1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Các kịch bản về tình hình Biển Đông năm 2021: Đâu là tình huống xấu nhất?

Asia Times đã đăng tải bài phân tích về các kịch bản trên Biển Đông vào năm 2021, từ xấu nhất đến tốt nhất, trong đó có cả kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất.

Trong bối cảnh nước Mỹ đang bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực, nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại đã đưa ra những đề xuất và dự đoán cho chính quyền mới. Chủ đề nhận được sự chú ý nhiều hơn cả là quan hệ Mỹ-Trung, đặc biệt là chính sách của Mỹ liên quan đến cuộc đối đầu ngày càng gia tăng giữa hai nước ở Biển Đông. Asia Times đã đăng tải bài phân tích về các kịch bản trên Biển Đông vào năm 2021, từ xấu nhất đến tốt nhất, trong đó có cả những kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất.

Các kịch bản về tình hình Biển Đông năm 2021: Đâu là tình huống xấu nhất? - 1

Mỹ đã điều nhiều tàu chiến thực hiện chiến dịch tự do hàng hải trong khu vực để chống Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Không thể bỏ qua nguy cơ chiến tranh

Kịch bản tồi tệ nhất nhưng ít có khả năng xảy ra là chiến tranh trên Biển Đông. Trung Quốc và Mỹ đang bị mắc kẹt trong một cuộc cạnh tranh lâu dài nhằm giành ảnh hưởng tại châu Á và Biển Đông. Quân đội hai nước đã và đang đẩy mạnh thực hiện các hoạt động quân sự với tần suất ngày càng nhiều, đôi khi chạm trán với nhau. Vì vậy, một số người cho rằng, tranh chấp này sẽ sớm dẫn đến nguy cơ chiến tranh.

David Gompert, cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ nhận xét: "Trung Quốc có thể cố gắng thách thức các nước láng giềng của nước này, thách thức giới hạn đỏ của Mỹ" để đáp trả cái mà họ coi là "mối đe dọa" đối với đất nước mình.

Thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường thực hiện các hành vi gây hấn ở Biển Đông như quân sự hóa một số đảo nhân tạo, triển khai tàu hải cảnh để khẳng định các yêu sách hàng hải phi pháp của nước này. Hải quân Trung Quốc (PLAN) gần đây đã thực hiện 5 cuộc tập bắn đạn thật ở Biển Đông, huy động cả trực thăng Harbin Z-9 và các tên lửa chống hạm tiên tiến. Ông Bill Hayton, chuyên gia cấp cao thuộc Chương trình châu Á - Thái Bình Dương của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh nhận định: "Mỹ vẫn chiếm ưu thế về quân sự và công nghệ. Vì thế Trung Quốc càng nghĩ rằng họ có thể sánh ngang với Mỹ thì nguy cơ hai bên rơi vào tình thế xung đột càng lớn".

Về phần mình, Mỹ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải (FONOP), công khai thách thức những yêu sách hàng hải bất hợp pháp của Trung Quốc. Và bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, Washington vẫn tiến hành hoạt động thu thập thông tin, giám sát và do thám (ISR) ở Biển Đông. Các động thái của Mỹ và phản ứng đáp trả của Bắc Kinh đã dẫn đến một số sự cố. Giới phân tích cho rằng, nếu hai bên tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự thì điều đó có thể dẫn đến những tính toán sai lầm và gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng theo chiến lược mới của Hải quân Mỹ, các tàu chiến của nước này sẵn sàng "chấp nhận những rủi ro về chiến thuật một cách có tính toán và áp dụng lập trường cứng rắn hơn trong các hoạt động".

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng, tình trạng đối đầu và xung đột quy mô lớn khó có thể xảy ra trong thời gian tới, vì các hành động của hai bên đều có thể kiểm soát và dự đoán được. Trên thực tế, cả Mỹ và Trung Quốc vẫn luôn tìm cách tránh kịch bản xấu nhất.

Mỹ và Trung Quốc chưa sẵn sàng cho một cuộc xung đột vũ trang

Hiện tại, Trung Quốc chưa sẵn sàng cho một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn với Mỹ và các đồng minh của Washington, còn Mỹ thì đang bị phân tâm bởi những thách thức hậu bầu cử và khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng các điểm nóng khác ở nước ngoài. Cả hai dường như đã phát triển những phương thức hoạt động nhằm tránh xảy ra tình huống xấu nhất. Tuy vậy, những biến động trong tình hình Biển Đông cùng với sự cố ý hoặc vô ý "vi phạm lằn ranh đỏ" của các bên có thể dẫn đến xung đột.

Kịch bản khả quan hơn một chút là hai bên tránh xung đột và đối đầu ở Biển Đông, nhưng vẫn thực hiện các chính sách và chiến thuật hiện có. Về ngắn hạn, đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất, với một vòng tròn luẩn quẩn: tiếp tục bất đồng, đưa ra những luận điệu thách thức, thúc đẩy các toan tính chính trị và hoạt động quân sự.

