Brunei thả 9 ngư dân Việt Nam
(Dân trí) - Brunei đã quyết định thả 9 ngư dân Việt Nam bị bắt hồi tháng 1 vừa qua, trên tinh thần nhân đạo, theo đề nghị của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh.
Quyết định trên được Quốc vương Brunei đưa ra khi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh công du nước này vào ngày 2/7, theo lời mời của Bộ Trưởng ngoại giao và Thương mại Brunei.
Trong chuyến công du, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã diện kiến Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah và đề nghị Brunei xem xét thả các ngư dân Việt Nam bị bắt trong thời gian vừa qua trên tinh thần nhân đạo. Sau khi nghe đề nghị, Quốc vương Brunei đã quyết định thả số ngư dân này. Đây là những ngư dân trên tàu cá Bình Định mang số hiệu BĐ 96092TS, bị hải quân Brunei bắt giữ hôm 20/1 vì đánh bắt cá tại vùng biển Brunei.
Trong cuộc tiếp Bộ trưởng Phạm Bình Minh, Quốc vương Brunei cũng đánh giá cao lao động của Việt Nam tại Brunei và tỏ ý sẵn sàng tiếp nhận thêm lao động Việt Nam sang làm việc, đồng thời khẳng định Brunei sẽ trực tiếp nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
Trong khi đó, tại cuộc hội đàm giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao, hai bên đã nhất trí tiến hành các hoạt động thiết thực tại mỗi nước để kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (29/2/1992 – 29/2/2012); tăng cường trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, trong đó có chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Brunei trong năm nay.
Hai bên đồng ý sẽ sớm tổ chức phiên họp đầu tiên của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Brunei do Việt Nam chủ trì để kiểm điểm và định hướng cho hợp tác hai nước.
Về thương mại, đầu tư, hai bên đánh giá cao sự tăng nhanh của kim ngạch thương mại song phương trong năm 2011 (đạt trên 200 triệu đô-la Mỹ, tăng hơn 10 lần so với năm 2010); hai bên khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc và tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại mỗi nước; nhất trí việc cần thiết ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư và Bản ghi nhớ về thương mại gạo để đảm bảo sự hợp tác ổn định và lâu dài trong lĩnh vực này.
Hai bên cũng đã trao đổi tình hình hợp tác trong các lĩnh vực khác như lao động, dầu khí, nông ngư nghiệp và du lịch. Hai bên nhất trí xem xét thiết lập một cơ chế và quy chế phù hợp để giải quyết các vụ tàu thuyền và ngư dân của hai nước xâm nhập vùng biển của nhau, phù hợp với luật pháp của mỗi nước và trên cơ sở quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định cần đảm bảo hoà bình, ổn định, an ninh an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Về hợp tác ASEAN, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng phối hợp với Brunei đảm đương trọng trách là Chủ tịch ASEAN năm 2013.
PV