1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Các doanh nghiệp Trung Quốc lao đao vì virus corona

(Dân trí) - Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức lớn vì tình hình kinh doanh ảm đạm trong lúc quốc gia Đông Á đang “oằn mình” đẩy lùi bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán.

Các doanh nghiệp Trung Quốc lao đao vì virus corona - 1

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Hồ Bắc (Ảnh minh họa: AFP)

Với việc virus corona chủng mới bùng phát ngay dịp Tết Âm lịch, nhiều công ty quy mô vừa và nhỏ ở Trung Quốc bắt đầu quan ngại về tình hình kinh doanh của họ năm 2020.

Hầu hết các công ty nhỏ, vốn là nền tảng của hoạt động kinh tế và việc làm ở Trung Quốc, hiện đang lâm vào tình trạng thiếu nguồn lực để vượt qua “cơn bão” kinh tế lớn trước mặt, SCMP dẫn một khảo sát gần đây cho hay.

Nằm cách 200 km với tâm dịch ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Peng Guobing, một nông dân nuôi cua ở Qipan (Hồ Bắc), đã cảm thấy lo lắng về công việc làm ăn.

Thông thường, khi kỳ nghỉ Tết Âm lịch kết thúc, các hồ nuôi cua của ông thường trống trơn khi hàng hóa được chuyển đi tới các khách hàng tại một vài địa phương ở Trung Quốc. Tuy nhiên, bệnh dịch bùng phát đã ngăn điều này xảy ra.

Virus corona chủng mới đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và 40.000 nhiễm mắc ở Trung Quốc đại lục cho tới thời điểm này.

Ngoài nỗi lo về sức khỏe, bệnh dịch đã làm bùng phát sự sợ hãi với hàng chục triệu công việc kinh doanh quy mô vừa và nhỏ Trung Quốc, vốn được coi là nền tảng của kinh tế Trung Quốc và cơ sở để duy trì sự ổn định trong xã hội.

Trung Quốc có 63 triệu “doanh nghiệp tự làm chủ” tính tới cuối năm 2018, mang lại 150 triệu công ăn việc làm.

Peng cho biết mùa này ông chắc chắn sẽ lỗ vốn vì 2/3 số cua tương đương với 10 tấn (giá 8 USD/kg) vẫn đang mắc kẹt trong các hồ nuôi.  

Nghiêm trọng hơn, Peng sẽ không nhận được các con cua nhỏ cho mùa làm ăn tới sau khi chính quyền ban hành lệnh hạn chế di chuyển để ngăn virus lây lan. Nếu hồ nuôi của ông không được dọn sạch và sẵn sàng cho vụ mới vào tháng 3, ông sẽ bị lỡ cơ hội kinh doanh cho mùa tới.

Sự bùng phát của bệnh dịch vào đúng mùa Tết Âm lịch đã làm tiêu tan cơ hội kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bán lẻ và nhà hàng ở Trung Quốc.

Zhao Jian, chuyên gia từ viện nghiên cứu tài chính Atlantis, cho biết các ngành giải trí, bán lẻ, khách sạn, phục vụ ăn uống sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong “đợt sóng” đầu tiên, trong khi các nhà sản xuất quy mô nhỏ và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị tác động kế tiếp.

Xie Jun, giám đốc một doanh nghiệp đồ gỗ và dệt may xuất khẩu ở Chiết Giang, cho biết ông chỉ được phép nối lại sản xuất vào hồi đầu tuần vì quy định của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, một nửa số nhân công của ông, các công nhân nhập cư, không thể trở lại làm việc cho tới khi họ hoàn thành kỳ cách ly bắt buộc kéo dài 14 ngày.

Một khảo sát thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh chỉ ra rằng 2/3 các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc chỉ có đủ nguồn dự trữ tài chính để vận hành trong 2 tháng nếu doanh thu tụt giảm.

Janey Zhang, chủ một nhà máy sản xuất ô ở Thượng Ngu, Chiết Giang cho hay bà hàng ngày chỉ xem tin tức về virus corona và nhận cuộc gọi từ các công nhân hỏi xem bao giờ họ mới được đi làm trở lại.

“Tôi không rõ. Chúng tôi đợi chỉ thị từ chính phủ. Nếu chỉ có một mình, tôi có thể thắt lưng buộc bụng trong vài tháng. Nhưng nếu bệnh dịch kéo dài, nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều đó cực kỳ tồi tệ”, Zhang nói.

Dọc các khu sản xuất công nghiệp ở bờ đông Trung Quốc, tình cảnh cũng tương tự khi hàng nghìn doanh nghiệp đang trong tình trạng tê liệt hoạt động.

Mối đe dọa với nền kinh tế Trung Quốc

Theo SCMP, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đóng góp hơn 60% vào sản lượng kinh tế đất nước và tạo nên 90% việc làm mới. Việc các doanh nghiệp hoạt động ổn định là rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng như mục tiêu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc nhân đôi quy mô nền kinh tế trong thập niên tính đến năm 2020.

Chuyên gia Louis Kuijs của Oxford Economics (Anh) cho rằng Trung Quốc cần tăng tưởng ít nhất 5,6% năm nay để hướng tới mục tiêu nói trên. Nếu tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc tăng 5,6% năm nay, nền kinh tế cuối năm 2020 sẽ cao hơn 99,8% so với năm 2010.

Theo tính toán của Bloomberg, những sự gián đoạn hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã ảnh hưởng tới tầm quốc gia. Tuần trước, các tỉnh chiếm 69% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng.

Bloomberg cho biết bệnh dịch càng lâu bị kiềm chế, ảnh hưởng sẽ càng nghiêm trọng hơn nữa.

Ông Zhou Xinqi, chủ một doanh nghiệp ở Từ Khê, Chiết Giang phàn nàn rằng ảnh hưởng của dịch bệnh còn nghiêm trọng hơn thương chiến với Mỹ.

“Thương chiến chỉ làm giảm lợi nhuận nhưng ít nhất chúng tôi vẫn kiếm ra tiền. Giờ chúng tôi còn bị mất tiền”, Zhou nói.

Đức Hoàng

Theo SCMP, Straits Times