1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bước chuyển chiến thuật của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố

Sự kiện lực lượng không quân Nga, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, sử dụng sân bay quân sự Hamadan của Iran để tiến hành các đợt không kích tấn công các mục tiêu của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ Syria, được coi là bước chuyển chiến thuật không chỉ mang lại lợi thế lớn cho Moskva trong cuộc chiến chống khủng bố mà còn góp phần làm thay đổi cục diện ở Trung Đông.

Máy bay Nga không kích các mục tiêu IS. (Nguồn: Reuters)
Máy bay Nga không kích các mục tiêu IS. (Nguồn: Reuters)

Chiến dịch không kích của Nga chống IS tại Syria theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong gần 1 năm qua đã đem lại kết quả rõ rệt, giúp Damacus đẩy lùi được lực lượng khủng bố, giành lại nhiều vùng lãnh thổ và có thể "rảnh tay" bắt đầu triển khai các bước đi nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn 5 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.

Vai trò của Nga trong vấn đề Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung ngày càng được khẳng định. Bởi vậy, việc Nga sử dụng căn cứ của Iran tấn công các mục tiêu IS tại Syria một lần nữa cho thấy Moskva đang giữ thế chủ động tại khu vực chiến lược này.

Theo giới phân tích, việc Nga đạt được thỏa thuận với Iran về sử dụng sân bay Hamadan cho các máy bay cất cánh và oanh kích các mục tiêu IS trên lãnh thổ Syria cho phép Moskva giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, qua đó nâng cao đáng kể hiệu quả cuộc chiến chống khủng bố.

Khoảng cách từ sân bay Hamadan đến biên giới Syria chỉ dài khoảng 700 km nên máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của Nga có thể vận chuyển tới 22 tấn bom trong mỗi lần xuất kích. Lợi thế về khoảng cách cùng với khả năng chiến đấu được nâng lên giúp Nga dễ dàng và chủ động hơn trong các cuộc tấn công nhằm vào những cơ sở khủng bố ở Syria.

Sự thay đổi chiến thuật trên còn là một phần dự án quy mô lớn của Nga nhằm xây dựng một liên minh chống khủng bố tại Syria nói riêng và khu vực nói chung do Moskva đứng đầu.

"Cái bắt tay" nồng ấm giữa Moskva và Tehran đang làm thay đổi mạnh mẽ các hoạt động chiến lược tại “chảo lửa” Trung Đông. Trên thực tế, từ lâu, Nga, Syria, Iran và Iraq đã hợp tác khá chặt chẽ trong một liên minh chống IS thông qua việc chia sẻ thông tin tình báo và an ninh.

Theo chuyên gia bình luận quân sự Nga Viktor Litovkin, việc Tehran cho phép Moskva triển khai máy bay chiến đấu trên lãnh thổ nước này không chỉ mang yếu tố quân sự mà còn mang ý nghĩa địa chính trị quan trọng. Với động thái trên, Tehran đã công khai và chủ động tham gia cuộc chiến chống khủng bố và trở thành đồng minh, là đối tác địa-chính trị quan trọng nhất của Nga trong khu vực, bởi hai nước cùng có nhiều lợi ích chung ở Trung Đông. Việc Nga là nước đầu tiên được sử dụng căn cứ quân sự tại Iran cho thấy sự tin cậy giữa hai nước.

Hơn nữa, sự liên minh Nga-Iran trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria cũng có ý nghĩa quan trọng cả về ngoại giao, củng cố vị thế của cả hai nước này trong cuộc chiến ở Syria cũng như trong các vấn đề khu vực.

Bên cạnh đó, quan hệ mật thiết trở lại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau thời gian băng giá cũng được xem là yếu tố tích cực góp phần giải quyết cuộc xung đột chưa có hồi kết ở Syria. Sau cuộc gặp “lịch sử” đầu tháng 8 vừa qua giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, lập trường của Ankara về cuộc xung đột tại Syria đã thay đổi.

Ankara cam kết không ủng hộ và cung cấp vũ khí đạn dược cho các nhóm khủng bố, đồng thời tiến hành kiểm soát sự di chuyển của các chiến binh khủng bố tại biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Tại cuộc gặp cấp ngoại trưởng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran hôm 12/8, hai bên đã cam kết đẩy mạnh hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng Syria cho dù còn tồn tại những bất đồng. Những động thái tích cực trên đang làm dấy lên hy vọng Ankara sẽ cùng Moskva và Tehran thành lập liên minh chống khủng bố.

Việc Nga ngày càng thể hiện vai trò dẫn dắt “cuộc chơi” tại Trung Đông. buộc Mỹ cùng các đồng minh phải tính toán lại chiến lược của mình. Không phải ngẫu nhiên Mỹ lại “nghi ngờ” Nga vi phạm Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cấm cung cấp vũ khí cho Iran, khi sử dụng các căn cứ quân sự của nước này để tiến hành không kích chống khủng bố ở Syria.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định "không có bất kỳ lý do gì" để nghi ngờ Nga vi phạm nghị quyết trên, bởi trong trường hợp này không hề có chuyện cung cấp, bán hoặc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Iran. Không quân Nga sử dụng máy bay chiến đấu cất cánh từ căn cứ quân sự Iran là có sự cho phép của Tehran và đây là một phần trong chiến dịch chống khủng bố tại Syria, theo đề nghị của chính quyền hợp pháp ở quốc gia Trung Đông này.

Sự hiện diện của Nga ở khu vực Trung Đông đã đem lại ưu thế giúp Moskva có thể khẳng định vai trò và sức mạnh trên trường quốc tế. Bước chuyển chiến thuật của Nga trong cuộc chiến chống IS tại Syria một lần nữa cho thấy Moskva sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong quá trình thiết lập những điều kiện nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài tại Syria, góp phần vào an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực./.

Theo DƯƠNG TRÍ (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/buoc-chuyen-chien-thuat-cua-nga-trong-cuoc-chien-chong-khung-bo/401892.vnp