1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bóng hồng quyền lực tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản "ra mắt" Washington

(Dân trí) - Với cặp kính, kiểu tóc búi cao và các quan điểm bảo thủ, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đôi khi được so sánh với cựu Thống đốc Alaska Sarah Palin, bạn đồng hành tranh cử của John McCain năm 2008.


Bà Inada được ví với Sarah Palin, cựu ứng viên phó tổng thống đồng hành cùng John McCain năm 2008 (Ảnh: Bloomberg)

Bà Inada được ví với Sarah Palin, cựu ứng viên phó tổng thống đồng hành cùng John McCain năm 2008 (Ảnh: Bloomberg)

Ứng viên thủ tướng tương lai của Nhật Bản

Tuần này, bà Inada sẽ có cơ hội chứng tỏ bản thân với tư cách là một chính khách tại Washington, D.C. Và giới chức Mỹ sẽ có dịp tiếp xúc với người phụ nữ có thể trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản.

Bà Inada, một người theo đường lối cứng rắn, hôm nay có chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ kể từ khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản hồi tháng trước. Dự kiến bà sẽ có hội đàm với người đứng đầu Lầu Năm Góc Ash Carter. Chuyến thăm có thể được xem là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của bà.

“Giống chính trị gia Marine Le Pen tại Pháp, bà Inada đang cố gắng nâng cao hình ảnh và được ủng hộ hơn trong mắt của công chúng trong khi vẫn duy trì quan điểm cánh hữu”, Koichi Nakano, một giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo, nhận định.

Việc bổ nhiệm bà Inada được xem là nằm trong nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm ủng hộ bà trở thành người kế nhiệm - nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản. Thủ tướng Abe đã ca ngợi bà Inada là một “ứng viên rất mạnh cho ghế thủ tướng” tại một diễn đàn hồi tháng 2 năm nay và dường như đang cố gắng trao cho bà thêm kinh nghiệm trong các trọng trách đầy thử thách.

Bà Inada chắc chắn sẽ có một loạt các vấn đề quan trọng cần thảo luận trong khi có mặt tại Washington, trong số đó có vấn đề Triều Tiên, quốc gia đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5 hồi tuần trước.

Nhưng các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Okinawa của Nhật Bản, cũng như nguy cơ đối đầu quân sự tại Hoa Đông, nơi Nhật Bản có các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc vì một nhóm đảo nhỏ, là các vấn đề truyền thống.

Bà Inada cũng sẽ phải thuyết phục các nhà hoạch định chính sách Mỹ chú ý hơn tới châu Á, ông Yoji Koda, một phó đô đốc về hưu, nhận định. “Bà ấy phải thu hút sự chú ý của Washington và chứng tỏ rằng sự cân bằng chiến lược của Tổng thống Obama, cả về quân sự và chính trị, đối với châu Á là chưa thành công xét về góc độ ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc”.

Vai trò mới trên sẽ là một phép thử cho bà Inada, một cựu luật sư 57 tuổi và mẹ của hai con. Không giống nhiều chính trị gia Nhật Bản, bà Inada không xuất thân từ một gia đình chính trị, nhưng nhận được sự chú ý của Thủ tướng Abe.

Thủ tướng Abe đã khuyến khích bà Inada tham gia hạ viện và giành một ghế vào năm 2005. Sau đó, bà bắt đầu thăng tiến nhanh qua các vị trí chính trị quan trọng.

Thủ tướng Abe đã nhiều lần ví bà Inada với Jeanne d'Arc, một nữ anh hùng người Pháp trong cuộc chiến tranh trăm năm giữa Pháp và Anh, do khả năng chiến thắng nam giới trong các tình huống khó khăn.


Thủ tướng Abe và Bộ trưởng Inada (Ảnh: EPA)

Thủ tướng Abe và Bộ trưởng Inada (Ảnh: EPA)

Những phát biểu tranh cãi

Nhưng bà Inada cũng khiến các láng giềng của Nhật Bản là Trung Quốc và Hàn Quốc nổi giận với các bình luận về chuyện nô lệ tình trong Thế chiến 2. Vào năm 2011, Hàn Quốc đã “cấm cửa” bà sau khi bà định tới thăm một hòn đảo tranh chấp.

Sau khi được bổ nhiệm hồi tháng trước, Bộ trưởng Inada nói rằng các hành động thời chiến của Nhật Bản “tùy vào quan điểm” và rằng “không thích hợp” để bà bình luận thêm.

Trung Quốc đã bày tỏ sự giận dữ về các bình luận trên, trong khi báo chí Hàn Quốc nói rằng vai trò mới của bà Inada có thể làm phức tạp thêm quan hệ giữ hai nước, vốn trở nên bớt căng thẳng hơn trong năm qua.

Nhưng bà Inada cũng khiến Mỹ “nheo mày” khi nói rằng phiên tòa tội phạm chiến tranh Tokyo, từng kết án các lãnh đạo thời chiến của Nhật Bản, là “không công bằng” và rằng Nhật Bản nên có vũ khí hạt nhân.

Các nhà phân tích cho hay giờ đây, bà Inada đang cố gắng bỏ lại phía sau những bình luận đó và thể hiện một quan điểm ôn hòa hơn, hay ít nhất là bớt cứng rắn hơn.

Theo các nhà phân tích, để gia tăng cơ hội trở thành thủ tướng, ông Abe đã đưa bà Inada vào nội các trong cuộc cải tổ nội các hồi tháng trước.

Việc xử lý chính sách quốc phòng có thể cho bà Inada cơ hội để chứng minh rằng, dù có tương đối ít kinh nghiệm chính trị theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, bà Inada vẫn có khả năng lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, điều này cũng có thể đem lại kết quả trái ngược sự mong đợi, do những thay đổi gây tranh cãi trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản.

Cùng với việc đề xuất tăng nhân sách quốc phòng, những thay đổi đó đã khiến Bắc Kinh không hài lòng. “Việc đưa bà Inada chịu trách nhiệm về quốc phòng có thể khiến Trung Quốc có cớ khi nói rằng Nhật Bản đang tái quân sự hóa và đang cố gắng trở lại như xưa”, ông Nakano, một người chỉ trích chính phủ Abe, nhận định.

An Bình

Theo Wahington Post

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm