Brazil “qua mặt” Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới
(Dân trí) - Theo đánh giá của một tổ chức nghiên cứu kinh tế có tiếng, Brazil đã “qua mặt” Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) cho biết Bảng xếp hạng kinh tế thế giới mới nhất của trung tâm này cho thấy các nước châu Á đang phát triển đi lên trong khi các nước châu Âu lại tụt lùi. CEBR cũng dự đoán đến năm 2016 kinh tế Pháp sẽ thua kinh tế Anh.
Trung tâm này cho rằng kinh tế trong khu vực euro sẽ bị sụt giảm 0,6% trong năm 2012 “nếu vấn đề đồng euro được giải quyết” còn nếu không, sẽ bị sụt giảm 2%.
Giám đốc CEBR Douglas McWilliams cho biết Brazil “qua mặt” Anh, theo một xu hướng đang ngày càng phát triển hiện nay. “Tôi cho rằng đây là một phần của sự thay đổi kinh tế lớn hơn, nơi chúng ta không chỉ thấy sự chuyển dịch từ tây sang đông, mà còn thấy các nước đã sản xuất ra những hàng hóa thiết yếu, như thực phẩm và năng lượng cũng như những thứ như vậy, đang phát triển rất tốt và họ đang dần dần leo cao trong bảng xếp hạng kinh tế”, ông đánh giá.
Một báo cáo dựa vào dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) được công bố vào đầu năm nay cũng chỉ ra rằng kinh tế Brazil sẽ vượt qua Anh quốc vào năm nay, 2011.
Brazil là quốc gia có dân số khoảng 200 triệu, gấp hơn 3 lần dân số Anh quốc. Nền kinh tế Brazil tăng trưởng 7,5% vào năm ngoái, nhưng chính phủ nước này đã cắt giảm dự đoán tăng trưởng cho năm 2011 xuống 3,5%, sau khi kinh tế nước này bị trì trệ vào quý ba. Các nhà phân tích cho rằng tình trạng này là do lãi suất cao và tình hình ngày một xấu đi tại khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Mặc dù hiện nay Brazil xuất siêu sang Trung Quốc, nhưng các nhà sản xuất Brazil phàn nàn rằng họ đang bị ảnh hưởng bởi những mặt hàng sản xuất hàng loạt, giá rẻ từ “ông lớn” châu Á này.
CEBR cũng cho rằng Nga đã thăng hạng vào năm nay, lên vị trí số 9 trong bảng xếp hạng của họ và dự đoán nước này sẽ vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2020.
CEBR cũng dự đoán Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới vào năm 2011, sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào năm 2020.
Ngoài ra, cũng theo đánh giá của CEBR, các nước châu Âu sẽ bị xuống hạng, với Đức rớt từ vị trí thứ 4 năm 2011 xuống thứ 7 vào năm 2020 và Anh sẽ từ thứ 7 xuống 8, trong khi Đức từ 5 xuống 9.
Phan Anh
Theo BBC