1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bức tranh chính trị ảm đạm của Hàn Quốc

Bộ trưởng từ chức; biểu tình liên tiếp. Những diễn biến đó cho thấy Hàn Quốc vẫn chưa thể thoát ra khỏi cơn khủng hoảng chính trị.

Ngày 21/1, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Jo Yoon-son đã quyết định từ chức sau khi bị bắt giữ với các cáo buộc liên quan đến vụ bê bối chính trị của Tổng thống Park Geun-hye và người bạn thân của Tổng thống là bà Choi Soon-sil.

Bức tranh chính trị ảm đạm của Hàn Quốc - 1

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Jo Yoon-son. Ảnh Yonhap news.

Bà Jo Yoon-son là Bộ trưởng đương nhiệm đầu tiên bị bắt giữ tại Hàn Quốc. Tòa án Trung tâm Seoul cáo buộc bà lạm dụng quyền lực và khai man trong cuộc thẩm vấn của các công tố viên đặc biệt phụ trách cuộc điều tra liên quan đến vụ bê bối chính trị của Tổng thống Park Geun-hye và người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil.

Ngay sau khi bị bắt, bà Jo Yoon-son đã đệ đơn từ chức và được Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-Ahn chấp nhận.

Trong khi đó, cùng ngày, bất chấp thời tiết giá lạnh, hàng chục nghìn người đã đổ xuống các đường phố chính ở thủ Seoul của Hàn Quốc, tuần hành yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye, người đang bị đình chỉ chức vụ tạm thời, từ chức.

Những người tuần hành cũng yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy mạnh cuộc điều tra về vai trò của Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong trong vụ bê bối chính trị lớn nhất nước này.

Những người tham gia sự kiện này đã dương cao biểu ngữ, hô vang khẩu hiệu yêu cầu bắt giữ ngay lập tức Tổng thống Park Geun-hye và ông Lee Jae-yong, người thừa kế tập đoàn Samsung. Nhiều người tỏ ra bất bình sau các cáo buộc Samsung - đế chế công nghệ lớn nhất Hàn Quốc - dính líu đến vụ bê bối chính trị gây chấn động dư luận này. Ước tính có khoảng 150.000 người tham gia cuộc tuần hành này.

Trước đó, hôm 19/1, Tòa án quận Trung tâm Seoul đã bác bỏ lệnh bắt giữ Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong về những cáo buộc liên quan đến vụ bê bối tham nhũng dẫn đến vụ luận tội Tổng thống Park Geun-hye.

Bức tranh chính trị ảm đạm của Hàn Quốc - 2

Quyết định này cho phép ông Lee Jae-yong trở về nhà ngay lập tức sau khi bị bắt giữ để thẩm vấn. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, dù tòa án đã bác đề nghị bắt giữ Phó Chủ tịch Samsung, tổ công tố độc lập của Hàn Quốc, phụ trách điều tra vụ bê bối chính trị liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye cho biết sẽ tiếp tục hướng điều tra nhằm vào tập đoàn Samsung.

Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn cơ quan công tố Lee Kyu-chul cho biết: “Cho dù Tòa án bác bỏ lệnh bắt giữ Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong, chúng tôi – tổ công tố viên đặc biệt vẫn sẽ điều tra về nguyên nhân đằng sau quyết định này của tòa án; đồng thời sẽ tiến hành điều tra các tập đoàn lớn khác không liên quan đến việc ông Lee Jae-yong có bị bắt giữ hay không.”

Người phát ngôn này cũng nhắc lại kế hoạch thẩm vấn trực tiếp Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye, chậm nhất là vào đầu tháng 2 tới.

Tập đoàn Samsung bị nghi ngờ hỗ trợ tài chính quá mức cho bà Choi Soon-sil, bạn thân của Tổng thống Park Geun-hye và là nhân vật chính trong vụ bê bối trên, để đổi lại những ưu ái chính sách cho hoạt động của tập đoàn.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye. Nữ chính khách này bị cáo buộc đồng lõa với bà Choi Soon-sil buộc các công ty trong nước, trong đó có tập đoàn Samsung, "tài trợ" gần 70 triệu USD cho các quỹ phi lợi nhuận của bà Choi Soon-sil, quỹ mà sau đó được bà này dùng để tư lợi.

Tổng thống Park Geun-hye cũng bị cáo buộc để cho bà Choi Soon-sil - người không có chức vụ chính thức nào trong chính quyền - can thiệp vào một loạt công việc nhà nước, trong đó có việc bổ nhiệm nhiều quan chức cấp cao. Vụ bê bối này cũng khiến một loạt cựu quan chức cấp cao và trợ lý tổng thống bị bắt giữ.

Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong cũng đã khai nhận việc bị Tổng thống Park Geun-hye ép tập đoàn phải cung cấp hàng tỷ won cho nhiều tổ chức liên quan đến bà Choi Soon-sil./.

Theo Vũ Anh Tuấn/VOV - Trung tâm Tin