1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Các nghiên cứu mới thắp sáng hy vọng vaccine chống chọi Omicron hiệu quả

Thanh Thành

(Dân trí) - Một loạt các nghiên cứu mới chỉ ra rằng vaccine Covid-19 và đặc biệt là các mũi tiêm tăng cường có thể giúp bảo vệ khỏi những hậu quả xấu nhất do nhiễm chủng Omicron lây lan nhanh gây ra.

Các nghiên cứu mới thắp sáng hy vọng vaccine chống chọi Omicron hiệu quả - 1

Một phụ nữ được tiêm vaccine tại Anh (Ảnh: AFP).

Tuy nhiên, theo New York Times (NYT), chủng virus đột biến cao này vẫn sẽ gây ra nhiều ca nhiễm đột phá ở những người đã tiêm đầy đủ và những người từng nhiễm các chủng virus khác, theo nghiên cứu.

Vai trò của tế bào T

Tại cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 15/12, các nhà khoa học đã báo cáo về một số nghiên cứu cho thấy, tế bào T ở những người được tiêm vaccine có thể bảo vệ mạnh mẽ chống lại biến chủng Omicron, giúp ngăn ngừa nhiễm nặng, nhập viện và tử vong.

Cũng trong ngày 15/12, tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden về chống dịch Covid-19, đã chia sẻ dữ liệu phân tích sơ bộ về công dụng của vaccine Moderna. Ông cho biết, hai mũi tiêm tạo ra phản ứng kháng thể không đáng kể chống lại Omicron trong phòng thí nghiệm, nhưng khả năng bảo vệ đã tăng lên sau liều tăng cường. Các nhà nghiên cứu khác dự cuộc họp của WHO cũng công bố kết quả tương tự cho thấy, liều tăng cường của vaccine Moderna hoặc Prizer/BioNTech có thể nâng lượng kháng thể lên mức đủ cao để chống lại Omicron mạnh mẽ hơn.

Mặc dù nghiên cứu mới chỉ dựa trên những quan sát sơ bộ về các tế bào trong phòng thí nghiệm nhưng là một khởi đầu đáng hoan nghênh trong loạt dữ liệu mới đáng lo ngại về Omicron, được phát hiện lần đầu tại Nam Phi vào cuối tháng 11.

Trong tuần qua, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Omicron có thể né tránh kháng thể, một phần của tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể. Điều này giải thích tại sao số ca nhiễm chủng mới này đang bùng nổ ở nhiều quốc gia. Nhưng kháng thể không phải yếu tố đóng vai trò quan trọng duy nhất trong phản ứng miễn dịch của con người chống virus. Thực tế là tế bào T có vai trò riêng của chúng. Tiến sĩ Wendy Burgers thuộc Đại học Cape Town giới thiệu tại buổi thuyết trình về nghiên cứu mới mà bà và các đồng nghiệp đã thực hiện trong những ngày gần đây: "Tin tốt là phản ứng của tế bào T phần lớn được duy trì đối với Omicron".

Omicron đang tấn công thường xuyên hơn ở hai nhóm người mang kháng thể: những người đã tiêm đầy đủ và những người khỏi bệnh sau khi nhiễm Covid-19. Tuần này, các nhà khoa học ở Nam Phi đã báo cáo rằng hai liều vaccine Pfizer có hiệu quả ngăn nhiễm Omicron 33%, giảm so với khoảng 80% trong thời kỳ mà tiến sĩ Fauci gọi là "thời kỳ tiền Omicron". Nghiên cứu cho thấy, hai liều Pfizer giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm nặng, nhập viện và tử vong vào khoảng 70%, giảm so với khoảng 95% trước khi Omicron xuất hiện.

Tại cuộc họp của WHO hôm 15/12, các nhà khoa học khác đã trình bày những phát hiện tương tự trong phòng thí nghiệm cho thấy kháng thể do vaccine tạo ra kém hiệu quả với Omicron so với các biến chủng khác. Nhưng liều tăng cường dường như cung cấp đủ lượng kháng thể bổ sung để làm giảm lây nhiễm.

