1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nước Mỹ năm 2015

Bước cùng thách thức

Nước Mỹ trải qua năm 2015 với kỷ niệm khó quên về những thành tích đối ngoại ấn tượng sau những năm dài nhạt nhòa vì hậu khủng hoảng và bội chi cho các cuộc viễn chinh xa xôi.

Thế nhưng, 2015 cũng là năm chứng kiến những khó khăn của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong quan hệ đối nội.

Sẽ không ngoa ngôn khi nói rằng, 2015 là một năm "hoàng kim" trong lịch sử đối ngoại của nước Mỹ nói chung và nhiệm kỳ của Tổng thống Obama nói riêng. Chính quyền Tổng thống Mỹ Obama đã để lại rất nhiều dấu ấn nổi bật, đặc biệt là chính sách đối ngoại đột phá với nhiều bước ngoặt lịch sử như bình thường hóa quan hệ với Cuba, đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran.

Thời khắc lá cờ hoa được kéo lên trong buổi lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô La Habana của Cuba, không ít người dân của hai quốc gia cách nhau vỏn vẹn một eo biển đã tổ chức tiệc ăn mừng.

Ai cũng biết, để có được cái bắt tay sau nửa thế kỷ gián đoạn, mở đường cho tiến trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương, cả Mỹ và Cuba đã có rất nhiều nỗ lực hàn gắn quan hệ. Nhưng điều đáng nói là với cái “bắt tay” này, Tổng thống Obama đã để lại một dấu ấn trong lịch sử ngoại giao Mỹ với tư cách là người đặt dấu chấm hết cho một trong những di sản còn lại cuối cùng của thời kỳ "Chiến tranh lạnh".

Trong khi đó, việc nhóm P5+1 do Mỹ đứng đầu đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran sau 9 năm thương lượng đằng đẵng không những hóa giải những mâu thuẫn dai dẳng hao tâm, tổn sức của Mỹ với Iran - vấn đề mà những đời Tổng thống Mỹ trước đó canh cánh, mà còn giúp Mỹ có thêm sự ủng hộ trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Bước cùng thách thức - 1

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Cuba Raul Castro trong cuộc gặp tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7 ở Panama.

Về kinh tế, có lẽ năm nay mới là năm “sức mạnh Mỹ” thực sự quay trở lại. Hồi trung tuần tháng 12, giới đầu tư đã vô cùng hân hoan khi sau gần một thập niên giữ lãi suất cơ bản đồng bạc xanh thấp kỷ lục, Mỹ đã quyết định tăng lãi suất. Những con số đẹp như mơ như tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 5%, nước Mỹ có thêm 13,7 triệu việc làm mới… cho thấy sự tin tưởng nền kinh tế Mỹ đã vượt qua phần lớn các tổn thương từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.

Bên cạnh đó, tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ là trụ cột đã kết thúc bằng một thỏa thuận lịch sử hồi đầu tháng 10 càng khiến cho năm 2015 của nước Mỹ được trọn vẹn hơn. Bản thân Tổng thống Obama cũng không giấu được vui mừng khi tuyên bố, nền kinh tế Mỹ đã đón nhận những bước tiến ổn định, vững chắc trong năm 2105 và sẽ duy trì được đà tăng trưởng trên trong năm 2016.

Nhưng 2015 không phải là một năm chỉ có hoa hồng với nước Mỹ!

Kể từ khi Tổng thống Obama lên nắm quyền vào năm 2009 đến nay, chính trường Mỹ chưa lúc nào bình yên với hàng loạt trận chiến đảng phái quyết liệt, bắt nguồn từ sự đối đầu gay gắt giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong mọi lĩnh vực. Chính vì thế, dù đạt được nhiều thành tựu đối ngoại, nhưng dường như đối nội vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa, tiếp tục đặt ra nhiều khó khăn và thách thức cho chính quyền của Tổng thống Obama.

Lĩnh vực kiểm soát súng đạn là một ví dụ. Năm 2015, hơn 100 người Mỹ đã thiệt mạng do các vụ xả súng và mỗi lần xảy ra một vụ xả súng là một lần dư luận sôi sục, yêu cầu thắt chặt sở hữu súng đạn. Tuy nhiên, dù dư luận Mỹ và Tổng thống Obama có “sốt ruột” thì Quốc hội Mỹ (do phe Cộng hòa kiểm soát), cơ quan quyết định về vấn đề này, luôn phớt lờ việc thông qua Luật cấm sở hữu súng đạn.

Nguyên nhân chủ yếu là ảnh hưởng quá lớn của ngành công nghiệp súng đạn mà đại diện là Hiệp hội súng trường Mỹ đối với chính giới Mỹ, chủ yếu là các nghị sĩ Cộng hòa. Như thế, chừng nào những vấn đề này còn tồn tại thì tình trạng bạo lực súng đạn khó mà cải thiện.

