1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bước ngoặt lịch sử trong luật kế vị ngai vàng nước Anh

(Dân trí) - Sự phân biệt đối xử “trọng nam, kinh nữ” kéo dài nhiều thập kỷ trong hoàng gia Anh đã chấm dứt hôm qua, khi Khối Thịnh vượng Chung nhất trí sửa đổi luật kế vị lỗi thời để cho phép con gái và con trai được hưởng quyền kế vị ngang nhau.

 
Bước ngoặt lịch sử trong luật kế vị ngai vàng nước Anh - 1
Nếu Hoàng tử William và vợ sinh con gái đầu lòng, công chúa vẫn được hưởng đúng thứ tự kế vị.
 
Các lãnh đạo của 16 quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung Anh, vốn vẫn coi Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia hiện thời, đã đồng ý cải cách luật kế vị ngai vàng nước Anh tại một hội nghị thượng đỉnh của khối ở thành phố Perth, Australia.

Theo luật kế vị sửa đổi, con đầu lòng của Hoàng tử William và Kate Middleton - bất kể công chúa hay hoàng tử - đều đứng thứ 3 theo thứ tự kế vị ngai vàng, sau bố và ông nội - Thái tử Charles.

Lệnh cấm người kế vị ngai vàng kết hôn với một người theo Công giáo La Mã cũng bị huỷ bỏ.

Theo luật thừa kế cũ, vốn được duy trì hơn 300 năm qua, người thừa kế ngai vàng là con trai đầu của vua. Chỉ trong trường hợp vua không có con trai, như trường hợp của Vua George VI, cha Nữ hoàng Elizabeth II, quyền kế vị mới được chuyển cho con gái cả.

Sự thay đổi trên được cho là mang tính bước ngoặt trong lịch sử hoàng gia Anh.

Thủ tướng Anh David Cameron là người đã ủng hộ mạnh mẽ những thay đổi về luật kế vị, gọi luật cũ là lỗi thời. “Ý tưởng để hoàng tử ít tuổi hơn trở thành vua thay chị gái chỉ vì hoàng tử là con trai… thật kỳ quặc tại các quốc gia hiện đại như chúng ta”, ông nói.
 
Ông Cameron cho hay những sửa đổi về luật kế vị sẽ được áp dụng với các con cháu của Thái tử Charles và không áp dụng trở về trước.

Trước đó, đã có ít nhất 11 nỗ lực nhằm thay đổi luật kế vị ngai vàng trong nhiều năm nhưng chẳng đi đến đâu.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II, hiện đang có chuyến thăm Australia, hôm 28/10 đã khai mạc Hội nghị cấp cao các nước thuộc Khối Thịnh vượng chung (CHOGM) tại thành phố Perth, thủ phủ bang Tây Australia, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo và ngoại trưởng 54 nước thành viên.

CHOGM được tổ chức 2 năm một lần và là cơ hội để 54 quốc gia thảo luận một loạt các vấn đề như tăng trưởng kinh tế, thay đổi khí hậu và nhân quyền.

An Bình
Theo BBC