Các nước có thể phải thay đổi chiến lược "không Covid-19" vì chủng Delta
(Dân trí) - Một số nước có thể phải xem xét điều chỉnh chiến lược chống dịch "không Covid-19" sau khi biến chủng Delta lây lan mạnh, trở thành chủng vượt trội toàn cầu.
Sự lây lan của biến chủng Delta
Để có thể giữ trạng thái "không ca nhiễm" một thời gian dài, một số nước châu Á - Thái Bình Dương đã phải duy trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới với hầu hết du khách nước ngoài, xét nghiệm và truy vết quyết liệt để phát hiện bất cứ ca nhiễm nào lọt qua lưới phòng thủ.
Khi Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến Mỹ và châu Âu thì các nước như Australia và Trung Quốc vẫn nỗ lực mọi cách để duy trì không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Tất nhiên, họ phải đánh đổi. Những nước có nguồn thu lớn từ ngành du lịch như New Zealand và các quốc đảo Thái Bình Dương phải chấp nhận ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp hạn chế. Hàng nghìn người Australia không thể trở về nước do hạn chế chuyến bay và nơi cách ly. Đổi lại, cuộc sống ở những nước này gần như trở lại bình thường cho đến cách đây vài tuần khi Delta chưa xâm nhập.
Đợt bùng phát dịch mới liên quan đến biến chủng Delta đang đặt ra những câu hỏi về chiến lược "không Covid-19" mà các nước như Trung Quốc và Australia theo đuổi trong bối cảnh Delta lây lan.
Tại điểm nóng Covid-19 ở New South Wales của Australia, giới chức ở đây nói rằng, họ có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế khi tỷ lệ tiêm chủng đạt tới 50%. Quan điểm này cho thấy có sự điều chỉnh so với nỗ lực duy trì không có ca mắc Covid-19 của Australia.
Tại Trung Quốc, các ca mắc mới xuất hiện ở hàng loạt tỉnh, thành của Trung Quốc sau cụm dịch ở sân bay quốc tế Nam Kinh hồi tháng 7, nước này đã tiến hành xét nghiệm diện rộng và siết các biện pháp hạn chế. Ông Huang Yanzhong tại tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng đối ngoại, cho biết nhiều chuyên gia Trung Quốc đề xuất phương pháp giảm nhẹ thay vì cố gắng đạt mục tiêu không ca mắc Covid-19.
Các chuyên gia cũng cho rằng, New Zealand và đặc khu Hong Kong có thể sẽ điều chỉnh chiến lược không ca nhiễm mặc dù hiện tại cả hai đều chưa ghi nhận thêm ca nhiễm cộng đồng nào.
Ông Karen A. Grépin tại Trường Y tế Công cộng Hong Kong (Trung Quốc), nhận định, các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á - Thái Bình Dương đã có một năm rưỡi chống dịch thành công nhờ chiến lược không Covi-19 và không thể phủ nhận đây là một chiến thuật tốt. "Chiến lược không Covid-19 rõ ràng được xem là thành công ở một số khu vực trên thế giới suốt 18 tháng qua. Nhưng tôi không nghĩ trong tương lai sẽ như vậy", ông Grépin nói.
Chiến lược "không Covid-19" có thể cần điều chỉnh
Ông Dale Fisher, giáo sư Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng chiến lược của Australia và Trung Quốc tập trung vào kiểm soát biên giới, nhanh chóng truy vết thông qua xét nghiệm diện rộng, nhưng những biện pháp này đang đối mặt nhiều thách thức bởi sự xuất hiện của Delta - biến chủng dễ lây lan hơn nhiều so với chủng gốc của SARS-CoV-2.
Khi Delta xuất hiện ở Australia, nó đã làm bộc lộ ra một lỗ hổng lớn trong chiến lược ứng phó đại dịch đó là tiêm chủng chậm trễ. Tính đến cuối tuần qua, mới chỉ 17% trong số 25 triệu dân số của Australia được tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 58% của Anh và 50% của Mỹ. Điều đó có nghĩa là, mức độ miễn dịch trong cộng đồng nhằm ngăn chặn sự lây lan của Delta ở Australia vẫn còn thấp.
Với Trung Quốc, Giáo sư Ben Cowling tại Đại học Hong Kong cho rằng, chiến lược không ca nhiễm có thể sẽ mang lại kết quả cho nước này một lần nữa, nhưng cũng cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn phía trước. "Với đợt dịch này, tôi cho rằng, Trung Quốc có thể sớm đạt được mục tiêu không ca nhiễm, nhưng tình trạng này vẫn cho thấy rủi ro đối với chiến thuật không có ca mắc. Đây không phải đợt dịch cuối cùng mà sẽ còn có những làn sóng dịch khác".
Theo nhiều chuyên gia, về lâu dài, chiến lược không ca nhiễm sẽ không còn phù hợp bởi cuối cùng tất cả các nước đều muốn mở cửa trở lại, và để làm điều đó, họ phải tìm cách để sống chung với Covid-19.
Trong khi đó, ông Grépin, Australia và Trung Quốc có thể không cần thiết từ bỏ hoàn toàn chiến lược không ca nhiễm bởi khi hơn 80% dân số được tiêm vắc xin, các nước có thể nới lỏng kiểm soát biên giới.