1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Các đại gia tín nhiệm đồng loạt tuyên bố Hy Lạp vỡ nợ

(Dân trí) – Ngày 9/3, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's tuyên bố Hy Lạp đã vỡ nợ. Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch cũng hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của nước này xuống mức “vỡ nợ hạn chế”, bất chấp việc Athens vừa đạt được thỏa thuận tái cơ cấu nợ khổng lồ.

Các đại gia tín nhiệm đồng loạt tuyên bố Hy Lạp vỡ nợ

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos thông báo về việc đạt được thỏa thuận hoán đổi nợ tại thủ đô Athens ngày 9/3/2012.

Tuyên bố của Fitch và Moody’s là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực giải cứu Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng nợ công của Athens nói riêng và châu Âu nói chung, mặc dù trước đó chính phủ Hy Lạp loan báo hầu hết các nhà đầu tư tư nhân đã đồng ý xóa một phần lớn nợ công cho nước này trong thỏa thuận “xoá và đổi nợ” lớn nhất trong lịch sử Hy Lạp.

"Theo các định nghĩa của Moody's, thỏa thuận trao đổi này là một sự 'trao đổi giá rẻ' và đó là một sự vỡ nợ", Moody's nêu rõ.

Gần như cùng lúc, Fitch cũng tuyên bố hạ mức tín nhiệm vỡ nợ ngoại tệ và nội tệ dài hạn của Hy Lạp (IDRs) từ bậc C xuống mức "vỡ nợ hạn chế" (RD). Trước đó, hãng Standard & Poor's cũng đã đánh tụt bậc xếp hạng của Hy Lạp xuống mức vỡ nợ.

Quyết định của ba “đại gia xếp hạng tín nhiệm” không nằm ngoài dự đoán, khi trước đó các tổ chức này đã tuyên bố coi thỏa thuận hoán đổi trái phiếu của chính phủ Hy Lạp là một sự vỡ nợ.

Sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, ngày 9/3, chính phủ Hy Lạp tuyên bố đã đạt được thỏa thuận hoán đổi nợ khổng lồ với giới đầu tư tư nhân. Theo đó, có tới 85,8% số nhà đầu tư tư nhân đồng ý xóa một phần nợ cho Hy Lạp và chuyển 177 tỷ euro (tương đương 234 tỷ USD) tiền nợ đến hạn thanh toán sang nợ dài trong 30 năm tới.

Ngoài các chủ nợ tư nhân, 69% các chủ nợ quốc tế cũng đã đồng ý sơ bộ về thỏa thuận “xóa và hoán đổi nợ” của Hy Lạp. Trong khi đó, các ngân hàng và quỹ hưu trí cũng sẽ phải gánh chịu phần thua lỗ lên tới 75% từ các khoản đầu tư của mình ở quốc gia hiện gặp khó khăn tài chính này.

Bộ Tài chính Hy Lạp cho biết đây là giải pháp duy nhất đối với Athens hiện nay, vì nếu không, Hy Lạp không còn con đường nào khác ngoài việc phải tự tuyên bố phá sản, động thái có thể kéo cả Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) rơi vào vòng xoáy vỡ nợ công “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử hình thành của khu vực này.

Trong hành động gấp rút cứu Hy Lạp,  Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho biết thể chế này sẽ cung cấp khoản vay mới cho Athens trị giá 28 tỷ euro (36,7 tỷ USD) như một phần của gói cứu trợ thứ hai dành cho nước này.

"Hôm nay tôi đã tham vấn Ban giám đốc IMF và trên cơ sở đó, như đã thảo luận với chính phủ Hy Lạp, tôi dự định khuyến nghị một thỏa thuận 28 tỷ euro trong khuôn khổ Tín dụng điều chỉnh mở rộng của IMF để hỗ trợ chương trình kinh tế tham vọng của Hy Lạp trong bốn năm tới", bà Lagarde cho biết.

Theo người đứng đầu IMF, khoản cho vay này cao hơn nhiều so với dự kiến và sẽ được đề xuất lên Ban giám đốc IMF vào tuần tới.

Tuy nhiên, hiện chưa biết Athens có trụ vững được trước các đòn hạ tín nhiệm của Moody's, Fitch và S&P's hay không.

Vũ Anh
Theo AFP, AP