1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bùng nổ tranh cãi pháp lý sau cái chết của nhiều người da màu tại Mỹ

(Dân trí) - Cái chết của nhiều người Mỹ gốc Phi trong các vụ đụng độ với cảnh sát đã đặt ra nhiều câu hỏi về thẩm quyền pháp lý của lực lượng hành pháp trong những tình huống khẩn cấp.

Bùng nổ tranh cãi pháp lý sau cái chết của nhiều người da màu tại Mỹ - 1

Rayshard Brookes bị cảnh sát Atlanta khám xét trước khi xảy ra vụ nổ súng vào tối 12/6. (Ảnh: Reuters)

Nhiều vụ việc tranh cãi

Quyết định sa thải nhanh chóng được đưa ra hôm 14/6 nhằm vào sĩ quan cảnh sát da trắng tại thành phố Atlanta, bang Georgia - người bắn chết một công dân da màu tại bãi đỗ xe sau khi xảy ra xô xát, đã hối thúc việc xem xét lại tình trạng sử dụng vũ lực gây chết người của cảnh sát. Điều này đã thách thức các nguyên tắc được duy trì lâu nay tại Mỹ, vốn trao cho các sĩ quan thực thi pháp luật quyền hành rộng rãi trong những vụ việc mà từ một vụ xô xát biến thành vụ giết người.

Mặc dù luật pháp thay đổi theo từng bang, song các sĩ quan cảnh sát Mỹ thường được cho phép sử dụng vũ lực nếu họ có lý do để tin rằng tính mạng của họ, hoặc của những người khác, đang gặp nguy hiểm. Chuẩn mực pháp lý đã được xây dựng nhằm cho phép cảnh sát Mỹ có thể đưa ra những quyết định chớp nhoáng mang tính sống còn, mà không cần do dự hay lo sợ bị truy tố.

Tuy nhiên, sau nhiều năm bùng phát làn sóng giận dữ ngày càng mạnh mẽ liên quan tới việc cảnh sát gây ra cái chết của nhiều người Mỹ gốc Phi, đặc biệt sau vụ cảnh sát ghì chết công dân da màu George Floyd tại thành phố Minneapolis hồi tháng trước, những nguyên tắc chỉ đạo trên đang bị thách thức với tốc độ chóng mặt.

“Trong 2 tuần qua, tôi đã chứng kiến thêm nhiều nhà lập pháp, bao gồm các nhà lập pháp bang và liên bang, nói rằng phải thay đổi việc sử dụng luật cho phép vũ lực. Tôi cũng chưa bao giờ chứng kiến nhiều dự luật được đề xuất như vậy. Ngày càng có sự đồng thuận rộng rãi trong lưỡng đảng về việc không thể giữ nguyên hiện trạng như bây giờ mà cần có sự thay đổi”, Seth Stoughton, giáo sư luật tại Đại học South Carolina và là người nghiên cứu về chính sách sử dụng vũ lực, cho biết.

Cảnh sát Mỹ nổ súng vào Rayshard Brooks tại bãi đỗ xe

Chỉ trong 24 giờ sau cái chết của Rayshard Brooks, người đàn ông da màu thiệt mạng sau cuộc xô xát với cảnh sát tại Atlanta, cảnh sát trưởng thành phố đã từ chức, còn sĩ quan cảnh sát bắn chết Brooks cũng phải dừng công tác.

Theo đoạn video ghi lại từ camera giám sát và những người qua đường, Brooks đã vật lộn với 2 sĩ quan cảnh sát trước khi túm lấy súng điện của một trong 2 người này. Một cảnh sát sau đó đã nổ súng vào người Brooks khi anh ta cố tình bỏ chạy.

Văn phòng pháp y ngày 14/6 kết luận cái chết của Brooks là kết quả của hành vi giết người, đồng thời cho biết người đàn ông da màu này bị bắn hai phát vào lưng khiến cơ quan nội tạng bị thương và mất máu. Cùng ngày, cảnh sát công bố thêm video cho thấy Brooks và 2 cảnh sát đã bình tĩnh trao đổi với nhau trong hơn 25 phút trước khi xô xát.

“Chúng ta cần cải tổ cách các sĩ quan cảnh sát thực hiện nhiệm vụ của họ, cách lực lượng hành pháp tiến hành công việc của họ vì những gì xảy ra với Rayshard Brooks hôm qua chính là hành vi thực thi vũ lực quá mức”, Stacey Abrams, cựu ứng viên của đảng Dân chủ tranh cử vị trí thống đốc bang Georgia năm 2018, nói với ABC.

Các bang vào cuộc

Bùng nổ tranh cãi pháp lý sau cái chết của nhiều người da màu tại Mỹ - 2

Nhiều người cầu nguyện tại khu vực tưởng niệm các nạn nhân chết trong những vụ cảnh sát sử dụng vũ lực, gần nơi George Floyd bị cảnh sát ghì đầu tại Minneapolis. (Ảnh: New York Times)

Theo New York Times, trong những năm gần đây, nhiều bang đã bắt đầu xem xét lại các đạo luật cho phép cảnh sát sử dụng vũ lực, đặc biệt kể từ sau vụ cảnh sát bắn chết thanh niên da màu Michael Brown ở thành phố Ferguson, bang Missouri vào tháng 8/2014. Vụ việc đã làm bùng phát làn sóng bạo loạn và châm ngòi cho các cuộc tranh cãi về sắc tộc và thực thi pháp luật.

