1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Các chuyên gia quốc tế và Việt Nam bàn thúc đẩy hợp tác an ninh trên Biển Đông

(Dân trí) - Hơn 100 đại biểu nước ngoài từ Liên hợp quốc, Anh, Australia, Nhật Bản… và Việt Nam đã có mặt tại Hà Nội để thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh biển ở Biển Đông, trong bối cảnh khu vực bối cảnh khu vực này đang có các tranh chấp chủ quyền.


Các đại biểu tham gia thảo luận thúc đẩy hợp tác an ninh ở Biển Đông (Ảnh: An Bình)

Các đại biểu tham gia thảo luận thúc đẩy hợp tác an ninh ở Biển Đông (Ảnh: An Bình)

Hội thảo quốc tế về “Thúc đẩy hợp tác an ninh biển ở Biển Đông” được Học viện Ngoại giao, Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Australia phối hợp đồng tổ chức tại Hà Nội ngày 4/12. Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu, trong đó có các học giả từ các nước trong và ngoài khu vực, đại diện gần 30 phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam và các chuyên gia và học giả Việt Nam trên lĩnh vực an ninh và luật pháp quốc tế trên biển.

Với sự tham gia của các diễn giả quốc tế và khu vực đến từ Ủy ban Luật pháp quốc tế LHQ (UN ILC), Anh, Australia, Pháp, Nhật Bản, Malaysia, Philippines và Việt Nam, hội thảo tập trung thảo luận 3 chủ đề: Kinh nghiệm khu vực và quốc tế về trên phân định biển và giải quyết tranh chấp trên biển; Các khía cạnh pháp lý trong hoạt động và hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp lý trên biển; Thúc đẩy hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên Biển Đông.

Khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao nói Biển Đông đóng một vai trò quan trọng đối với an ninh và sự phát triển kinh tế của khu vực cũng như toàn cầu. Trong thập niên qua, các vấn đề an ninh phi truyền thống đã cản trở các nỗ lực nhằm duy trì an ninh và trật tự phù hợp trong khu vực. Điều này dẫn tới yêu cầu bức thiết về sự hợp tác cả đơn phương lẫn đa phương.

Những diễn biến gần đây trong quan hệ quốc tế ở Biển Đông đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật biển, nhưng cùng lúc đó cũng gây ra nhiều rủi ro đối với an ninh khu vực, khi các lực lượng thực thi pháp luật biển đã được các chính phủ sử dụng để thúc đẩy quyền lực, thay đổi trật tự thay vì củng cố trật tự hiện thời. Điều này dẫn tới một loạt các vụ đối đầu ở Biển Đông.

Tiến sĩ Lan Dung cho rằng hội thảo là một hoạt động khoa học được Học viện Ngoại giao phối hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức thể hiện tinh thần chủ động và trách nhiệm trong việc bảo vệ hoà bình và trật tự khu vực và luật pháp quốc tế, là không gian để các học giả chia sẻ nghiên cứu, quan điểm và tìm kiếm các ý tưởng mới phù hợp, thúc đẩy hợp tác vì an ninh và ổn định trong khu vực.

Anh, Australia ủng hộ hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp


Phó đại sứ Anh tại Việt Nam Steph Lysaght (Ảnh: ĐSQ Anh tại Việt Nam)

Phó đại sứ Anh tại Việt Nam Steph Lysaght (Ảnh: ĐSQ Anh tại Việt Nam)

Phó đại sứ Anh tại Việt Nam Steph Lysaght cho rằng thế giới luôn phức tạp và mỗi thế hệ lại đối mặt với những thách thức. Vì thế, các quốc gia phải hành động nhiều hơn để giải quyết các thách thức và tìm các con đường và các mối quan hệ đối tác để đưa khu vực và thế giới thịnh vượng hơn, hòa bình và ổn định hơn.

Ông Lysaght nhấn mạnh, thế giới đang chứng kiến các hành động và cách tiếp cận đơn phương đối với những vấn đề mà con người phải đối mặt, cũng như sự thiếu cam kết đối với các mối quan hệ đối tác và hành động đa phương để giải quyết các vấn đề lớn. Các tổ chức đa phương thấy rằng ngày càng khó tìm kiếm sự đồng thuận và các giải pháp.

Theo Phó đại sứ Anh, an ninh hàng hải tại Đông Nam Á là một vấn đề đa chiều và rất quan trọng đối với khu vực và thế giới. Ông cho rằng một giải pháp dựa trên luật pháp và quy tắc công bằng và được mọi ủng hộ có thể giúp các nước đi tới kết quả đúng đắn, vì các lý do đúng đắn, và có thể tồn tại lâu dài.

“Sự hợp tác là hạt nhân của mọi vấn đề. Người ta có câu rằng “Không ai sống đơn độc như một hòn đảo trơ trọi”. Điều đó cũng rất đúng đối với tất cả các quốc gia”, ông Lysaght nói.

Nhà ngoại giao Anh nhấn mạnh: “Điều quan trọng là các diễn đàn như hội thảo hôm nay cần tái khẳng định rằng một hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp vẫn đang hoạt động. Và nếu nó chưa hoạt động thì cần phải làm cho nó hoạt động”.

Phó đại sứ Anh Lysaght nói thêm, cùng với sự phát triển ấn tượng trong 30 năm qua dưới chính sách “Đổi mới”, chính sách hội nhập của Việt Nam đã cho thấy sự tham gia mạnh mẽ của quốc gia Đông Nam Á đối với cộng đồng quốc tế, và cam kết cũng như ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Hợp tác về các vấn đề an ninh hàng hải là một ví dụ trong số đó.

Ông Lysaght nhấn mạnh, đó cũng là cam kết mà Anh ủng hộ. Anh không có lợi ích lãnh thổ trong khu vực nhưng chia sẻ lợi ích chung về tự do hàng hải, điều mà hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp tạo ra và bảo vệ tất cả mọi người.

“Thông qua sự tham gia và ủng hộ của Anh tại các diễn đàn quốc tế và thông qua sự đi lại và hiện diện toàn cầu của các lực lượng hải quân, chúng tôi tiếp tục ủng hộ điều đó như những gì chúng tôi đã làm trong khu vực này năm 2018”.

“Tôi cũng tin tưởng rằng hội thảo hôm nay và các mối quan hệ đối tác mà chúng tôi có có thể được xem là một sự ủng hộ đối với hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp, vốn đã trở thành nền tảng cho sự thịnh vượng đối với khu vực này và thế giới trong 20 năm qua”, Phó đại sứ Anh nhấn mạnh.


Đại sứ Australia Craig Chittick trao đổi với báo chí tại hội thảo (Ảnh: An Bình)

Đại sứ Australia Craig Chittick trao đổi với báo chí tại hội thảo (Ảnh: An Bình)

Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick cho biết, hội thảo hôm nay chứng kiến các cuộc thảo luận về những giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp hàng hải. Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế của các nước về giải pháp đối với các tranh chấp hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, và UNCLOS là tham chiếu chính. Ông Chittick lấy ví dụ về việc Australia và Timor Leste đã đạt được thỏa thuận đối với các tranh chấp lãnh hải một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

“Hôm nay, chúng tôi cũng được nghe các kinh nghiệm của Nhật Bản, Malasyia nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải phù hợp với luật pháp. Đó là lý do tại sao chúng tôi có mặt tại đây hôm nay để ủng hộ các quốc gia có lợi ích trong khu vực để giải quyết hòa bình các tranh chấp”, ông Chittick nói.

An Bình