của các nước trong vùng.

Nằm gần Nhật Bản, Hàn Quốc cho biết có 7 tỉnh bị mây phóng xạ, nhưng khảo sát hải sản đánh bắt trong lãnh hải của mình thì không thấy tôm cá bị phóng xạ. Còn theo chính phủ Trung Quốc thì nhiều tỉnh ở duyên hải cũng như ở sâu trong nội địa đều bị mây phóng xạ với hàm lượng không đáng kể. Trong danh sách công bố có Hắc Long Giang, Thượng Hải, Quảng Tây và An Huy.

Theo bà Rianne Teule, một lượng phóng xạ rất nhỏ cũng đã được phát hiện ở Mỹ, Nga, Iceland, Pháp, Thuỵ Điển và Canada.

Như vậy, gần 20 ngày sau thảm họa thiên tai tại Nhật Bản, toàn khu vực Bắc bán cầu từ Á châu đến Âu châu và Bắc Mỹ gần như không nơi nào tránh được mây phóng xạ từ các lò hạt nhân Fukushima. “Nhưng mức độ phóng xạ rất nhỏ, chưa có nguy cơ với sức khoẻ con người”, bà Teule một lần nữa khẳng định.

Tuy nhiên, nhà vật lý nguyên tử này cảnh báo là không có mức độ an toàn tuyệt đối, vì phóng xạ càng lan rộng thì càng có nhiều rủi ro gây bệnh ung thư.

Chính phủ Nhật Bản hôm qua thông báo trong "tình trạng báo động tối đa", trước tình hình đầy bất trắc tại Fukushima. Tin plutoni thoát ra từ nhà máy hạt nhân và ngấm xuống đất làm tăng mối nghi ngờ vỏ bọc thép lò phản ứng bị rạn nứt. Trong trường hợp này, công việc khắc phục thảm họa sẽ rất khó khăn và rất mất nhiều thời gian.

Trong diễn biến mới nhất, tối qua qua, Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản thông báo không phát hiện nước chứa phóng xạ chảy tràn ra Thái Bình Dương từ các hầm chứa gần bờ biển của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.

Hà Khoa
Theo Inquirer, Kyodo