Biểu tình ở Pháp phản đối hành động sai trái của Trung Quốc
Chiều 16/5, gần 2.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp, cùng các bạn bè Pháp yêu chuộng hòa bình và công lý đã hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức Collectif Vietnam, một tổ chức tập hợp tất cả các hội, đoàn của người Việt Nam tại Pháp, tham gia cuộc biểu tình tại Paris chống lại các hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc, bày tỏ tình cảm hướng về Việt Nam, đoàn kết với nhân dân Việt Nam.
Gần 2.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp, cùng các bạn bè Pháp tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc.
Đa số những người tham gia cuộc biểu tình là các bạn thanh niên, sinh viên đang sinh sống và học tập tại Pháp, những người căng tràn sức sống và nhiệt huyết. Bên cạnh đó, cũng có nhiều rất nhiều mái tóc đã điểm bạc. Đó là các bác Việt kiều đã sống những năm tháng sục sôi của các cuộc biểu tình chống Mỹ trước đây giữa lòng thủ đô nước Pháp, đòi độc lập tự do cho Việt Nam, hôm nay một lần nữa họ lại xuống đường đòi công lý cho Việt Nam.
Cuộc biểu tình diễn ra tại Quảng trường Trocadéro, nằm rất gần tháp Eiffel, ở trung tâm thủ đô Paris. Cả một khu vực rộng lớn rực rỡ cờ và biểu ngữ được viết bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Trung, đã thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân Pháp và rất nhiều du khách nước ngoài.
Những người biểu tình đã nắm tay và hô vang khẩu hiệu: "Trung Quốc rút ngay giàn khoan ra khỏi vùng thềm lục địa của Việt Nam", "Trung Quốc hãy tôn trọng luật pháp quốc tế", "Không được đụng đến Hoàng Sa", "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam". Khi Quốc ca Việt Nam và các ca khúc cách mạng vang lên cũng là khi một rừng cờ đỏ sao vàng được giương cao, phấp phới tung bay trong gió tại một trong những quảng trường lớn và đẹp nhất Paris. Cảnh tượng đó thực sự gây xúc động đối với bất kỳ người con nào sống xa Tổ quốc.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, anh Lê Trung Tĩnh, một trong những thành viên chủ chốt của ban tổ chức cuộc biểu tình cho biết: "Cuộc biểu tình lần này mang một ý nghĩa lớn là nhằm phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc, kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Hành động này cho thấy Trung Quốc đã đi ngược lại những công ước đã ký kết. Ngoài ra cuộc biểu tình cũng thể hiện sự đoàn kết nhất trí của người Việt ngoài nước với người Việt trong nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền".
Tại cuộc biểu tình, nhiều bạn bè Pháp đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với Việt Nam. Bà Hélène Luc, Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), đã tố cáo hành động xâm lược của Trung Quốc khi đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam. Bà nói: "Tôi phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc khi đặt giàn khoan tại khu vực là vùng biển của Việt Nam mà họ đã chiếm đóng từ năm 1974. Thông qua Hội hữu nghị Pháp-Việt của mình, chúng tôi đã ra Tuyên bố, yêu cầu Trung Quốc rút ra khỏi khu vực này và ngừng tiến hành các hành động khiêu khích, các hành động xâm lược, các hành vi áp đặt sự đã rồi. Trung Quốc đã tham gia Công ước LHQ về Luật biển 1982, Trung Quốc cũng đã ký Tuyên bố về ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC), hành động này của Trung Quốc đi ngược lại với các chính sách hòa bình và hợp tác mà Trung Quốc đã ký với Việt Nam".
Bà cũng cho biết bà đến tham gia cuộc biểu tình là để bày tỏ những tình cảm hữu nghị và đoàn kết của mình với Việt Nam, những tình cảm mà bà đã nuôi dưỡng và giữ gìn trong hàng chục năm kể từ những năm tháng đàm phán Hiệp định Paris. Bà nhấn mạnh : "Tôi thấy Việt Nam đã thể hiện thiện chí của mình trong việc mong muốn giải quyết hòa bình vụ việc, Trung Quốc cần phải thể hiện cách ứng xử giống như Việt Nam. Hiện nay, bạo lực đang leo thang ở rất nhiều nơi trên thế giới, thí dụ như tại Ukraine, chính vì vậy không nên biến Đông Nam Á thành một khu vực gia tăng căng thẳng và bạo lực".
Ông André Mendras, người Pháp đầu tiên được trao quốc tịch Việt Nam, và có tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết, lên án việc Trung Quốc đã dùng tàu của mình để đâm vào tàu của cảnh sát biển Việt Nam. Ông nói: "Một cách rất tự nhiên tôi đến đây là để cùng với cộng đồng Việt Nam và bạn bè Pháp phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây gia tăng căng thẳng trong khu vực. Hôm nay là một ngày rất đẹp, một ngày của tình đoàn kết, khi tôi thấy các bạn trẻ Việt Nam hết sức sôi động xung quanh mình. Họ phản ứng một cách hòa bình nhưng cương quyết. Hôm nay cũng là một ngày buồn, bởi vì những việc làm của Trung Quốc cho thấy, họ chưa bao giờ từ bỏ chính sách bá quyền nước lớn của mình".
Theo ông, việc làm của Trung Quốc không chỉ liên quan đến Việt Nam mà còn liên quan đến nước Pháp. Ông nêu rõ:"Vấn đề ở đây không chỉ là chủ quyền của Việt Nam mà còn là tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông. Với tư cách là người Việt Nam và cũng với tư cách là người Pháp, tôi phải bảo vệ luật pháp quốc tế".
Rất nhiều các bạn trẻ tham gia cuộc biểu tình đã bày tỏ tình cảm hướng về quê hương của mình. Theo họ, chính lúc này đây lòng yêu nước của tuổi trẻ được khơi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết và tham gia biểu tình là một cách để họ thể hiện tinh thần yêu nước của mình.
Cùng ngày, hàng trăm người Việt Nam và kiều bào tại Pháp đã xuống đường tuần hành tại nhiều thành phố trên toàn nước Pháp như Strasbourg, Montpellier, Toulouse… Các cuộc biểu tình đều nhằm phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc và làm cho nhân dân Pháp hiểu và ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Bích Hà
Theo Báo tin tức