1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bốn quân nhân Liên Xô trôi dạt trên biển 49 ngày giữa vòng vây cá mập

Tàu của các quân nhân Liên Xô này hết nhiên liệu và trôi dạt trên Thái Bình Dương trong 49 ngày. Họ đã sống sót thần kỳ dù không còn lương thực.

Gần 60 năm trước, 4 người lính công binh Liên Xô trôi nổi giữa Thái Bình Dương khi họ không còn mấy lương thực và hy vọng sống sót. Mặc dù đó là thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, cuối cùng họ đã được một tàu sân bay của Mỹ cứu sống sau 49 ngày giữa biển cả.


Bức họa “Giữa đại dương bão tố” của các nghệ sĩ Gorpenko và Denisov, tôn vinh chiến công của 4 quân nhân Xô viết trên sà lan.

Bức họa “Giữa đại dương bão tố” của các nghệ sĩ Gorpenko và Denisov, tôn vinh chiến công của 4 quân nhân Xô viết trên sà lan.

Trung sĩ Askhat Ziganshin nhớ lại ngày 17/1/1960, ngày đầu tiên của hành trình 49 ngày trên biển của họ, khi đang chuẩn bị dỡ hàng khỏi chiếc sà lan tự hành của họ để đưa lên một trong các đảo của quần đảo Kuril:

“Khoảng 9h sáng, cơn bão trở nên mạnh hơn. Dây thép bị đứt và sà lan lao về phía các mỏm đá… Tôi được thông báo là nhiên liệu của sà lan còn rất ít nên quyết định cho sà lan ủi bãi. Điều này nguy hiểm, nhưng không còn sự lựa chọn nào khác. Chúng tôi cố lách qua các tảng đá… Tàu bị thủng một lỗ lớn và nước bắt đầu tràn vào buồng động cơ. Phía sau các tảng đá chúng tôi đã thấy được một bãi cát và tôi điều khiển tàu tiến về phía đó. Tàu đã đến gần bờ thì bị hết nhiên liệu, động cơ ngừng hoạt động và tàu bị lôi ra ngoài vùng biển rộng mở…”

Cạn kiệt lương thực

Bốn quân nhân thuộc lực lượng công binh Liên Xô - Ziganshin, Fillipp Poplavsky, Anatoly Kruchkovsky và Ivan Fedotov – đã ở trên chiếc tàu nhỏ trôi dạt khoảng 2.400km. Điện đài bị hỏng nhưng may họ đã bịt kín được lỗ thủng ở đáy tàu. Tuy nhiên lại nảy sinh một vấn đề nghiêm trọng – hầu như không còn lương thực. Tất cả những gì còn lại là một ổ bánh mì, vài hạt đậu Hà Lan, một xô khoai tây và một lọ mỡ. Cũng có một ít nước ngọt, nhưng đó là nước dùng để làm mát động cơ chiếc sà lan tự hành và không có gì lạ khi trong đó có một ít gỉ kim loại.


Bức họa “Askhat Ziganshin nấu bữa tối”, cũng của các nghệ sĩ Gorpenko và Denisov.

Bức họa “Askhat Ziganshin nấu bữa tối”, cũng của các nghệ sĩ Gorpenko và Denisov.

Cả nhóm mau chóng xác định sẽ bị thất lạc dài lâu. Ziganshin tìm thấy một tờ báo nói rằng vùng biển họ đang ở trong hiện đã bị đóng cửa đối với các tàu bè do có kế hoạch thử tên lửa tại đây.

Bốn quân nhân bắt đầu phân chia lương thực theo khẩu phần. Ban đầu họ ăn một lần trong ngày – mỗi người chỉ được ăn một chén xúp. Họ chuẩn bị xúp bằng 2 củ khoai tây và 1 thìa mỡ. Họ uống 1 chút nước 3 lần mỗi ngày.

Không cãi cọ

Đến ngày 23/2, lương thực đã hết sạch. Cả nhóm cố gắng bắt cá nhưng chẳng thấy cá nào cả ngoài những con cá mập luôn lượn quanh sà lan của họ. Vậy là cả nhóm đành phải luộc ủng da và thắt lưng da để ăn. Những bộ phận có da của chiếc phong cầm (accordion) cũng bị đem ra luộc để ăn. Cuối cùng cơ thể họ suy kiệt và các ảo giác bắt đầu xuất hiện.

Tuy nhiên trong hoàn cảnh khủng khiếp đó, họ vẫn cố gắng giữ cho tinh thần ở trạng thái tốt.

