1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Biệt đội sát thủ khét tiếng tại Philippines và “bóng dáng” của Tổng thống Duterte

(Dân trí) - Những lời cáo buộc gây tranh cãi của cựu sát thủ Edgar Matobato nhằm vào Tổng thống Rodrigo Duterte gần đây đã làm dấy lên sự hoài nghi về mối liên hệ giữa nhà lãnh đạo Philippines với “Biệt đội sát thủ” giết người không ghê tay ở quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, cho đến nay, giới chức Philippines vẫn phủ nhận những thông tin này và tất cả chỉ dừng lại ở những lời khai từ một phía.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: Reuters)

Nỗi kinh hoàng của các nghi phạm

Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2001 đến tháng 4/2007, Clarita Alia, một bà mẹ 62 tuổi người Philippines đã mất tới 4 người con trai. Tất cả đều đang trong độ tuổi vị thành niên và đều bị giết chết tại khu ổ chuột của thành phố Davao, nơi cách thủ đô Manila của Philippines 980km về phía nam.

Richard, 18 tuổi, một trong 3 người con trai của bà Alia, cũng là thành viên của một băng đảng xã hội đen, đã bị đâm chết vào năm 2001. 3 tháng sau đó, bà Alia tiếp tục chôn cất người con trai thứ hai của mình là Christopher, 17 tuổi.

Hai năm sau, cũng tại khu chợ nơi Christopher bị sát hại, Bobby, 14 tuổi, cậu con trai thứ 3 của bà Alia đã tắt thở sau khi bị đâm. Trước đó vài ngày, cậu bé đã bị cảnh sát bắt vì ăn trộm một chiếc điện thoại di động.

Tuy nhiên, nỗi đau vẫn chưa khép lại với gia đình bà Alia khi người con trai thứ 4 của bà là Fernando, 15 tuổi, bị sát hại vào năm 2007 ở gần khu chợ nơi 3 người anh từng bỏ mạng.

Bà Alia nói với Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) có trụ sở tại Mỹ rằng các con của bà không phải là những thiên thần, nhưng chúng cũng không đáng phải chết như những con vật như vậy.

Bà Alia nói rằng bà biết ai là thủ phạm đã giết hại các con của bà và bà đang nhìn thấy những người đó đang đứng lên điều hành đất nước Philippines, đồng thời nhân rộng mô hình chết chóc như ở Davao ra quy mô toàn quốc.

Bà Alia chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp có người thân bị giết hại khi chưa qua xét xử ra làm chứng chống lại “Biệt đội sát thủ” - một tổ chức chuyên làm nhiệm vụ trấn áp, bắt cóc và tiêu diệt những đối tượng được cho là tội phạm tại thành phố Davao.

Nghi phạm buôn bán ma túy bị bắn chết ngay trên đường phố Philippines (Ảnh: Mirror)
Nghi phạm buôn bán ma túy bị bắn chết ngay trên đường phố Philippines (Ảnh: Mirror)

HRW bắt đầu điều tra những vụ giết người như vậy từ năm 2008. Năm 2009, Ủy ban Nhân quyền Philippines do luật sư Leila de Lima dẫn đầu, đã bắt đầu tiến trình điều tra của riêng cơ quan này dựa trên báo cáo của HRW. Theo đó, nghiên cứu của Ủy ban Nhân quyền Philippines năm 2012 đưa ra kết luận rằng trong giai đoạn từ năm 2005 - 2009, “Biệt đội sát thủ” đã thủ tiêu ít nhất 206 người, trong đó có cả đàn ông, phụ nữ và thậm chí cả trẻ em chỉ mới 12 tuổi. Trong số những trường hợp này, hầu hết đều có hồ sơ hình sự, tuy nhiên cũng có những trường hợp sai sót đã xảy ra.

