Điều ít biết về 5 “bóng hồng” điệp viên huyền thoại của Liên Xô
(Dân trí) - Xinh đẹp, bản lĩnh và dũng cảm là nét đặc trưng của 5 nữ điệp viên Liên Xô huyền thoại - những “bông hồng thép” khiến cánh đàn ông cùng thời phải nể phục.
Nadezhda Plevitskaya
Là ca sĩ từng thể hiện các ca khúc của nhạc sĩ Sergei Rachmaninoff, Nadezhda Plevitskaya được Nga hoàng Nicholas II đặt biệt danh là “chim sơn ca vùng Kursk”. Sinh ra trong một gia đình nông dân, Plevitskaya lẽ ra là một nữ tu nhưng rốt cuộc bà lại trở thành một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất thời đại.
Sau khi rời quê hương, bà Plevitskaya kết hôn với Nikolai Skoblin - một tướng Nga lưu vong và cả hai vợ chồng bà được tình báo Liên Xô tuyển mộ vào năm 1931. Trong suốt 6 năm, cặp đôi này đã cung cấp cho Moscow nhiều thông tin về cộng đồng lưu vong tại châu Âu.
Chiến dịch lớn nhất của vợ chồng bà Plevitskaya là vụ bắt cóc Tướng Nga Yevgeny Miller ở thủ đô Paris, Pháp vào năm 1937. Cặp đôi đã tìm cách dụ dỗ tướng Miller, người lãnh đạo một tổ chức quân sự lưu vong, tới dự cuộc gặp mặt với các nhà ngoại giao Đức. Thực chất đây là màn kịch do các điệp viên Liên Xô dựng lên.
Tướng Miller đã “sập bẫy” và bị đưa về Nga bằng đường biển. Tuy nhiên, trước khi đến cuộc gặp mặt định mệnh với các nhà ngoại giao giả mạo, ông Miller đã để lại một bức thư khiến danh tính của cặp vợ chồng điệp viên bại lộ. Ông Skoblin tìm cách trốn sang Tây Ban Nha - nơi ông bị sát hại sau đó, trong khi bà Plevitskaya bị bắt và kết án 20 năm lao động khổ sai. Nữ điệp viên cuối cùng qua đời trong nhà tù tại thành phố Rennes của Pháp vào năm 1940.
Zoya Voskresenskaya
Vào năm 1929, Zoya Voskresenskaya đã gia nhập ban đối ngoại của Tổng cục chính trị Liên Xô. Không lâu sau đó, cô gái 22 tuổi xinh đẹp đã được mời sang Đức để trở thành người tình của một vị tướng Đức.
“Tôi trả lời: “Được rồi. Tôi sẽ đi. Tôi sẽ trở thành người tình của ông ấy, nếu đó là việc tôi bắt buộc phải làm. Nhưng tôi sẽ tự sát sau khi xong việc”. Đó là lần cuối cùng tôi được giao nhiệm vụ như vậy”, bà Voskresenskaya kể lại.
Trong thập niên 1930, bà Voskresenskaya làm việc ở Mãn Châu, Latvia, Đức và Áo. Tới đầu tháng 6/1941, dưới vỏ bọc là một nhân viên của Hiệp hội Giao lưu văn hóa nước ngoài toàn bang (VOKS), bà Voskresenskaya đã dự buổi tiệc chiêu đãi tại Đại sứ quán Đức. Tại đây, Đại sứ Count Werner von der Schulenburg đã mời bà Voskresenskaya nhảy một điệu waltz.
Trong lúc khiêu vũ, bà Voskresenskaya phát hiện ra các khoảng trống hình chữ nhật trên những bức tường của căn phòng kế bên, dù trước đó những khoảng trống này là nơi treo tranh. Bà cũng nhìn qua một khe cửa và phát hiện hàng dài vali được xếp sẵn. Voskresenskaya sau đó báo về trụ sở tại Liên Xô rằng người Đức đang chuẩn bị sơ tán đại sứ quán nhưng thông tin của bà bị bỏ qua. Không lâu sau đó, phát xít Đức nổ súng tấn công Liên Xô.
Sau khi nghỉ hưu vào năm 1955, bà Voskresenskaya trở thành tác giả viết truyện trẻ em nổi tiếng. Tuy vậy, sự nghiệp điệp viên của Voskresenskaya không được biết đến cho tới năm 1990 khi người đứng đầu Ủy ban An ninh Liên Xô (KGB) Vladimir Kryuchkov tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng bà từng là một điệp viên.
