Omicron đổ bộ, châu Á cấp tập đối phó biến chủng "lan nhanh chưa từng thấy"
(Dân trí) - Các nước châu Á đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó sau khi nhiều nước trong khu vực phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên.
Philippines và Campuchia ngày 15/12 ghi nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron, làm dấy lên lo ngại trên khắp châu Á và tiêu tan hy vọng về viễn cảnh cuộc sống trở lại bình thường khi năm mới đến gần.
Các quan chức y tế ở Manila, Philippines cho biết họ đã phát hiện 2 trường hợp, trong đó một người từ Nhật Bản đến Philippines hôm 1/12 và một người khác từ Nigeria đến Philippines một ngày trước đó, mang biến chủng Omicron. Cả hai đều không có triệu chứng.
Bộ Y tế Campuchia cũng thông báo đã phát hiện một phụ nữ 23 tuổi nhiễm biến chủng Omicron sau khi trở về từ Ghana, quá cảnh ở Dubai và Bangkok. Người này đang mang thai 15 tuần.
Tại châu Á, Omicron đã lan tới Thái Lan, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Hong Kong và Đài Loan cũng phát hiện các ca nhiễm biến chủng mới.
Các ca nhiễm mới được ghi nhận tại châu Á cùng thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo biến chủng này đang lây lan với tốc độ chưa từng thấy. Được phát hiện lần đầu ở Nam Phi, Omicron cho đến nay đã lan tới 79 nước trên thế giới, thậm chí WHO cho rằng biến chủng này có thể đã xuất hiện ở hầu hết quốc gia, ngay cả khi nó chưa được phát hiện.
"Omicron đang lây lan với tốc độ chưa từng thấy ở bất kỳ biến chủng nào trước đây", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói hôm 14/12, đồng thời cảnh báo không nên coi Omicron là biến chủng "nhẹ".
Các nhà nghiên cứu độc lập hôm 14/12 đã cảnh báo Philippines có thể phải đối mặt với "sự gia tăng nghiêm trọng" số ca mắc Covid-19 nếu biến chủng Omicron xâm nhập vào quốc gia này.
Tiến sĩ Guido David, một thành viên của nhóm nghiên cứu Octa, đã rút ra những điểm tương đồng giữa Nam Phi và Philippines trong việc ứng phó với biến chủng Omicron. Ông nói rằng từ chưa đầy 300 ca nhiễm mới mỗi ngày, Nam Phi hiện có gần 40.000 ca nhiễm.
"Mặc dù độ phủ vaccine ở Philippines cao hơn đáng kể so với Nam Phi, nhưng nếu biến chủng Omicron xâm nhập vào biên giới của Philippines, nó có thể dẫn đến sự gia tăng nghiêm trọng số ca nhiễm mới", ông David cảnh báo.
Philippines hiện là vùng dịch lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, với hơn 2,8 triệu ca nhiễm và khoảng 50.000 ca tử vong vì Covid-19.
Tại châu Á, tuy số ca nhiễm Omicron tương đối ít, song các nước cũng bắt đầu siết chặt các biện pháp kiểm soát nhập cảnh, trong đó cấm nhập cảnh đối với một số nước châu Phi bị cho là có nguy cơ cao đối với biến chủng Omicron.
Những lo ngại về biến chủng mới đã làm thay đổi kế hoạch mở cửa trở lại của châu Á sau 2 năm đại dịch càn quét. Giới quan sát cho rằng, sự xuất hiện của Omicron sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi của các nước châu Á, khi các nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế để đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Nhiều quốc gia châu Á, bao gồm Singapore, đã đóng cửa biên giới đối với khách du lịch từ Nam Phi, nơi Omicron được phát hiện đầu tiên, và các quốc gia khác nơi biến chủng này đã lan rộng. Nhật Bản thậm chí cấm nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài sau khi có thông tin về Omicron.
Philippines tạm hoãn triển khai chương trình cho phép một số du khách nước ngoài đã tiêm phòng được nhập cảnh vào nước này, trong khi Australia và Ấn Độ thông báo sẽ xem xét lại các biện pháp siết chặt biên giới. Hàn Quốc cũng nhanh chóng thông báo lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài từ một số quốc gia châu Phi.
Trung Quốc vẫn tiếp tục siết chặt chiến lược "Không Covid" để cắt đứt chuỗi lây nhiễm virus sau khi xuất hiện biến chủng Omicron. Chiến lược này bao gồm hàng loạt biện pháp chống dịch nghiêm ngặt như hạn chế đi lại, phong tỏa, xét nghiệm hàng loạt, cách ly…