1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Các nhà lãnh đạo EU họp bàn cứu đồng euro

(Dân trí) – Ngày 28/6, giới chức lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu hội nghị thượng đỉnh mang tính sống còn đối với tương lai đồng euro trong bối cảnh cơn bão khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ quật ngã ngay cả những nền kinh tế hàng đầu ở lục địa già.

Các nhà lãnh đạo EU họp bàn cứu đồng euro
Mặc dù giữ vẻ ngoài thân thiện, song sự khác biệt quan điểm quá lớn giữa hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức đang là nhân tố khiến hội nghị thượng đỉnh EU khó đi đến thành công.

Đây là hội nghị thượng đỉnh lần thứ 19 của EU kể từ năm 2010, diễn ra trong 2 ngày 28 – 29/6 tại thủ đô Brussels của Bỉ.

Nguồn tin từ hội nghị cho biết phiên thảo luận đã được chính thức khởi động từ lúc 15h20 theo giờ địa phương (21h20 theo giờ Việt Nam) trong bối cảnh cả thế giới hồi hộp chờ đợi một kế hoạch quan trọng  sẽ được đưa ra để có thể vực dậy Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) từ tâm bão khủng hoảng nợ công .

Chính vì vậy, phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch EU Herman Van Rompuy đã kêu gọi các nhà lãnh đạo châu lục hãy biết gạt qua bất đồng để tìm kiếm cho Eurozone một lối thoát.

“Đây là hội nghị nơi chúng ta đưa ra các quyết định quan trọng. Đó là những gì người dân châu Âu đang chờ đợi và hy vọng ở chúng ta”, Chủ tịch Van Rompuy nói.

Theo ông Van Rompuy, nhiệm vụ quan trọng nhất của hội nghị lần này là phải thông qua được những biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm ở châu Âu.

Ngoài ra, hội nghị cũng cần đưa ra được kế hoạch cứu đồng tiền chung khỏi bị sụp đổ, động thái nếu xảy ra sẽ kéo theo những hậu quả khôn lường cho nền kinh tế toàn cầu.

Theo giới quan sát, tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU hướng trọng tâm thảo luận vào 4 chủ đề chính. Bao gồm: tìm kiếm giải pháp hợp nhất các hiệp ước hiện hành thành "Hiệp ước tăng trưởng" chung cho Eurozone; xác định rõ tương lai của Eurozone trong thập kỷ tới; thảo luận cơ chế thành lập Liên minh ngân hàng; và trao cho EU quyền kiểm soát các khu vực tài chính cũng như ngân sách của các nước thành viên.

Để đạt được các mục tiêu này, EU cần phải hội tụ được quyết tâm hợp nhất rất lớn của tất cả các thành viên.

Mặc dù trước thềm hội nghị đã diễn ra một loạt hoạt động ngoại giao con thoi nhằm góp phần thu hẹp bất đồng giữa hai nền kinh tế đầu tàu khu vực là Đức và Pháp, song thực tế cho thấy giữa quan điểm của hai nước này vẫn tồn tại khoảng cách khá rộng.

Trong phát biểu trước thềm cuộc họp, Pháp tuyên bố vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận sự hội nhập chính trị sâu hơn trong EU.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng thẳng thừng bác bỏ đề xuất chính của Pháp về việc phát hành trái phiếu Khu vực đồng euro. Người đứng đầu nước Đức khẳng định các công cụ chung của khu vực đồng euro - như trái phiếu, hóa đơn thanh toán và kế hoạch chuộc nợ - không phù hợp với Hiến pháp của Đức, sai lầm và phản kinh tế.

Sự khác biệt quan điểm quá lớn giữa Đức và Pháp trong việc giải cứu Eurozone khiến giới phân tích càng tỏ ra hoài nghi về thành công của hội nghị.

Đức Vũ
Theo AFP