Ziganshin nhớ lại: “Cho đến phút cuối vẫn không hề có sự hoảng loạn hay trầm cảm. Sau này một thợ cơ khí trên con tàu Queen Mary đưa chúng tôi từ Mỹ về châu Âu có kể cho tôi rằng anh ấy từng ở trong một tình huống tương tự: Sau một trận bão lớn, máy vô tuyến điện trên tàu của anh không hoạt động trong 2 tuần. Trong số 30 thủy thủ, vài người đã tử vong, nhưng không phải do đói, mà là do sợ hãi và tranh giành thức ăn nước uống…”.

Tình trạng đó không xảy ra trên chiếc sà lan T-36. Các quân nhân Liên Xô đã chia khẩu phần của mình một cách công bằng và không cố dành ưu đãi cho mình khi đồng đội phải chịu thiệt thòi.

Sợ mang tiếng là kẻ đào ngũ

Vào ngày 7/3, họ chỉ còn một nửa ấm nước ngọt, một chiếc ủng da và 3 que diêm… May thay, đúng khi ấy, họ được tàu sân bay Kearsarge của Mỹ phát hiện.


Filipp Poplavsky (trái) và Askhat Ziganshin (giữa) thuật lại cảnh ngộ của họ với một thủy thủ Mỹ sau khi họ được đưa lên tàu sân bay Kearsarge. Ảnh: Sputnik.

Filipp Poplavsky (trái) và Askhat Ziganshin (giữa) thuật lại cảnh ngộ của họ với một thủy thủ Mỹ sau khi họ được đưa lên tàu sân bay Kearsarge. Ảnh: Sputnik.

Ban đầu, những người lính Xô viết không muốn rời sà lan – họ chỉ muốn phía Mỹ cung cấp cho họ nhiên liệu và lương thực đủ dùng để tự đi. Tuy nhiên, sau đó họ thay đổi quyết định và chấp nhận lên tàu Mỹ. Sau khi ăn uống, họ ngủ thiếp đi và ngủ liền trong mấy ngày liền. Khi tỉnh giấc, họ thảng thốt vì nhận ra rằng đã mất sà lan và đang ở trên một chiếc tàu của Mỹ. Họ sợ bị coi là kẻ đào ngũ khi trở về quê hương.

Được chào đón như những người anh hùng

Các lo lắng của các quân nhân Liên Xô này cuối cùng lại điều thái quá. Chẳng bao lâu sau đó, một trong các tờ báo lớn của Liên Xô đã đăng tải một bài viết về họ với dòng tít “Mạnh mẽ hơn cả Tử thần”. Nhóm quân nhân trôi dạt giữa biển đã trở thành các anh hùng cả ở Liên Xô và Mỹ.

Tại San Francisco và New York (Mỹ), họ được nghênh đón như những người hùng. Thị trưởng San Franciso còn trao cho họ một chiếc khóa có tính biểu tượng của thành phố.


Bốn quân nhân Liên Xô (trong vụ sà lan trôi dạt) xuất hiện trong chuyến tham quan San Francisco, Mỹ. Ảnh: Sputnik.

Bốn quân nhân Liên Xô (trong vụ sà lan trôi dạt) xuất hiện trong chuyến tham quan San Francisco, Mỹ. Ảnh: Sputnik.

Còn ở Moscow (Nga), họ được Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô tiếp đón. Họ sau đó còn có vô số cuộc gặp nữa ở nhiều nơi khác nhau. Gương mặt của họ xuất hiện trên trang nhất của mọi tờ báo và tạp chí.

Không những vậy, người ta còn sáng tác nhiều bài hát về hành trình gian nan của các quân nhân này. Một trong số các bài hát đó do nhà thơ kiêm ca sĩ Vladimir Vysotsky soạn. Bài hát “Ziganshin-boogie” có đoạn lời “Ziganshin ăn chiếc ủng thứ 2 của mình”. Ngoài ra, người ta còn làm một bộ phim về những gì mà nhóm của Ziganshin đã trải qua.

Các quân nhân này thực sự là các anh hùng dân tộc của Liên Xô thời đó và sự chú ý dành cho họ tiếp tục cho đến khi có chuyến bay vào vũ trụ của Yuri Gagarin vào tháng 4/1961. Sự nổi tiếng của người đầu tiên đi vào vũ trụ đã làm người ta bớt chú ý đến những gian nan của 4 quân nhân quả cảm này./.

Theo Trung Hiếu

VOV