Sự chia rẽ rõ rệt về quan điểm giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ càng thể hiện rõ hơn trong vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong khi Tổng thống Obama và Đảng Dân chủ liên tục cảnh báo về tác động khôn lường của BĐKH thì phe Cộng hòa hoặc là phủ nhận, hoặc là cho rằng BĐKH không phải do con người gây ra. Một số khác thì cho rằng, chính sách về BĐKH của Tổng thống Obama sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ, mà ví dụ gần đây nhất là làn sóng phản đối kế hoạch điện năng sạch mà ông Obama công bố vào tháng 8 vừa qua.

Đó là chưa kể, sự đối đầu giữa phe Cộng hòa và Dân chủ luôn đẩy những chính sách an sinh xã hội của nước Mỹ vào thế kẹt không được bên nào thông qua.

Dường như những bất đồng nội bộ đã phần nào khiến cho vai trò của Mỹ trong việc tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế, các điểm nóng toàn cầu bị hạn chế. Cũng đã bắt đầu có những ý kiến cho rằng, chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama khiến nước Mỹ dễ bị "bắt nạt" và Mỹ đang đánh mất vai trò siêu cường thế giới khi nhượng bộ quá nhiều trong các cuộc thương lượng.

Không thể phủ nhận, chính sự chia rẽ sâu sắc giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ có tác động nhất định đến sự can dự của Mỹ trong việc giải quyết các điểm nóng toàn cầu như Syria, Ukraina… trong năm qua. Nhưng điều đó là không đáng kể, bởi tất cả những hành động của ông Obama đều nằm trong phạm vi quyền lực của Tổng thống, chứ không phải thông qua Quốc hội.

Bên cạnh đó, dù liên tục chỉ trích Tổng thống Obama là quá mềm mỏng trong vấn đề Ukraina nhưng bản thân những người Cộng hòa cũng không đưa ra được giải pháp nào khả dĩ hơn các lệnh trừng phạt kinh tế mà ông Obama áp dụng đối với Nga. Về sự trỗi dậy mạnh mẽ của IS, rất nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng, việc nước Mỹ bị động trước tổ chức khủng bố này là do thiếu một chiến lược tổng thể ban đầu chứ không phải do mâu thuẫn trong nước.

Người ta vẫn còn nhớ, hồi đầu năm nay, trên các mạng xã hội Mỹ đã nổ ra một cuộc tranh cãi về việc liệu Obama có phải là một tổng thống tốt hay không. Một blogger Mỹ đã viết trên Twitter một cách hài hước rằng, Obama "không phải là một tổng thống tốt", vì ông đã không cử người Mỹ đến với các cuộc chiến tranh!

Dù có vẻ như đó là một nghịch lý, nhưng cũng chỉ có người Mỹ mới biết họ đã thở phào nhẹ nhõm thế nào lúc Tổng thống Obama tuyên bố chính thức chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của binh lính nước này ở Afghanistan và Iraq, hay chủ động lùi về tuyến sau trong việc giải quyết nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới.

Nhưng không phải vì thế mà Mỹ quên mất vai trò của mình. Một năm vừa qua, người ta thấy một nước Mỹ làm nhiều hơn thay vì chỉ nói so với trước đây trong chiến lược xoay trục châu Á-Thái Bình Dương. Những động thái cụ thể như tăng sự hiện diện quân sự ở khu vực, tuyên bố hỗ trợ các đồng minh và đối tác trong khu vực Đông Nam Á nâng cao năng lực biển, nỗ lực hoàn tất TPP… cho thấy chính quyền Tổng thống Obama muốn một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo cuối cùng của năm 2015, không ít hơn một lần, Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng, nước Mỹ vẫn sẽ có rất nhiều việc phải làm trong năm 2016. Lời thừa nhận của Tổng thống Mỹ cũng chính là câu hỏi ngỏ được đặt ra: “Nước Mỹ sẽ thế nào trong năm 2016?”.

Năm 2016, nước Mỹ hứa hẹn vẫn sẽ tiếp tục đứng trước nhiều thách thức mới cả về đối nội và đối ngoại, nhất là khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa-vốn luôn gầm ghè nhau, cùng đua giành chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng.

Sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là IS; một nước Nga ngày càng quyết đoán hơn, cộng với cuộc xung đột ở Trung Đông chưa có hồi kết cùng một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ ở châu Á đang thử thách mục tiêu mà Tổng thốngObama đặt ra là thúc đẩy ảnh hưởng của nước Mỹ trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ còn vô số việc phải làm để củng cố nền kinh tế đang trên đà phục hồi của xứ cờ hoa.

Cuối năm 2016, nước Mỹ sẽ đón chào một Tổng thống mới. Dù là người của Dân chủ hay Cộng hòa, “người cầm lái mới” này cũng sẽ phải đối mặt với những di sản mà Tổng thống Obama để lại. Tiếp tục theo đuổi hay làm mới cũng không ngoài mục đích khôi phục và củng cố sức mạnh kinh tế, lấy đó làm nền tảng cho việc thúc đẩy và thực thi các chính sách đầy tham vọng. Người dân Mỹ đang chờ đón một năm 2016 với sự ổn định và phát triển.

Dù gì thì cuối năm 2015, người dân Mỹ đã có thể mua hoa hồng và bật sâm-banh để khép lại một năm nhiều sự kiện lịch sử!

Theo Ngọc Hà

Quân đội nhân dân