1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cả gan

(Dân trí) - Sau hơn chục năm “ăn cơm” Mỹ, đến phút cuối, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai bỗng đột ngột quay lưng với Washington. Lý do gì khiến nhà lãnh đạo này cả gan đến vậy?

Tổng thống sắp mãn nhiệm của Afghanistan Hamid Karzai đang
làm đau đầu Mỹ và phương Tây.

Tổng thống sắp mãn nhiệm của Afghanistan Hamid Karzai đang làm đau đầu Mỹ và phương Tây.

Trong vài tháng trở lại đây, cả Mỹ và phương Tây đều không thể cắt nghĩa được hành động của Tổng thống Karzai, người luôn được coi là đồng minh tin cậy trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng nay lại bất ngờ quay lưng với “bạn bè” để ngả sang “kẻ thù” khi chỉ còn vài tháng nữa sẽ hết nhiệm kỳ tổng thống.

Nhiều giới chức Mỹ đã giận dữ gọi ông Karzai là “kẻ phản bội” khi ông “năm lần, bảy lượt” thoái thác trách nhiệm ký kết Hiệp định an ninh song phương (BSA) liên quan đến kế hoạch duy trì 10.000 quân Mỹ tại Afghanistan sau năm 2014.  Mặc cho những dọa dẫm sẽ bị trừng phạt, hay những cảnh báo về nguy cơ đất nước sẽ rơi vào cảnh bất ổn như Iraq hiện nay, vị tổng thống người Pashtun này vẫn không hề lay chuyển ý chí, vẫn khẳng định sẽ để lại nhiệm vụ khó nhằn cho người kế nhiệm sau cuộc bầu cử Tổng thống ngày 5/4 tới.

Chiến lược sống còn của người sắp mãn nhiệm

Khi chỉ còn vài tháng nữa sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ông Karzai đã quyết định đi một nước cờ mới.

Thay vì thực hiện chiến lược đối đầu với Taliban, ông thực thi chính sách khoan dung với kẻ thù thông qua việc bắc cầu thương thuyết bí mật và đòi hỏi Mỹ phải có thêm những nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền dân tộc.

Xét trong bối cảnh thực tế hiện nay, dường như đây là chiến lược sống còn hợp lý nhất đối với cá nhân ông Karzai, nhất là khi ông sẽ không thể tiếp tục tranh cử theo quy định của Hiến pháp. Ông Karzai đang muốn tạo ra cho mình một lối thoát an toàn sau khi thôi nắm giữ cương vị tổng thống.

Theo tính toán của ông Karzai, với chiến lược này, ông không chỉ lưu lại trong dân chúng hình ảnh là một tổng thống dám chống lại nước Mỹ trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền, mà còn có thể xích lại gần hơn với Taliban và gây sức ép để có được một thỏa thuận tốt hơn với Nhà Trắng. Vị tổng thống sắp mãn nhiệm từng nhiều lần khẳng định Afghanistan sẽ không hy sinh chủ quyền để đổi lấy việc được Mỹ bảo vệ, sẽ không trao cho quân đội Mỹ quyền miễn trừ luật pháp cũng như quyền tự do mở các chiến dịch quân sự hay khám xét nhà thờ, người dân.  

Thế nhưng xem ra đây lại là mong muốn không tưởng của ông Karzai khi giới chức Mỹ đã “chốt hạ” bằng một câu chắc nịch: hoặc Afghanistan phải chấp nhận ký BSA, hoặc phải hủy bỏ thỏa thuận vì Mỹ sẽ không thương thuyết lại. Nhiều nhà lãnh đạo Mỹ còn thể hiện rõ sự mất dần kiên nhẫn trước thái độ chậm trễ ký kết BSA của Kabul.

Cái khó của Tổng thống Obama

Sau 12 năm phát động cuộc chiến tại Afghanistan và lật đổ chính quyền Taliban, nước Mỹ giờ đây đang muốn thu hẹp quy mô cũng như mức độ tham chiến nhưng vẫn phải tiếp tục duy trì ảnh hưởng đối với chính quyền Kabul, bảo vệ những thành quả đã đạt được và giữ quyền kiểm soát ở khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng này.

Chính vì thế, kế hoạch rút toàn bộ quân tham chiến khỏi chiến trường Afghanistan vào cuối năm 2014 đã được chính quyền Tổng thống Barack Obama sốt sắng đẩy mạnh từ cách đây hơn một năm, với một số điều kiện đi kèm như: Afghanistan phải cho phép Mỹ tiếp tục duy trì 10.000 quân đảm nhiệm vai trò huấn luyện quân sự và ngăn Taliban trở lại nắm quyền, binh sĩ Mỹ được miễn trừ hoàn toàn trước luật pháp sở tại và có quyền chủ động tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu khủng bố. 