Từ năm 2014 đến năm 2017, ít nhất 16 bang đã thông qua các đạo luật mới liên quan tới việc sử dụng vũ lực. Một đạo luật được đưa ra hồi năm 2014 tại bang Utah chỉ cho phép các sĩ quan cảnh sát được sử dụng vũ lực “một cách hợp lý và cần thiết”. Trong giai đoạn này, 9 bang cũng đã thay đổi luật để tăng thêm sự minh bạch trong các cuộc điều tra về những cái chết liên quan tới cảnh sát.

Luật của bang Georgia quy định các sĩ quan cảnh sát có thể sử dụng vũ lực gây chết người nếu họ “tin tưởng một cách hợp lý” rằng một nghi phạm nguy hiểm nào đó đang có trong tay vũ khí gây chết người và gây ra mối đe dọa ngay lập tức về vũ lực, hoặc nếu cảnh sát có lý do chính đáng để tin rằng nghi phạm đang thực hiện hành vi phạm tội có thể gây hại nghiêm trọng về thể chất hay đe dọa gây hại.

Theo luật sư Gerald Griggs, các quy định trên có xu hướng có lợi cho cảnh sát.

“Chỉ các lực lượng cảnh sát là những nhóm lên tiếng ủng hộ luật trên. Tôi nghĩ công chúng bắt đầu nhận thấy rằng đó là tiếng nói của một bộ phận rất nhỏ vốn phản đối việc cải tổ cảnh sát”, ông Griggs cho biết.

Vụ cảnh sát bắn chết Rayshard Brooks xảy ra khi mối quan hệ giữa các chính trị gia, các sĩ quan và các nhà hoạt động vốn đã căng thẳng.

Vào tối 13/6, Thị trưởng Atlanta Keisha Lance Bottoms cho biết bà không tin rằng vụ cảnh sát bắn chết Brooks là hành động “sử dụng vũ lực chính đáng”, đồng thời yêu cầu sa thải ngay lập tức sĩ quan cảnh sát có liên quan trực tiếp tới vụ việc.

Bùng nổ tranh cãi pháp lý sau cái chết của nhiều người da màu tại Mỹ - 3

Người Mỹ xuống đường biểu tình tại Washington sau cái chết của công dân da màu George Floyd. (Ảnh: Reuters)

Những người ủng hộ lực lượng cảnh sát cho rằng các sĩ quan cảnh sát đang bị đẩy vào tình thế khó khăn, vì tin rằng họ không nhận được sự ủng hộ từ các quan chức đắc cử trong việc ứng phó với những tình huống khó khăn.

Theo AFP, cái chết của Brooks là vụ việc thứ 48 liên quan tới hành vi nổ súng của cảnh sát mà Cơ quan Điều tra bang Georgia được yêu cầu điều tra trong năm nay. 15 vụ việc trong số này là các vụ gây chết người.

Hàng loạt các thành phố và bang tại Mỹ đã vào cuộc để tìm cách cải thiện tình hình, sau khi làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc và hành vi bạo lực của cảnh sát lan ra khắp nước Mỹ.

Tại New York, Thống đốc Andrew M. Cuomo đã ký lệnh cấm cảnh sát sử dụng động tác ghì đầu trong quá trình khống chế nghi phạm. Tại California, Thống đốc Gavin Newsom tuần trước cũng kêu gọi dừng ngay lập tức hành động khóa cổ vì cho rằng không còn phù hợp trong bối cảnh thế kỷ 21.

Tại thủ đô Washington D.C, hội đồng thành phố cũng thông qua một quy định mới về việc sử dụng vũ lực trong đạo luật khẩn cấp có hiệu lực trong thời hạn 90 ngày, tuy nhiên có thể sẽ trở thành luật vĩnh viễn. Theo đó, trong một vụ kiện nhằm vào một sĩ quan cảnh sát, bồi thẩm đoàn không chỉ tập trung xác định liệu sĩ quan cảnh sát đó có từng tin rằng việc anh ta sử dụng vũ lực là hợp lý hay không, mà còn phải xác định xem liệu hành động của sĩ quan đó có hợp lý hay không.

“Mặc dù việc cải tổ luật không thể đưa ra tất cả câu trả lời, nhưng nó có thể giúp thay đổi văn hóa (sử dụng vũ lực). Chúng tôi muốn các sĩ quan cảnh sát cẩn trọng hơn khi họ ở trong các tình huống căng thẳng và chúng tôi muốn họ coi người dân như những con người, chứ không phải là kẻ thù”, Giáo sư Cynthia Lee tại Đại học Washington cho biết.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm