1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bóng ma "Chiến tranh tàu chở dầu" lại ám Trung Đông?

Các vụ tấn công bí ẩn nhằm vào tàu chở dầu gần Eo biển Hormuz chiến lược trong tuần này cho thấy tuyến vận tải quan trọng của thế giới có thể trở thành mục tiêu bị tấn công dễ thế nào.

30 năm trước, hải quân hai nước Mỹ và Iran từng đối đầu trong một cuộc xung đột được gọi là "Chiến tranh Tàu chở dầu". Cuộc chiến này liên quan đến tàu hải quân Mỹ hộ tống tàu chở dầu treo cờ Kuwait đi qua Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz sau khi Iran thả thủy lôi gây hại cho tàu thuyền ở khu vực.

Đỉnh điểm của cuộc xung đột là trận hải chiến kéo dài 1 ngày giữa Washington và Tehran. Bi kịch hơn, Mỹ sau đó đã bắn nhầm một máy bay hành khách Iran, khiến 290 người thiệt mạng.

Theo ước tính của Mỹ, Iran đã tấn công hơn 160 tàu trong cuộc đối đầu xảy ra vào cuối những năm 1980.

Bóng ma Chiến tranh tàu chở dầu lại ám Trung Đông? - 1

Ảnh chụp thủy lôi trên một tàu Iran bị hải quân Mỹ bắt giữ hôm 21-9-1987. Ảnh: AP

 

"Chiến tranh Tàu chở dầu" xảy ra trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài 8 năm giữa Iraq và Iran vào những năm 1980.

Cuộc chiến này khởi đầu bằng sự kiện Iraq xâm lược Iran năm 1980. Mỹ khi đó ủng hộ Tổng thống Iraq Saddam Hussein bằng cách cung cấp thông tin tình báo, vũ khí và những hỗ trợ khác.

Iraq là bên ra tay trước đối với tàu thuyền Iran và đến năm 1984 tấn công đảo Kharg, nơi có cảng dầu quan trọng của Tehran.

Sau vụ tấn công này, Iran bắt đầu chiến dịch nhằm vào hoạt động vận tải biển ở khu vực. Theo Viện Hải quân Mỹ, Iraq rốt cuộc tấn công đến 280 tàu, so với 168 của Iran.

Riêng hoạt động thả thủy lôi của Iran bắt đầu vào năm 1987.

Bóng ma Chiến tranh tàu chở dầu lại ám Trung Đông? - 2

Tàu khu trục USS Samuel B. Roberts. Ảnh: Military Times

 
Bóng ma Chiến tranh tàu chở dầu lại ám Trung Đông? - 3

Tàu khu trục IS SAHAND của Iran bốc cháy sau khi bị trúng tên lửa và bom chùm trong vụ tấn công của máy bay Mỹ nhằm trả đũa vụ tàu USS Samuel B. Roberts trúng thủy lôi. Ảnh: Military Times

 

Sau khi tàu chở dầu Kuwait trở thành mục tiêu bị tấn công, Mỹ cuối cùng buộc phải đứng ra bảo vệ chúng. Số vụ tấn công do thủy lôi gây ra không nhiều nhưng tác động tâm lý từ chúng lại tăng.

Hôm 14-4-1988, tàu khu trục USS Samuel B. Roberts của Mỹ suýt bị chìm sau khi trúng phải thủy lôi khi đi tuần tra ở Vịnh Ba Tư. Theo Hải quân Mỹ, thủy lôi gây ra vụ tấn công này khớp với số thủy lôi bị họ thu giữ từ một tàu Iran một năm trước đó.

Vụ tấn công tàu USS Samuel B. Roberts dẫn đến trận hải chiến giữa Mỹ và Iran. Lực lượng Mỹ đã tấn công 2 giàn khoan dầu ngoài khơi, cũng như đánh chìm hoặc gây hư hại 6 tàu Iran.

Vài tháng sau đó, bi kịch đã xảy ra trong lúc tàu USS Vincennes của Mỹ truy đuổi tàu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Tàu Mỹ đã nhầm một máy bay thương mại của hãng hàng không Iran Air với một chiếc F-14 và bắn hạ nó, khiến toàn bộ 290 người trên đó thiệt mạng.

Theo P.Võ

Người lao động