1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bộ Tư pháp Mỹ điều tra nội bộ về nghi vấn lật kèo bầu cử

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra về việc liệu có bất kỳ quan chức nào có liên quan tới nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử tổng thống hay không.

Bộ Tư pháp Mỹ điều tra nội bộ về nghi vấn lật kèo bầu cử - 1

Cựu Tổng thống Donald Trump từng các đồng minh ra sức theo đuổi các vụ kiện gian lận bầu cử nhằm đảo ngược chiến thắng của ông Biden nhưng không thành (Ảnh: Reuters)

Tổng Thanh tra bộ Tư pháp Mỹ Michael Horowitz ngày 25/1 cho biết cuộc điều tra sẽ chỉ nhắm tới các cựu quan chức và quan chức đương nhiệm của Bộ Tư pháp và không mở rộng sang các bộ ngành khác.

Theo RT, đây được xem là nỗ lực của Bộ Tư pháp nhằm truy tìm các quan chức không "trung thành" với chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden.

Cuộc điều tra được tiến hành sau khi New York Times đưa tin, cựu Tổng thống Donald Trump từng cân nhắc sa thải quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeffrey A. Rosen và thay thế bằng Jeffrey Clark, một luật sư của bộ này, với hy vọng Clark sẽ giúp ông đảo ngược kết quả bầu cử. 

Cũng theo New York Times, hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Pennsylvania Scott Perry đã sắp xếp để ông Trump gặp gỡ Clark - người ủng hộ các cáo buộc của ông Trump cho rằng "cuộc bầu cử đã bị đánh cắp". Luật sư Clark được cho là đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của ông Trump nhằm gây sức ép với Bộ Tư pháp để đảo ngược kết quả bầu cử.

Wall Street Journal cũng dẫn nguồn thạo tin cho biết, trước khi tính đến phương án thay thế quyền Bộ trưởng Tư pháp, ông Trump đã tìm cách gây sức ép với cơ quan này để đề nghị Tòa án Tối cao vô hiệu hóa chiến thắng của Tổng thống Joe Biden.

Tuy nhiên, những nỗ lực trong những tuần cuối cùng trong Nhà Trắng đó của ông Trump thất bại do vấp phải sự phản đối của các đồng minh ở Bộ Tư pháp. Những người này từ chối đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cao với những cáo buộc vô căn cứ.

Sau cuộc bầu cử ngày 3/11/2020, ông Trump và các đồng minh đã ra sức theo đuổi các vụ kiện gian lận bầu cử nhằm đảo ngược chiến thắng của ông Biden. Tất cả nỗ lực này đều thất bại và ông Trump chỉ công nhận kết quả bầu cử sau khi quốc hội xác nhận hôm 6/1. Mặc dù đã rời nhiệm sở, song ông Trump vẫn phải đối mặt với phiên tòa xét xử luận tội tại Thượng viện sau khi bị Hạ viện luận tội kích động bạo lực, liên quan tới vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội hôm 6/1.

Ông Biden lên tiếng về phiên tòa luận tội tổng thống tiền nhiệm

Tổng thống Joe Biden cho rằng phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Donald Trump cần phải diễn ra theo kế hoạch.

"Tôi nghĩ phiên tòa cần phải diễn ra", ông Biden nói trong cuộc phỏng vấn tại Nhà Trắng hôm 25/1.

Tân Tổng thống thừa nhận rằng phiên tòa luận tội người tiền nhiệm có thể sẽ ảnh hưởng tới chương trình nghị sự của ông. Tuy nhiên, Tổng thống Biden cũng nhận định việc không luận tội ông Trump sẽ còn "tồi tệ hơn".

Hạ viện Mỹ ngày 25/1 thông báo đã chuyển điều khoản luận tội ông Trump lên Thượng viện. Theo kế hoạch, Thượng viện sẽ bắt đầu xem xét luận tội cựu Tổng thống từ đầu tháng 2 và nếu 2/3 thượng nghị sĩ ủng hộ, ông Trump sẽ bị kết tội.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden cho rằng kịch bản 17 Thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu kết tội ông Trump sẽ không diễn ra.