Theo một phiên bản của kịch bản này, môi trường chính trị chung trong khu vực tiếp tục xấu đi, kèm theo một loạt diễn biến căng thẳng, chẳng hạn một số quốc gia có thể kiện Trung Quốc theo các điều khoản giải quyết tranh chấp trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), khiến quan hệ giữa các bên ngày càng xấu đi, thậm chí dẫn tới cuộc đụng độ của các lực lượng dân quân biển; hay cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN bị đổ vỡ do thiếu sự hợp tác từ phía Trung Quốc. Mỹ sẽ nắm bắt cơ hội này để tăng cường hỗ trợ các nước ASEAN và gây sức ép ngày càng lớn buộc Trung Quốc phải nhượng bộ. Tiếp đến, đường dây liên lạc quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc có thể bị phá vỡ, khi đó cả hai sẽ phải sử dụng hành động để báo hiệu cho phía bên kia về ý định của mình.

Các kịch bản lạc quan hơn

Tuy vậy, vẫn có nhiều kịch bản lạc quan hơn. Ông Anthony Blinken - người được tổng thống đắc cử Joe Biden đề cử làm Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ dự đoán, chính quyền mới sẽ "tái kết nối với Trung Quốc và làm việc với Bắc Kinh" ở một vị thế mạnh mẽ hơn. Ông Jake Sullivan - người được đề cử vào vị trí Cố vấn An ninh quốc gia lập luận rằng nước Mỹ dưới thời Biden có thể tìm cách để cùng tồn tại với Trung Quốc ngay cả khi hai bên vẫn cạnh tranh với nhau.

Nếu những nhận định nói trên phản ánh chính sách tương lai của chính quyền mới, thì cách tiếp cận cởi mở này có thể tạo ra một kịch bản thúc đẩy sự hòa bình và ổn định. Mỹ và Trung Quốc có thể khôi phục và cải thiện các kênh liên lạc quân sự, để không bên nào gây ra những hành động "bất ngờ" hoặc "mang tính đe dọa" nghiêm trọng tới mức khiến xung đột xảy ra.

Những bước đi nhỏ nhưng vô cùng quan trọng này qua thời gian sẽ dẫn đến một thỏa thuận lớn giữa các bên. Theo đó, Trung Quốc sẽ dừng hành vi xây dựng và cải tạo và quân sự hóa các khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp, dừng đe dọa các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, từ bỏ kế hoạch thiết lập vùng nhận dạng phòng không. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể nhất trí về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang được đàm phán với ASEAN. Về phần mình, Mỹ có thể giảm tần suất hoặc ngừng các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải hay hoạt động thu thập thông tin, giám sát và do thám (ISR) ở Biển Đông.

Những diễn biến tích cực đó sẽ cung cấp không gian ngoại giao cần thiết để giải quyết các vấn đề mang tính chiến lược hơn. Mỹ và Trung Quốc dần đàm phán về một thỏa thuận chia sẻ tầm ảnh hưởng trong khu vực, trong khi lợi ích của các bên liên quan ở Biển Đông sẽ được đảm bảo một cách công bằng, hài hòa. Theo giới phân tích, dù không thể đảm bảo rằng tất cả các bên sẽ mãi mãi chung sống trong hòa bình, nhưng ít nhất những bước đi tích cực đó có thể giúp ổn định tình hình.

Chính quyền ông Biden sẽ phải đối mặt với cả thách thức lẫn cơ hội liên quan đến Trung Quốc, ASEAN và Biển Đông. Các mục tiêu của Mỹ trong khu vực không thay đổi nhưng Washington có thể thay đổi cách tiếp cận, đặc biệt là với ASEAN. Trong một kịch bản tốt hơn, giới phân tích hy vọng dưới thời ông Biden, ASEAN sẽ không phải lựa chọn nghiêng về bên nào giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Biden có thể gặp các nhà lãnh đạo ASEAN sớm hơn để lắng nghe thông điệp của các bên, tái tập trung vào các chính sách và sự hỗ trợ của Mỹ dành cho việc phát triển và thương mại trong khu vực. Với vai trò hỗ trợ, Mỹ có thể đạt được một số đồng thuận với Trung Quốc nhằm giảm căng thẳng trong khu vực và ở Biển Đông. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm tần suất các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ vốn được đẩy mạnh dưới thời chính quyền Trump. Còn Trung Quốc sẽ dừng đưa ra các phát ngôn đe dọa các bên liên quan và chấm dứt thực hiện hành động gây hấn tại Biển Đông. Nếu kịch bản này xảy ra, các bên sẽ dần gạt bỏ được những bất đồng và xây dựng sự tin tưởng.