1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bước ngoặt mới trong tình hình Syria

Cơ quan báo chí Điện Kremlin ngày 7-7 cho biết, trong cuộc điện đàm vào đêm 6-7 theo sáng kiến của Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama khẳng định Moskva và Washington đã sẵn sàng tăng cường phối hợp trong các hành động quân sự ở Syria.

Hai vị nguyên thủ đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nối lại quá trình đàm phán tại Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc để có giải pháp chính trị hòa giải xung đột, và khẳng định cam kết đánh bại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Tổng thống Putin đã hối thúc người đồng cấp Mỹ hỗ trợ việc chia tách các nhóm đối lập mà Mỹ gọi là “ôn hòa” tại Syria với các nhóm khủng bố cực đoan như Mặt trận Al-Nusra, vốn bị Nga coi là một nhóm khủng bố.

Trong khi đó, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh rằng, Moskva cần phải tạo áp lực lên chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad để hạn chế những vụ tấn công dân thường và tạo tiến bộ cho tiến trình chuyển giao chính trị chấm dứt chiến tranh ở nước này.

Phần còn lại của thánh đường Hồi giáo Great Mosque từng rất lộng lẫy ở Aleppo. Chiến tranh đã hủy hoại nó.
Phần còn lại của thánh đường Hồi giáo Great Mosque từng rất lộng lẫy ở Aleppo. Chiến tranh đã hủy hoại nó.

Trước đó, hôm 2-7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp của Mỹ John Kerry cũng đã thực hiện một cuộc điện đàm để thảo luận về cuộc xung đột tại Syria.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố rằng hai nhà lãnh đạo ngoại giao của Nga và Mỹ đã bàn về các biện pháp chung nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này. Hai ngoại trưởng cũng “thảo luận về khả năng hợp tác giữa Nga và Mỹ trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố ở Syria”.

Trong khi đó, trên thực địa, bộ chỉ huy quân sự cấp cao của Syria đã tuyên bố một “chế độ yên bình”, tương đương với một lệnh ngừng bắn tạm thời, được thực thi trên khắp lãnh thổ nước này từ 1h ngày 6-7 (giờ địa phương – 10h giờ Việt Nam) và kéo dài tới 24h ngày 8-7.

Ngay sau tuyên bố trên, nhóm đối lập Quân đội Syria Tự do (FSA) ra thông báo cho hay họ sẵn sàng ủng hộ chế độ ngừng bắn trong thời gian diễn ra ngày lễ ăn mừng kết thúc tháng ăn chay Ramadan.

“Chúng tôi – một nhóm vũ trang cách mạng tại Syria ủng hộ bất kỳ đề xuất nào liên quan tới việc chấm dứt chiến sự trong thời gian diễn ra lễ Eid al-Fitr (đánh dấu kết thúc tháng ăn chay Ramadan). Chúng tôi tuyên bố sẽ tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn khi nào các bên khác đều thực thi chúng” – trích tuyên bố của FSA.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, lệnh ngừng bắn tạm thời này đã bị phá hoại bởi các lực lượng Hồi giáo cực đoan đối lập, cố thủ ở phía Đông thành phố Aleppo. Theo thông tin từ truyền thông địa phương thành phố Aleppo, nhóm chiến binh nổi dậy bắn rất nhiều tên lửa về phía khu phố Seif Al-Dawlah, sát hại ba thường dân và làm bị thương một số người khác.

Lệnh ngừng bắn được công bố trong 3 ngày người dân Syria tiến hành lễ Eid al-Fitr đánh dấu sự kết thúc của tháng ăn chay Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo. Nhưng một số nhóm lực lượng nổi dậy, cố thủ liên minh với nhóm khủng bố quốc tế như Jabhat Al-Nusra (Al Qaeda Syria) và Harakat Ahrar al-Sham, đã thực hiện những hành động bạo lực khủng bố tinh thần dân cư Aleppo và đương nhiên tự loại mình ra khỏi cái gọi là phe phái đối lập “ôn hòa”.

Trong khi đó, hôm 4-7, Tổng thống Assad đã chính thức ký sắc lệnh phê chuẩn thành phần chính phủ mới. Theo đó, người đứng đầu chính phủ mới là Thủ tướng Imad Khamis, trong khi các bộ trưởng chủ chốt trong nội các mới vẫn là những nhân vật của chính phủ tiền nhiệm.

Trước đó, hôm 23-6, Tổng thống Assad đã quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Điện lực Syria, ông Khamis làm Thủ tướng và giao cho ông này trọng trách thành lập nội các mới. Đây là chính phủ thứ sáu dưới thời ông Assad. Theo các nhà phân tích khu vực, Chính phủ Syria gần đây nhất được thành lập vào tháng 8-2014, sau khi ông Assad tuyên bố tái đắc cử.

Cũng trong cuộc điện đàm, khi nhắc tới tình hình Ukraine, Điện Kremlin tuyên bố, Tổng thống Putin tái khẳng định tầm quan trọng của việc chính quyền Kiev thực hiện nghiêm ngặt Thỏa thuận Minsk ngày 12-5-2015, bao gồm tổ chức đối thoại thực sự và trực tiếp với Donetsk và Lugansk, tổ chức ân xá… Về phía Mỹ, Tổng thống Obama đã kêu gọi người đồng cấp Nga thực hiện những bước đi hướng tới chấm dứt gia tăng xung đột tại miền Đông Ukraine, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thực thi đầy đủ thỏa thuận hòa bình Minsk.

Về tình hình Nagorny-Karabakh, Tổng thống Putin cho biết Nga mong muốn tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh. Trong khi Tổng thống Obama ca ngợi những nỗ lực của Moskva trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Nagorny-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia, đồng thời khẳng định ông sẵn sàng tăng cường các nỗ lực cùng với Nga và Pháp để đạt được giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột này.

Ngoại trưởng Mỹ thăm Ukraine, tuyên bố ủng hộ Kiev

Ngày 7-7, trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Kiev, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tái khẳng định lập trường ủng hộ cuộc chiến của Ukraine chống lại lực lượng đòi độc lập tại miền Đông nước này, cũng như nỗ lực tăng cường quan hệ với phương Tây.

Trần Linh

Theo Khổng Hà

Công an nhân dân