1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bom B61-12 - "con át chủ bài" trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ

Lầu Năm Góc mới đây đã “bật đèn xanh” cho việc phát triển bom B61-12, loại bom hạt nhân dẫn đường đầu tiên của Mỹ. Cùng với bom B61, B61-12 sẽ được xem là một “con át chủ bài" trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ...

Quả bom đắt giá nhất

Sản xuất bom hạt nhân dẫn đường B61-12 là một phần chương trình hiện đại hóa và kéo dài thời gian sử dụng vũ khí hạt nhân dự kiến hao tốn 1 nghìn tỷ USD trong 30 năm tới của Lầu Năm Góc. Về mặt lịch sử, đây là quả bom hạt nhân dẫn đường đầu tiên của Mỹ. Về mặt giá trị, B61-12 được coi là quả bom hạt nhân đắt nhất của Mỹ, ước tính chi phí khoảng 11 tỷ USD cho 400 quả bom, tương đương 27,5 triệu USD cho một quả. Dự kiến phiên bản mới này sẽ thay thế bom B61 hiện nay.

Các chuyên gia Mỹ kiểm tra bom hạt nhân dẫn đường B61-12. Ảnh: sputniknews.com
Các chuyên gia Mỹ kiểm tra bom hạt nhân dẫn đường B61-12. Ảnh: sputniknews.com

Về mặt kỹ thuật, bom B61-12 nặng 350kg, mang đầu đạn hạt nhân 50 kiloton, được trang bị hệ thống dẫn đường bằng GPS và tia laser ở mũi. Bom B61-12 được thiết kế để thả xuống từ máy bay chiến đấu như F-15, F-16, F-35. Sau khi rời khỏi máy bay, B61-12 sử dụng cánh đuôi và động cơ phản lực xoay để điều chỉnh hướng bay, có thể rơi xuống mục tiêu trong phạm vi 30m.

Xét về khả năng hủy diệt tuyệt đối, B61-12 không được coi là vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất của Mỹ. Quả bom này có công suất phá hủy tối đa chỉ 50 kiloton, tương đương 50.000 tấn thuốc nổ TNT. Trong khi đó, bom hạt nhân B83 có công suất tối đa 1.200 kiloton. Tuy nhiên, điều làm cho B61-12 trở thành loại vũ khí hạt nhân nguy hiểm trong kho vũ khí của Mỹ là tính khả dụng của nó.

Tính khả dụng này xuất phát từ sự kết hợp của tính chính xác và hiệu suất thấp của nó. B61-12 có năng suất tối đa là 50 kiloton nhưng hiệu suất này có thể được hạ xuống khi cần thiết để đáp ứng bất cứ nhiệm vụ cụ thể nào. Sự kết hợp giữa độ chính xác và năng suất thấp làm cho bom hạt nhân B61-12 được giới chuyên gia nhận định sẽ có mặt nhiều nhất trong kho vũ khí của Mỹ.

Theo thông báo hồi đầu tháng 8 này của Cơ quan An ninh Hạt nhân quốc gia (NNSA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, B61-12 đang trong quá trình sản xuất sau 4 năm phát triển và thử nghiệm. Kế hoạch sản xuất quy mô lớn dự kiến bắt đầu vào năm 2020. Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, Washington sẽ triển khai B61-12 để thay thế khoảng 180 quả bom B61 đang được đặt tại 5 quốc gia châu Âu, bao gồm Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó riêng căn cứ của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ đang chứa tới 50 quả bom B61.

Nguy cơ gia tăng sự cám dỗ sử dụng B61-12

Ngay sau tuyên bố của NNSA về bom hạt nhân B61-12, nhiều chuyên gia quân sự Nga cho rằng, việc Mỹ nâng cấp bom B61-12 sẽ đe dọa đến an ninh hạt nhân, vì các tính năng chiến đấu của loại bom này sẽ làm gia tăng nguy cơ sử dụng chúng.

Vụ trưởng Vụ Không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Ulyanov nhấn mạnh: "Không phải là trùng hợp khi một số chuyên gia Mỹ vội vàng gọi các đầu đạn mới này là “đạo đức” hơn, bởi họ cho rằng việc sử dụng các đầu đạn đó sẽ gây ra ít hậu quả thảm khốc. Nhưng đây thực sự là khía cạnh tiêu cực: các tính năng của những vũ khí như vậy làm gia tăng sự cám dỗ sử dụng chúng".

Cũng theo ông Ulyanov, bom hạt nhân B61-12 được thiết kế chủ yếu nhằm thay thế các vũ khí hạt nhân cũ của Mỹ ở 5 nước châu Âu là Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các vũ khí hạt nhân của chính Washington. Việc nâng cấp kho vũ khí hạt nhân này của Mỹ ở châu Âu là kéo dài việc thực thi các sứ mệnh hạt nhân chung của NATO, "vi phạm trắng trợn nội dung và tinh thần của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)".

Giới chuyên gia Nga lập luận, những con số thống kê chính thức về kho vũ khí hạt nhân của Mỹ đã thể hiện sự khác biệt từ lời nói tới hành động của Washington trong suốt 8 năm qua. Trong báo cáo của Lầu Năm Góc công bố hồi tháng 5-2016 nhấn mạnh, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ dưới thời Tổng thống B. Obama đã giảm mạnh, nhưng thực tế số lượng vũ khí hạt nhân cắt giảm dưới thời ông B. Obama ít hơn nhiều so với các nhiệm kỳ tổng thống Mỹ trước đó.

Hiện nay, Mỹ đang duy trì một kho vũ khí với hơn 7.200 quả bom hạt nhân; hơn 2.000 quả trong số này đã được triển khai (1.900 vũ khí hạt nhân chiến lược và 180 vũ khí phi chiến lược). "Do vậy, việc Mỹ có thể trang bị bom hạt nhân dẫn đường B61-12 cho các căn cứ của Mỹ ở châu Âu sẽ buộc Nga phải trang bị đầu đạn hạt nhân cho các đơn vị tên lửa chiến thuật đất đối đất Iskander-M tại châu Âu”, chuyên gia quân sự người Nga Konstantin Sivkov khẳng định.

Theo Bình Nguyên

Quân đội nhân dân