Các nhà khoa học Mỹ "hồi sinh" chim đã chết thành UAV
(Dân trí) - Các nhà khoa học ở New Mexico "hồi sinh" những con chim đã chết bằng cách biến chúng thành thiết bị bay không người lái (UAV).
Một nhóm nhà nghiên cứu tại Viện Khai thác và Công nghệ New Mexico ở Socorro, Mỹ đã tận dụng xác của những con chim đã chết và biến chúng thành các thiết bị bay không người lái để nghiên cứu.
"Chúng tôi nảy ra ý tưởng rằng, chúng tôi có thể sử dụng những con chim đã chết và biến chúng thành thiết bị bay không người lái", tiến sĩ Mostafa Hassanalian, một giáo sư kỹ thuật cơ khí, người đứng đầu dự án, cho biết.
Các nhà khoa học hy vọng sẽ sử dụng chúng để nghiên cứu kiểu bay và chuyển động của loài chim, từ đó có thể ứng dụng cho ngành hàng không.
Ông Hassanalian cho biết, các nhà khoa học từng sử dụng vật liệu nhân tạo để chế tạo các "UAV chim", nhưng không mang lại hiệu quả cao. Do vậy, họ đã sử dụng phần lông và xác của những con chim thật để chế tạo UAV.
"Điều duy nhất chúng tôi cần làm là đặt thiết bị vào bên trong con chim đã chết để khiến chúng hồi sinh. Vì vậy, chúng cũng có đuôi, cánh, đầu, thân, mọi thứ đều có sẵn ở đó", ông Hassanalian giải thích.
Ông Hassanalian và nhóm nghiên cứu của mình đã phân tích trọng lượng, tần suất vỗ cánh và cách chuyển động của loài chim khi còn sống để tạo ra "UAV chim" với chuyển động tương tự.
"Nếu chúng ta học cách những con chim này quản lý năng lượng, chúng ta có thể áp dụng những điều này vào ngành hàng không trong tương lai để tiết kiệm nhiều năng lượng và nhiên liệu hơn", ông Hassanian nói.
Trong khi các nhà nghiên cứu khác cho rằng, màu sắc của các loài chim là một cách để chúng thu hút bạn tình hoặc ngụy trang, Brenden Herkenhoff, một nghiên cứu sinh, đang nghiên cứu khả năng màu sắc ảnh hưởng đến khả năng bay.
"Chúng tôi đã thực hiện các thử nghiệm và xác định rằng đối với máy bay cánh cố định, việc sử dụng một số màu nhất định có thể thay đổi hiệu quả chuyến bay. Và chúng tôi tin rằng điều này cũng đúng với các loài chim", ông Herkenhoff nói.
Bất chấp những lợi ích của công nghệ này, việc sử dụng thiết bị bay không người lái cũng làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư. Những người ủng hộ quyền riêng tư lo ngại rằng "UAV chim" có thể được sử dụng để trinh sát quân sự hoặc thực thi pháp luật.
"Chúng tôi không thể phủ nhận thiết bị này có thể sử dụng trong lĩnh vực quân sự. Nhưng những gì chúng tôi tập trung phát triển là thiết bị dân sự, đặc biệt để tìm hiểu động vật hoang dã hoặc giám sát các loài chim", ông Hassanalian nói, đồng thời thừa nhận có những lo ngại xung quanh dự án của ông.
Dự án "UAV chim" sẽ tiếp tục được thực hiện trong 2 năm tới. Bước tiếp theo của các nhà khoa học là nghiên cứu thiết bị có thời gian bay lâu hơn, thay vì 10-20 phút như hiện tại.