Washington cho rằng đây là những điều kiện hoàn toàn có thể chấp nhận được đối với Kabul xét trên cả hai phương diện. Thứ nhất, lực lượng an ninh non yếu của Afghanistan sẽ tránh được viễn cảnh phải chật vật đối phó với sự trỗi dậy của Taliban. Thứ hai, Kabul vẫn cần tới sự hỗ trợ của Nhà Trắng cả về kinh tế, quân sự  lẫn chính trị.

Còn đối với Mỹ, việc duy trì đội quân không tham chiến ở Afghanistan sẽ vừa giúp bảo vệ những thành quả đạt được, vừa giảm thiểu thương vong không cần thiết cho lính Mỹ, đồng thời có thể ghi điểm ngoại giao cần thiết cho chính quyền Tổng thống Obama trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay.

Hơn nữa, sau khi đã tiêu tốn hàng nghìn sinh mạng binh sĩ và gần 500 triệu USD tiền thuế của người dân, Mỹ không thể chấp nhận ra về tay không để bỏ phí công sức cũng như tiền của đã đổ vào chiến trường này trong nhiều năm qua. Việc ký BSA, do vậy, đã trở thành nhiệm vụ thúc ép đối với Washington nhưng thái độ hành xử khó hiểu, khó đoán định của đồng minh Karzai đã khiến kế hoạch rút quân trở thành một bài toán khó đối với ông Obama cho đến tận thời điểm này.

Giải mã ẩn số BSA

Kể từ khi đạt được nhất trí về thời điểm rút quân chiến đấu khỏi Afghanistan, Kabul và Washington đã mất nhiều tháng để thương lượng về BSA. Những bất đồng xung quanh những điều khoản trong thỏa thuận đã khiến Washington phải lùi thời điểm ký BSA từ cuối năm 2013 sang đầu năm 2014. Thậm chí, cấp ký văn kiện cũng được nới lỏng hơn trước khi Nhà Trắng tuyên bố người đặt bút ký không nhất thiết phải là Tổng thống Karzai mà có thể là Bộ trưởng Quốc phòng hoặc một quan chức cấp cao trong chính quyền Kabul.

Thế nhưng, bấy nhiêu nhượng bộ của Washington cũng không đủ níu chân ông Karzai, khiến quan hệ hai nước ngày càng lao dốc và buộc Mỹ phải trù liệu mọi khả năng có thể xảy ra, kể cả trường hợp không để lại quân sau năm 2014.  Về mặt chiến lược, dù không muốn bỏ mặc Afghanistan rơi vào tình cảnh Iraq hiện nay, song Tổng thống Obama khó có thể có thể làm khác nếu như ông Karzai vẫn nhất quyết quay lưng lại.

Tuy nhiên, theo giới phân tích quân sự, đây có thể chỉ là chiến lược trả đũa của Tổng thống Karzai để phản đối việc chính quyền Obama nhiều lần qua mặt Kabul. Không chỉ bực tức với các vụ bố ráp ban đêm của máy bay không người lái Mỹ, ông Karzai còn cảm thấy rõ vị cay nơi sống mũi khi phát hiện ra rằng Mỹ đang bí mật đàm phán trực tiếp với Taliban mà không cần thông qua chính quyền Kabul.

Theo quan điểm của ông Karzai, tương lai của Afghanistan phải do chính người dân nước này lựa chọn và Mỹ, với vai trò là nước bảo trợ, chỉ có quyền hỗ trợ tổ chức bầu cử vào tháng Tư và đóng góp nỗ lực kiến tạo hòa bình với Taliban chứ không phải ngang nhiên đàm phán trực tiếp.

Với những quan điểm khác biệt này, có thể thấy rào cản chính cho việc ký kết BSA là độ vênh trong yêu cầu, đòi hỏi lợi ích của mỗi bên. Tuy nhiên, nếu xét về lâu dài, Tổng thống Karzai có thể trì hoãn việc ký BSA, nhưng người kế nhiệm của ông sẽ không thể làm vậy. Suy cho cùng, Afghanistan cần có BSA để chống lại các nhóm vũ trang cực đoan, tiếp tục nhận được khoản viện trợ hàng tỷ USD về quân sự và dân sự, đồng thời tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế.

Những bất đồng giữa Washington và Kabul, vì vậy, sẽ sớm được thu hẹp.

Đức Vũ 

  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm