1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cạnh tranh chiến lược trên biển Đông - Kỳ cuối:

Bốn điểm Mỹ cần làm để đối trọng với Trung Quốc ở biển Đông

Theo Foreign Affairs, nếu Mỹ và các đối tác trong khu vực muốn chặn các động thái đáng lo ngại của Trung Quốc (TQ) ở biển Đông, các bên cần phải tập trung giảm khoảng cách trong cán cân chính trị và quân sự khu vực.

Chiến lược của Mỹ ở biển Đông đã không thể ngăn chặn TQ làm thay đổi cán cân quân sự ở biển Đông trong tương lai gần.

Tuy nhiên, Mỹ đã có thành công bước đầu với chiến lược này khi tập hợp được sự ủng hộ trong khu vực về mặt bảo vệ các luật pháp quốc tế. Và theo tạp chí Foreign Affairs (Mỹ), về lâu dài chiến lược này sẽ còn thành công hơn khi kết hợp với sự hiện diện quân sự dài hạn của Mỹ ở khu vực.

Theo Foreign Affairs, nếu Mỹ và các đối tác trong khu vực muốn chặn các động thái đáng lo ngại của TQ ở biển Đông, các bên cần phải tập trung giảm khoảng cách trong cán cân chính trị và quân sự khu vực. Các bên cần biến sự đồng lòng chính trị thành hành động đa phương ngắn hạn trên biển Đông, với sự tham gia quan trọng của Mỹ.

Theo tờ Foreign Affairs, có một số bước mà chính phủ Mỹ cần tiến hành trong tương lai để đối trọng với TQ như sau:

Thứ nhất, Mỹ và các đối tác cần hợp tác ngăn chặn và đẩy lùi các hành động xâm lấn thêm của TQ ở biển Đông.

Nếu TQ lập vùng ADIZ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Mỹ cần có kế hoạch thực hiện các hoạt động hợp tác quốc phòng để phản đối sự tồn tại của vùng.

Không chỉ tạo ra một không gian ngoại giao để các bên liên quan cùng lên tiếng phản đối, Mỹ cũng phải thống nhất chính sách với các nước ASEAN, Úc, Nhật để các hãng bay ứng xử đúng đắn trước vùng ADIZ của TQ.

Thứ hai, quan hệ của Mỹ và TQ là quan hệ nhiều chiều, sâu rộng và phức tạp, trong đó có sự hợp tác về các vấn đề an ninh quan trọng. Tuy nhiên, Mỹ có thể cần phải tạo sức ép lên một số khía cạnh trong quan hệ để khiến TQ thay đổi thái độ trên biển Đông. Phía Mỹ có thể hủy các cuộc gặp cấp cao và các cuộc tập trận chung với TQ.


Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ tuần tra gần đá Subi (Trường Sa) hồi tháng 2. Ảnh: NAVSOURCE

Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ tuần tra gần đá Subi (Trường Sa) hồi tháng 2. Ảnh: NAVSOURCE

Thứ ba, Mỹ cần mở rộng chiến lược, thêm cân bằng quân sự ở biển Đông.

Chính phủ và quân đội Mỹ luôn xác định tầm quan trọng của tự do lưu thông ở biển Đông và cũng hay có các chiến dịch tuần tra. Tuy nhiên, theo Foreign Affairs, thông điệp từ các hành động này của Mỹ gửi đến TQ không mạnh mẽ và liên tục. Mỹ và các đối tác cần kiên định và thực hiện thường xuyên hơn các chiến dịch giám sát và trinh thám trên biển và trên không ở biển Đông.

Thứ tư, Mỹ cần tỏ dấu hiệu cho TQ biết việc quân sự hóa biển Đông của TQ có thể cuối cùng sẽ buộc Mỹ thay đổi chiến lược.

Trong nhiều năm, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cố gắng để các nước cùng tranh chấp biển Đông với TQ kiềm chế, thuyết phục các nước ngưng cải tạo, xây dựng đảo, để theo đuổi mục tiêu cao nhất là đạt một Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) mang tính ràng buộc với TQ.

Theo Foreign Affairs, Mỹ không thể thực hiện đơn lẻ một bước nào trong 4 bước trên.

Nếu Mỹ không hành động, chắc chắn là TQ sẽ kiểm soát hiệu quả vùng biển và vùng trời ở biển Đông bằng các vũ khí nguy hiểm. Đây không phải là một viễn cảnh tốt đẹp và chắc chắn không mang lại hòa bình, ổn định cho khu vực cũng như thế giới.

Theo THIÊN ÂN/Foreign Affairs

Pháp luật TPHCM