Tiến sĩ Fauci đã trình bày các thí nghiệm tại Viện Y tế Quốc gia, trong đó nhóm nhà khoa học lấy huyết thanh từ những người đã tiêm hai liều vaccine Moderna cũng như từ những người khác đã tiêm liều thứ ba. Sau đó, họ trộn huyết thanh với virus được thiết kế để mang các protein bề mặt của Omicron. Kết quả là những "virus giả" đã né tránh được nhiều kháng thể ở người đã tiêm hai liều vaccine, nhưng ở những người đã tiêm liều tăng cường, virus đã bị chặn lại và không thể xâm nhập.

"Vì vậy, thông điệp vẫn rõ ràng: Nếu bạn chưa được tiêm, hãy đi tiêm ngay và đặc biệt là ở những nơi Omicron đang tấn công mạnh mẽ. Nếu bạn đã được tiêm đầy đủ, hãy tiêm phòng nhắc lại", tiến sĩ Fauci nói.

Mỹ đẩy nhanh tiêm liều tăng cường

Lời khuyên của bác sĩ Fauci được đưa ra khi các quan chức chính quyền Mỹ đang chuẩn bị cho một làn sóng lây nhiễm Omicron tiềm ẩn có thể áp đảo hệ thống chăm sóc y tế.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ gần đây đã cảnh báo rằng tỷ lệ các ca nhiễm Omicron ở Mỹ đã tăng mạnh và có thể gia tăng đột biến ngay trong tháng tới. Biến chủng Delta cho đến nay vẫn là phiên bản thống trị trên toàn nước Mỹ.

Để đón đầu làn sóng đó, giới chức Mỹ đang cố gắng khuyến khích tất cả những người dân có thể đủ điều kiện đi tiêm liều tăng cường. Theo CDC, khoảng 27% người Mỹ được tiêm đầy đủ đã được tiêm liều 3.

Nhiều quốc gia đang gấp rút triển khai tiêm liều tăng cường cho người dân, nhưng Omicron đang lan lan nhanh đến mức nó có thể vượt xa ngay cả những nỗ lực tốt nhất. Tiến sĩ Phil Krause, cựu cơ quan quản lý vaccine tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, cho biết: "Tỷ lệ lây nhiễm dự kiến, nếu đã bùng nổ, sẽ không cho chúng ta nhiều thời gian để can thiệp".

Kịch bản này đã khiến nhiều nhà khoa học hy vọng tế bào T sẽ đóng vai trò là một phương án dự phòng hữu hiệu khi các kháng thể thất bại. Nếu các tế bào miễn dịch này có thể chống lại Omicron, chúng cũng sẽ ngăn được nhiều bệnh nhiễm trùng khác chuyển thành bệnh nặng. Tiến sĩ Alessandro Sette, nhà nghiên cứu tại Viện Miễn dịch học La Jolla và tiến sĩ Andrew Redd thuộc Viện Y tế Quốc gia cho biết, mặc dù Omicron có nhiều đột biến nhưng hầu hết các đoạn protein được tế bào T nhận diện đều giống hệt với các biến chủng khác. Tiến sĩ Sette nói: "Có vẻ như phản ứng của tế bào T phần lớn vẫn được bảo toàn".

Tiến sĩ Burgers và các đồng nghiệp đã kiểm tra khả năng đó bằng cách thu thập các tế bào T từ 16 người được tiêm hai liều vaccine Pfizer và cho các tế bào T đó tiếp xúc với đoạn protein của biến thể Omicron. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng phản ứng của tế bào T đối với biến chủng này mạnh hơn khoảng 70% so với phản ứng của chúng đối với virus SARS-CoV-2 ban đầu.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng đây chỉ là những dữ liệu trong phòng thí nghiệm vì vậy sẽ mất vài tuần nữa mới xác định được tế bào T ngăn ngừa nguy cơ nhiễm nặng tốt như thế nào.