Cá chết hàng loạt ở Mỹ vì chất thải từ các công trình xây dựng
Việc cá chết hàng loạt là đòn giáng mạnh đối với kinh tế địa phương, bởi sông Big Thompson là địa điểm câu cá nổi tiếng hàng đầu ở Mỹ.
Trang tin Coloradoan ngày 27/4 dẫn nguồn tin từ Công viên động vật hoang dã Colorado (CPW), Mỹ cho biết, hơn 5.600 con cá đã chết đồng loạt hồi tháng trước ở sông Big Thompson vì nhiễm chất độc hóa học từ các dự án xây dựng lại một cây cầu và đường sá ở địa phương.
Công viên động vật hoang dã Colorado (CPW) công bố một báo cáo hôm 26/4 cho thấy, trong số hàng nghìn con cá bị chết vì nhiễm độc có các loài như cá cầu vồng, cá hồi nâu, cá mút và cá đác. Hiện tượng cá chết hàng loạt được ghi nhận hôm 7/3 tại sông Big Thompson và ở North Fork – một nhánh của con sông này.
CPW đã đổ lỗi cho dự án xây dựng lại cây cầu Storm Mountain Road và dự án Larimer County Road 43, tái thiết con đường vốn bị tàn phá do lũ lụt hồi tháng 9/2013 là nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt.
Theo kênh tin tức High Country, sự việc được một cư dân địa phương phát hiện đầu tiên khi nhìn thấy cá chết và nước ở một con lạch dẫn vào sông Big Thompson có màu xám bất thường.
Hiện tượng cá chết hàng loạt được phát hiện hồi tháng 3 nhưng phải đến hôm 26/4 mới được công bố bởi theo giải thích của CPW, họ phải “chờ đợi có trong tay các số liệu phân tích kỹ lưỡng” rồi mới xác nhận thông tin này.
Sự việc được cho là một đòn giáng mạnh đối với kinh tế địa phương bởi sông Big Thompson là một trong những địa điểm câu cá nổi tiếng hàng đầu ở Mỹ. Trước trận lũ năm 2013, bộ môn câu cá giải trí tại con sông này đã mang về 4,3 triệu USD/năm cho nền kinh tế địa phương.
Ngày 27/4, Trout Unlimited - tổ chức hàng đầu của Mỹ trong việc bảo tồn cá hồi và các loài thủy sản nước lạnh đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình trạng cá chết hàng loạt ở sông Big Thompson: “Có điều gì sai lầm hay đây là lỗi do yếu tố khách quan của con người? Biện pháp nào là tốt nhất cần phải thực thi trong quá trình xây dựng để ngăn một vụ xả thải lớn như vậy ảnh hưởng đến cá hồi tại đây? Cần phải đưa ra các quy định nào để đảm bảo rằng thảm hoạ này không xảy ra nữa?”.
Theo thông báo của CPW, chính chất thải hóa học từ các công trình xây dựng nằm trong kế hoạch tái thiết các công trình đường sá, cầu cống ở địa phương xuống các con suối dẫn vào sông Big Thompson đã làm tăng nồng độ axit trong nước khiến cá bị bệnh và chết.
CPW cũng cho biết, các cơ quan chức năng sở tại đang làm việc để giảm thiểu những tác động của hoạt động tái thiết ở địa phương, phục hồi ngư nghiệp.
Thông cáo báo chí của CPW nêu rõ: “Bất chấp những trở ngại, khôi phục ngư nghiệp và phục hồi môi trường sinh thái tự nhiên ở sông Big Thompson vẫn là ưu tiên hàng đầu”./.
Theo Hùng Cường/VOV.VN