1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Brexit cứng”: Hệ lụy đâu chỉ có nước Anh?

Chính phủ Anh đã chuẩn bị một kế hoạch thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu các tác động của Brexit không thỏa thuận.

Một cuộc “chia tay” không thỏa thuận rất có thể xảy ra, và nếu vậy, chẳng những sẽ gây thiệt hại đối với nền kinh tế Anh, mà còn làm tổn thương đến tăng trưởng kinh tế của EU và ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, gây hỗn loạn thị trường tài chính và làm suy yếu vị thế trung tâm tài chính hàng đầu thế giới của London. Một số chuyên gia cho rằng, sẽ không có người hưởng lợi từ kịch bản này.

“Brexit cứng”: Hệ lụy đâu chỉ có nước Anh? - 1

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: CNN.

Từ kịch bản “Brexit cứng”…

Theo kế hoạch, Thủ tướng Boris Johnson sẽ đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/10, dù có đạt thỏa thuận hay không. Khẳng định này được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Johnson và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G7 đã diễn ra tại Pháp. Tuy nhiên, ông Johnson nhấn mạnh rằng, ưu tiên số một vẫn là tìm kiếm một thỏa thuận và sẵn sàng thảo luận với lãnh đạo EU. 

Ngày 10/9, chỉ vài giờ sau khi Quốc hội Anh chính thức thông qua một dự luật buộc ông Johnson phải hoãn Brexit cho tới 31/1/2020 trừ khi ông đạt được một thỏa thuận với EU, Thủ tướng Anh Johnson lại tuyên bố ông sẽ không đề nghị EU cho hoãn việc Anh rời khỏi khối này. Tuyên bố này làm dấy lên lo ngại khả năng chính phủ Anh tìm cách lách luật để đưa Anh rời EU mà không có thỏa thuận.            

Theo nghị quyết của Quốc hội, chính phủ Anh ngày 12/9 đã buộc phải công bố báo cáo kế hoạch dự phòng, trong trường hợp Anh rời EU mà không có thỏa thuận, nhằm giảm thiểu các tác động của Brexit không thỏa thuận và nước Anh sẽ rời đi một cách tốt nhất. 

Chính phủ Anh cũng đã trù liệu phương án Brexit mà không có thỏa thuận như: xúc tiến đàm phán hợp tác song phương với các đối tác sau khi Anh rời khỏi EU, xây dựng hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các nước lớn, trong đó có Mỹ, có kế hoạch tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid cho biết, ông sẽ công bố quỹ 1 tỉ bảng để nước Anh sẵn sàng rời khỏi EU vào ngày 31/10, dù có hay không có thỏa thuận. Đồng thời, bổ sung 500 nhân viên cho lực lượng kiểm soát biên giới và nâng cấp cơ sở hạ tầng các cảng của nước này.

Thủ tướng Anh Johnson đã tập hợp nội các mới cho Brexit gồm 6 bộ trưởng đóng vai trò quan trọng để thực hiện nhiệm vụ rời khỏi EU “bằng mọi cách” vào ngày 31/10. Ông Michael Gove, người được giao nhiệm vụ vạch ra kế hoạch Brexit không thỏa thuận cho thủ tướng cho rằng, Brexit không thỏa thuận là “viễn cảnh rất thực tế”.

Chính phủ Anh cũng đã chuẩn bị một kế hoạch thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu các tác động của Brexit không thỏa thuận và nước Anh sẽ rời đi một cách tốt nhất. Mặc dù vậy, chính phủ Anh cho biết đây chỉ là kế hoạch dự phòng. Kể từ nhiều tuần nay, chính phủ mới đã thực hiện rất nhiều các biện pháp để viễn cảnh như vậy không xảy ra.

Đến hệ lụy không chỉ có nước Anh

Tuy đã có sự chuẩn bị cho việc rời EU, kể cả Brexit mà không có thỏa thuận, nhưng các chuyên gia cho rằng, nước Anh có thể phải gánh chịu của những thiệt hại về kinh tế, bởi EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Anh, chiếm đến 46% lượng hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu từ nước này.

Hàng hóa Anh xuất sang EU đối mặt với hàng rào thuế mà từ trước đến nay vẫn luôn được hỗ trợ. Theo Liên đoàn Công nghiệp Anh, thuế quan sẽ tác động đến 90% hàng hóa được bán, với mức thuế trung bình khoảng 4,3%. Trong đó, một số lĩnh vực như nông nghiệp sẽ phải đối mặt với mức thuế nặng hơn nhiều so với những ngành khác (chẳng hạn, thịt cừu bị đánh thuế cao tới 45-50%).

