1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bộ ba vũ khí Nga chưa có đối thủ trên thế giới

(Dân trí) - Có một trong những nền quân sự mạnh nhất thế giới, Nga nổi tiếng với dàn vũ khí đầy uy lực. Cây viết Nikolai Litovkin của Russia Beyond đã chỉ ra 3 hệ thống khí tài do Moscow sản xuất hiện chưa có đối thủ ngang tầm trên thế giới.

Tên lửa Avangard

Bộ ba vũ khí Nga chưa có đối thủ trên thế giới - Ảnh 1.

Tên lửa Avangard rời bệ phóng trong một bài thử nghiệm (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

 Cuối năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trực tiếp giám sát bài thử nghiệm của tên lửa liên lục địa mới Avangard, dự kiến sẽ gia nhập biên chế quân đội Moscow trong năm nay.

Avangard đánh dấu một bước tiến đáng kể trong ngành khoa học tên lửa Nga. Khác với những vũ khí tiền nhiệm và tên lửa nước ngoài, Avangard có thể đạt tới độ cao ấn tượng, bay với tốc độ siêu thanh và qua mặt hầu hết các hệ thống tên lửa hiện thời. Theo RBTH, ở thời điểm hiện tại, chưa có một tên lửa nào có năng lực tương đương như Avangard.

Sức công phá của tên lửa này mạnh gấp 130 lần quả bom nguyên tử Mỹ từng ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản hồi Thế chiến 2. Nó có thể di chuyển với tốc độ 30.000km/h, tương đương gấp 27 lần tốc độ âm thanh. Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov nhận định không có tên lửa nào vào thời điểm này có thể bắn hạ Avangard khi nó bay với tốc độ như vậy.

Ông Sergei Ivanov, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga, cho biết Avangard liên tục thay đổi hướng bay và cao độ khi di chuyển qua khí quyển, tạo thành một đường bay khiến hệ thống phòng thủ đối phương trở nên vô dụng vì không thể đoán biết vị trí thực tế của tên lửa.

Chuyên gia quân sự Dmitry Safonov nói với Izvestia rằng với Avangard, Nga có thể bảo đảm sự an toàn cho lãnh thổ trong vài chục năm tới. Tên lửa này cũng nằm trong bộ 3 hạt nhân chiến lược của Nga nhằm răn đe bất cứ mối đe dọa tiềm tàng nào nhằm vào Moscow.

Hệ thống phòng không S-400

Uy lực hệ thống phòng không S-400 của Nga

Ngoài các vũ khí có khả năng tấn công mạnh mẽ, Nga còn sở hữu một trong những hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất thế giới: S-400 Triumph (NATO gọi là Growler). S-400 có thể dò ra được mục tiêu trên không ở khoảng cách 600km và bắn hạ ở khoảng cách 400km. Nó có thể hạ gục nhiều loại mục tiêu đa dạng từ các loại máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái hay tên lửa đạn đạo ở độ cao 50km và tốc độ tối đa 17.000km/h.

So sánh với đối thủ MIM-104 Patriot của Mỹ, S-400 được giới chuyên gia quân sự đánh giá là nổi trội hơn. S-400 có khả năng dò và bắn hạ mục tiêu từ mọi hướng khác nhau, trong khi Patriot chỉ có thể quét được khu vực không phận trong giới hạn 180 độ.

Ngoài ra, Litovkin cho biết các bệ phòng của Patriot phải mất khoảng 30 phút để triển khai. Trong một số trường hợp, thời gian như vậy là khá lâu và đủ để tên lửa đối thủ tấn công vào các mục tiêu trước khi Patriot kịp “trở tay”.

Ngoài ra, tầm tấn công của Patriot vào khoảng 180km, bằng một nửa so với S-400. Đây là một thông số quan trọng không chỉ trong phòng thủ tên lửa mà còn với các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom. Các máy bay ném bom sẽ không thể hoạt động trong tầm kiểm soát 400km của S-400.

Đây là một vài yếu tố khiến S-400 được khá nhiều quốc gia ưa chuộng, trong đó có cả một thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ.

Xe tăng T-14 Armata thế hệ mới

Bộ ba vũ khí Nga chưa có đối thủ trên thế giới - Ảnh 3.

Xe tăng T-14 của Nga (Ảnh: Reuters)

 Được phát triển dựa trên xe tăng Armata, xe tăng T-14 đánh dấu một mốc quan trọng trong sự phát triển của công nghệ xe bọc thép hạng nặng của thế kỷ 21.

T-14 là xe tăng thế hệ thứ 3 đầu tiên trên thế giới. Nó được trang bị súng nòng trơn 2A82 125mm (có khả năng tích hợp súng 2A83 152mm) với hệ thống điều khiển kỹ thuật số. Đây là xe tăng duy nhất trên thế giới không cần quân nhân điều khiển tháp pháo. Toàn bộ tổ lái sẽ ngồi trong một khoang riêng được cách ly bằng các lớp thép chống đạn mạnh mẽ. Công nghệ này cho phép giảm thiểu thiệt hại về người khi T-14 bị hỏa lực nã vào trực tiếp. Ngoài ra, lớp giáp bằng thép của T-14 có thể chịu được tên lửa chống tăng và tên lửa.

T-14 còn được trang bị hệ thống phòng thủ Afghanit, gồm các radar và hệ thống phòng thủ, có khả năng phát hiện và tiêu diệt các tên lửa dẫn đường, súng chống tăng tấn công T-14. Ngoài ra, T-14 còn được trang bị lớp giáp phản ứng nổ (ERA) Malachit, có thể giảm 50% khả năng xuyên phá của đạn chống tăng hiện tại.

So với đối thủ trực tiếp là các xe tăng Abrams của Mỹ, T-14 có ưu điểm chính là khoang bọc thép cho tổ lái, giúp đội ngũ điều khiển xe tăng Nga an toàn hơn khi tác chiến.

Điểm khác biệt thứ hai giữa 2 xe tăng là hệ thống vũ khí. T-14 có thể bắn ra 10 phát hỏa lực/phút, tấn công mục tiêu ở khoảng cách tối đa 7km. Trong khi đó, thông số của Abraham là 3 phát/phút với khoảng cách 4,6km.

Đức Hoàng

Theo RBTH