1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Boris Yeltsin: “Putin là sự lựa chọn đúng đắn cho nước Nga"

Cựu Tổng thống đồng thời là vị Tổng thống đầu tiên của nước Nga đã phát biểu như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Itogi, nhân dịp ông bước sang tuổi 75.

Cũng trong buổi phỏng vấn này, ông Yeltsin đánh giá về vị thế hiện tại của Nga trên chính trường thế giới và mức độ thành công của Tổng thống Putin trong cương vị người lãnh đạo.

 

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

 

Năm 2000, khi ông chuyển giao quyền lực cho Vladimir Putin, ông đã nói với người kế nhiệm hãy chăm lo cho nước Nga. Từ đó đến nay, nước Nga có phát triển giống kỳ vọng của ông không?

 

Bạn có biết tôi thích nhất điều gì không? Đó là thái độ của mọi người đã thay đổi. Nước Nga đang tiến lên phía trước. Tình hình kinh tế đang được cải thiện. Bây giờ, không chỉ lớp người trẻ tuổi và năng động tin tưởng vào một nước Nga mới, mà cả những nhóm người dễ bị tổn thương nhất như người sống bằng tiền trợ cấp, người già cũng nghĩ vậy. Người Nga cảm thấy như chúng ta đã vượt qua thời kì tồi tệ nhất và đó là sự thật.

 

Lẽ tất nhiên, tôi vui mừng khi đã có quyết định đúng đắn là chọn Vladimir Putin. Tôi biết rằng nước Nga đang phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay cần một vị Tổng thống trẻ tuổi. Tôi đã tìm kiếm ai đó có mục tiêu chính là: tự do, kinh tế thị trường và hướng lên phía trước cùng với các quốc gia văn minh. Nhưng quan trọng hơn, tôi đã đi tìm một người có ý chí sắt đá. Đó là những phẩm chất mà Vladimir Putin có được.

 

Người dân Nga đã cảm thấy sức mạnh này ở ông và bầu ông làm Tổng thống.

 

Gần đây, ông có thường gặp Tổng thống Putin không?

 

Tất nhiên là không thường xuyên. Lần gần đây nhất chúng tôi gặp mặt là trên chuyến bay đi Kazakhstan dự lễ nhậm chức của Tổng thống Nazarbayev. Chúng tôi đã nói chuyện suốt 3 tiếng trên máy bay và sau đó nói tiếp trong buổi tiệc chiêu đãi.

 

Ông nghĩ thế nào về "những cuộc cách mạng màu"?

 

Điều gì xảy ra thì đã xảy ra. Không có gì để bàn luận nữa. Ở Ukraine, Grudia và Kyrgyzstan, những nhà lãnh đạo mới đã lên nắm quyền, và chúng ta phải làm việc với họ. Trong chính trị, bạn không thể bị chi phối bởi sở thích cá nhân.

 

Và nếu anh hỏi tôi ở Nga có thể xảy ra một cuộc cách mạng như vậy không thì câu trả lời của tôi chắc chắn là "không". Chúng ta không hề có lý do nào cả về chính trị hay dân tộc để tiến hành một cuộc cách mạng như thế.

 

Liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, ông có khuyên Tổng thống Putin tiếp tục ở lại Điện Kremlin thêm một thời gian nữa không?

 

Ông ấy đã nhiều lần nói sẽ không thay đổi hiến pháp bằng cách ở thêm một nhiệm kỳ thứ 3.

 

Ông có nghĩ quyền lực của Tổng thống Putin là một trụ cột đáng tin cậy?

 

Tôi tin vào quyền lực của Tổng thống. Nếu không có một hạt nhân vững chắc, đất nước của chúng ta sẽ vụn vỡ thành nhiều mảnh. Bất cứ khi nào trung ương nới lỏng kiểm soát, các phong trào ly khai sẽ nổi lên. Đó là lý do tại sao tôi luôn phản đối một bản hiến pháp phân bổ quá nhiều quyền lực cho Nghị viện. Nó sẽ giết chết các quyền hành pháp và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

 

Khi ông giới thiệu nước Nga với Câu lạc bộ những cường quốc hàng đầu thế giới, người ta từng cho rằng đó là "khoản trả trước" của phương Tây cho nền dân chủ trẻ tuổi ở Nga. Ông có nghĩ, chúng ta đã hoàn trả lại họ?

 

Nga sẽ làm chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G8. Lãnh đạo của các nước tham gia sẽ tới St. Petersburg. Tất nhiên, đó là do đánh giá của họ về thành tựu kinh tế và sức nặng chính trị của chúng ta trên trường quốc tế. Không có vấn đề trọng yếu nào trên thế giới được giải quyết mà thiếu vắng sự tham dự của chúng ta.

 

Đồng thời, chúng ta không e ngại bất kì ai, chúng ta không can dự vào những cuộc chiến khu vực và chúng ta không giúp đỡ các nhà độc tài. Nga là một đất nước văn minh và hùng mạnh, và chúng ta đã sẵn sàng chứng minh điều này với toàn thế giới.

 

Nhưng phương Tây vẫn chưa hài lòng. Họ cho rằng chúng ta cản trở quyền tự do ngôn luận...

 

Nếu chỉ vì họ không hài lòng, không có nghĩa là họ đúng. Thành thật mà nói, các bạn có bao giờ cảm thấy áp lực không? Các bạn có khi nào không thể viết về những vấn đề cụ thể nào đó không? Nếu không thích điều gì, hãy đấu tranh vì quyền lợi của mình. Đó là dân chủ. Và hãy nhớ rằng, kể từ khi chúng ta bắt đầu một cuộc sống mới đến nay mới chỉ 15 năm. Đó là một quãng thời gian ngắn so với lịch sử. Hãy để ít nhất một nửa thế kỷ trôi qua và các bạn có thể đánh giá được kết quả cũng như bình luận về quãng đường đã đi.

 

Tôi tin chắc rằng trong vài thập kỷ tới, truyền thông đại chúng sẽ có bộ mặt mới. Lúc ấy, thậm chí cả những phóng viên báo nhỏ cũng có thể viết mà không xúc phạm tới cảm giác của độc giả. Đó là văn hoá của chúng ta - tự do ngôn luận.

 

Theo Đức Minh

Vietnamnet