1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Bush "phớt" toà án tối cao Mỹ

Chính quyền Mỹ hôm nay khẳng định rằng toà án quân sự sẽ tiếp tục xét xử các nghi phạm khủng bố bị giam giữ tại nhà tù Guantanmo bất chấp việc toà án tối cao ra phán quyết chống lại những phiên xử này.

Ngày 29/6, với tỷ lệ bỏ phiếu 5-3, toà án tối cao cảnh báo chính quyền của Tổng thống Bush rằng họ không có quyền sử dụng toà án quân sự để xét xử các nghi phạm khủng bố.

 

Nhưng Nhà Trắng và nhiều quan chức Mỹ cho biết họ sẽ yêu cầu quốc hội thực hiện một số luật để trao quyền xét xử nghi phạm khủng bố cho chính phủ và phù hợp với phán quyết của toà án tối cao. Họ cũng nhấn mạnh rằng, quyết định của toà án không có nghĩa là nhà tù Guantanamo sẽ nhanh chóng bị đóng cửa.

 

"Sẽ chẳng có tù nhân nào được ra khỏi đó", phát ngôn viên Nhà Trắng Tony Snow tuyên bố.

 

Những phiên xét xử đầu tiên được tổ chức vào tháng 6/2004. Giới chức Mỹ từng khẳng định ngày 29/6 rằng có từ 40 đến 80 nghi phạm bị giam giữ tại Guantanamo phải ra toà án xét xử tội phạm chiến tranh. Nhưng Washington chỉ công bố rộng rãi danh tính của 14 tù nhân, trong đó có 10 người bị kết án.

 

Uỷ ban quân sự thượng viện cho biết họ sẽ tổ chức các buổi tranh luận về vấn đề này để dọn đường cho việc ra luật vào tháng 9. Chủ tịch uỷ ban, thượng nghị sĩ John Warner khẳng định ông sẽ coi vấn đề Guantanamo là ưu tiên hàng đầu.

 

Ngoài việc kết luận rằng toà án xét xử nghi phạm khủng bố do chính quyền Bush lập ra là vi phạm luật pháp Mỹ, toà án tối cao còn bác bỏ lập luận của Nhà Trắng rằng quốc hội đã trao cho tổng thống quyền lực rộng rãi trong cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện 11/9/2001, trong đó có cả quyền xét xử nghi phạm khủng bố.

 

Chính quyền Bush cho rằng Hiệp ước Geneva về đối xử với tội phạm chiến tranh không có hiệu lực đối với toà án xét xử chiến binh Taliban và những kẻ bị nghi là thành viên của al-Qaeda bởi vì họ không phải là tù nhân chiến tranh. Nhưng toà án tối cao cũng bác bỏ lập luận này.

 

Thẩm phán Clarence Thomas giải thích rằng, theo luật quân sự Mỹ, toà án quân sự chỉ có quyền xét xử nghi phạm khủng bố khi những người này bị bắt quả tang trong lúc tiến hành hoạt động khủng bố.

 

Theo Việt Linh

Vnexpress/AFP