Anh đã trải qua ba năm kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Các dự báo độc lập trong trung hạn đã thống nhất hạ mức dự báo tăng trưởng thường niên dài hạn từ 2,2% xuống còn 1,7%/năm.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), ngày 1/8 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này xuống 1,3% trong năm 2019 và 2020 từ mức 1,5% và 1,6% đưa ra trước đó, song giữ lãi suất chủ chốt không đổi ở mức 0,75%. BoE trước đó cũng đã cảnh báo kinh tế Anh sẽ giảm khoảng 8% chỉ vài tháng sau Brexit, cho dù cho chính phủ Anh đã có sự chuẩn bị cho tình huống này.

Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 3/9 đã đưa ra cảnh báo Anh có thể tổn thất ít nhất 16 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu sang EU mỗi năm nếu kịch bản “Brexit cứng” xảy ra.

Sau Brexit, Anh sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm và thuốc men, nhiên liệu, gián đoạn kéo dài nhiều tháng ở hệ thống cảng, cửa khẩu. Nguồn cung thực phẩm tươi sống ít đi, đẩy giá cả leo thang, ảnh hưởng lớn đến những người nghèo và những nhóm yếu thế khác, khiến tình trạng căng thẳng trong cộng đồng gia tăng. 

Quyền đi lại tự do đối với công dân các nước EU sẽ bị chấm dứt. Đường biên giới cứng với Cộng hòa Ireland có nguy cơ tái thiết lập. Dễ có khả năng va chạm tiềm tàng khi các tàu thuyền nước ngoài khi tiến vào vùng biển của nước Anh. Ở trong nước có thể xảy ra những cuộc tuần hành phản đối của người dân đối với Brexit mà không có thỏa thuận.

Hiện Anh là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của EU, chiếm đến 13% lượng giao dịch buôn bán trong một liên minh không có rào cản thương mại. Tính riêng năm 2018, lượng hàng hóa và dịch vụ được Anh nhập từ EU đạt 345 tỷ bảng Anh, tương đương 54% kim ngạch nhập khẩu. Brexit cứng có thể khiến tăng trưởng kinh tế của EU sụt giảm, tối đa là 1,5% vào năm 2030.

Thủ tướng Anh Johnson cho biết, nếu rời EU mà không đạt thỏa thuận, nước Anh chắc chắn sẽ không trả “hóa đơn chia tay” trị giá 39 tỷ bảng Anh, do bà Theresa May và các lãnh đạo EU nhất trí hồi cuối năm 2018.

Các nước láng giềng của Anh cũng bị ảnh hưởng bởi Brexit mà không có thỏa thuận, đặc biệt là Cộng hòa Ireland. Bộ Tài chính Ireland dự báo, GDP nước này sẽ giảm 4,5% sau 10 năm. Ngân hàng Trung ương nước này cảnh báo có thể mất đi 34.000 việc làm vào cuối năm 2020 và hơn 100.000 việc làm trong trung hạn.

Các quốc gia khác như Bỉ, Hà Lan, Đức, Đan Mạch và Tây Ban Nha cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng đặc biệt là những lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào thương mại với Anh.

EU đang xem xét liệu có nên xếp kịch bản Brexit mà không có thỏa thuận là một thảm họa tự nhiên lớn tương tự như lũ lụt, hỏa hoạn hoặc động đất hay không, để giải phóng quỹ dự phòng khẩn cấp giúp đỡ các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Những người phản đối Brexit mà không có thỏa thuận cho rằng, kịch bản này nếu xảy ra sẽ thực sự là một thảm họa. Chẳng những nền kinh tế Anh bị thiệt hại, mà còn làm tổn thương tăng trưởng toàn cầu. Vì vậy, phe đối lập đang kêu gọi Quốc hội Anh hoạt động trở lại để có cơ hội xem xét kỹ lưỡng và đảm bảo chắc chắn loại bỏ khả năng Anh rời EU mà không có thỏa thuận.

Chưa biết chính phủ Anh chọn lựa khả năng nào: một thỏa thuận “chia tay mới”, xin gia hạn, Brexit không thỏa thuận hay không Brexit, nhưng thật khó để đánh giá việc Brexit không thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích cho Anh cũng như EU đến mức nào. Vì bản chất của thị trường chung - một nền kinh tế hội nhập sâu sắc tới mức khi tách ra, có thể “không có người hưởng lợi”.

Theo CTV Nguyễn Nhâm

VOV.VN