Margarita Konenkova
Nhà điêu khắc nổi tiếng Sergey Konenkov và vợ Margarita đến New York, Mỹ vào năm 1923 để tham gia một cuộc triển lãm về nghệ thuật Liên Xô. Tuy nhiên rốt cuộc họ lại dành đến 22 năm sống trên đất Mỹ. Trong khi ông Konenkov tập trung vào sự nghiệp điêu khắc, bà Margarita lập một phòng triển lãm bên trong xưởng của chồng ở Greenwich Village - nơi bà đón tiếp các chính trị gia lỗi lạc của Mỹ và phu nhân của họ.
Bà Margarita từng được mời tới Nhà Trắng và có mối quan hệ cá nhân gần gũi với Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt. Tuy nhiên mục đích tiếp cận chính của người phụ nữ Liên Xô này là các nhà khoa học vũ khí hạt nhân. Bà đã kết bạn với Robert Oppenheimer - người được mệnh danh là “cha của các loại bom nguyên tử”. Vào năm 1935, bà được giới thiệu với Albert Einstein. Dựa trên những bức thư thân mật của Albert Einstein gửi cho bà Margarita, có thể coi là bà tình yêu cuối cùng của nhà bác học lỗi lạc này.
Tuy nhiên, Margarita chưa bao giờ quên công việc của bà và đã tìm cách tuyển mộ một số nhà vật lý hạt nhân của Mỹ. Chính nhờ sự sắp xếp của Margarita, Albert Einstein đã có cuộc gặp với lãnh đạo tình báo Liên Xô tại New York. Vào năm 1945, vợ chồng bà Margarita đã được triệu hồi về Nga. Bà qua đời năm 1980 tại Moscow.
Yelena Modrzhinskaya
Vào một ngày cuối năm 1940, các hành khách tới ga tàu hỏa ở Warsaw nhìn thấy một phụ nữ bước xuống tàu và một người đàn ông chờ sẵn để tặng bà một bó hoa. Người đàn ông đó là Ivan Vasilyev (tên thật là Pyotr Gudimovich) - tham tán thương mại của Đại sứ quán Liên Xô, còn người phụ nữ sau này là vợ ông - bà Marya. Đó là lần đầu tiên họ gặp nhau.
Thực chất Marya là nữ sĩ quan tình báo Yelena Modrzhinskaya. Nhiệm vụ của cặp đôi là phát hiện các kế hoạch của Đức liên quan tới Liên Xô. Đúng vào ngày 22/6/1941 khi Hitler tấn công Liên Xô, cả bà Marya và ông Ivan đều bị bắt. Trước đó, cặp đôi này từng nằm trong diện bị tình nghi.
Các cuộc thẩm vấn sau đó không mang lại kết quả và cuối cùng cặp đôi Marya - Ivan cùng một số nhà ngoại giao khác được trao đổi để đổi lấy các nhà ngoại giao Đức ở Moscow. Cả hai sau đó về nhà an toàn và kết hôn thực sự.
Anna Kamayeva
Vào mùa thu năm 1941, một đội đặc nhiệm thuộc Bộ Nội vụ Liên Xô đã đào tạo các điệp viên ngầm để đề phòng trường hợp quân đội Đức chiếm đóng Moscow. Một trong số các điệp viên được đào tạo là Anna Kamayeva và nhiệm vụ của cô gái 23 tuổi khi đó là ám sát Hitler.
Tuy nhiên, Moscow cuối cùng không đầu hàng phát xít Đức và Kamayeva được cài vào hàng ngũ của địch để chuẩn bị các âm mưu phá hoại ngầm. Vào tháng 10/1944, Kamayeva được đưa tới Mexico để chuẩn bị chiến dịch giải cứu đặc vụ Ramon Mercader khỏi nhà tù, song kế hoạch này bị hủy vào phút chót.
Sau chiến tranh, Kamayeva kết hôn với sĩ quan tình báo Liên Xô Mikhail Filomenko và cặp đôi này đã dành 12 năm hoạt động bí mật ở nước ngoài, từ Tiệp Khắc, Trung Quốc cho tới Brazil. Tại những đất nước này, cả hai đều thiết lập mang lưới các điệp viên của Liên Xô.
Thành Đạt
Theo RBTH