Cụ thể, một vụ nổ súng đã xảy ra tại một quán café internet vào ngày 17/7/2008 khi 3 người đàn ông bắn 6 phát đạn liên tiếp vào một thanh niên 20 tuổi tên là Jaypee Larosa. Một nhân chứng có mặt tại hiện trường đã nghe thấy một trong số những người nổ súng, sau khi lật chiếc mũ của nghi phạm vừa bị bắn chết, chửi thề rằng: “Khốn kiếp. Không phải hắn”.

HRW cho biết trong số 671 trường hợp nghi phạm bị giết chết từ tháng 8/1998 - 5/2008, có một nửa số nghi phạm được cho là thành viên của các băng đảng xã hội đen hoặc có dính líu tới các hoạt động buôn bán ma túy hay phạm tội nhỏ. Có 13 trường hợp dường như bị giết nhầm. Ít nhất 2 trường hợp bị tử vong do đạn lạc. Đối với số nghi phạm còn lại, hiện vẫn chưa rõ họ có mắc tội trạng gì không.

Ngoài ra, báo cáo của HRW cũng ghi nhận một số trường hợp nghi phạm bị giết chết ngay sau khi được thả ra khỏi nhà giam sau thời gian bị bắt giữ. Trong số đó có trường hợp của Rodolfo More. Ngày 20/11/2005, More bị bắt vì tội ăn trộm, nhưng do không có bằng chứng để cấu thành cáo trạng nên More được thả sau 2 ngày tạm giam. Tuy nhiên, khi cậu thanh niên 22 tuổi vừa bước chân ra khỏi nhà giam, More ngay lập tức bị đâm chết bên trong một chiếc xe jeep.

Theo nhà hoạt động nhân quyền Amado Picardal, người chuyên theo dõi các vụ giết người ngoài vòng pháp luật tại Philippines, những tài liệu mà ông thu được từ các nhà hoạt động nhân quyền khác cho thấy “Biệt đội sát thủ” đã giết chết 1.400 người trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến năm 2015. Và bởi vì “Biệt đội sát thủ” hoạt động bí mật nên các thông tin liên quan tới nhóm này khá hiếm hoi.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Edgar Matobato, cựu sát thủ 57 tuổi, tại phiên điều trần trước Thượng viện Philippines hồi tuần trước cùng với những câu chuyện chưa từng được công bố trước đây đã vén dần lên bức màn bí mật của “Biệt đội sát thủ”.

Lời khai gây chấn động

Cựu sát thủ Edgar Matobato (Ảnh: ABC)
Cựu sát thủ Edgar Matobato (Ảnh: ABC)

Theo đó, Matobato khẳng định mình là một thành viên của “Biệt đội tử thần” gồm các cảnh sát và lực lượng nổi dậy tại Philippines, chuyên nhận lệnh từ Tổng thống Rodrigo Duterte khi đó còn là Thị trưởng thành phố Davao. Người đàn ông đã từng là sát thủ nhưng nay giải nghệ tiết lộ rằng ông đã giết chết ít nhất 50 sinh mạng theo lệnh của ông Duterte, người được gọi với biệt danh “Kẻ trừng phạt” do chính sách thẳng tay trấn áp các đối tượng phạm tội tại Philippines.

Theo lời khai của Matobato, nhà lãnh đạo Philippines đã ra lệnh sát hại khoảng 1.000 người trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến năm 2013 và ông cũng chính là người đứng sau biệt đội tử thần. Những đối tượng bị giết hại là các nghi phạm buôn bán ma túy, bắt cóc tống tiền hay hiếp dâm, thậm chí còn có cả đối thủ chính trị của ông Duterte.

Matobato cho biết một trong số những vụ giết người kinh hoàng nhất xảy ra vào năm 2007 khi một đơn vị, dưới sự chỉ đạo của một nhân viên Bộ Tư pháp có tên Dante Gierran, đã bắt có một người đàn ông nghi là kẻ cầm đầu của một băng đảng. Nghi phạm sau đó bị trói tay, phanh thây sau đó bị ném xuống hồ nuôi cá sấu dù lúc đó vẫn đang còn sống.

Trong phiên điều trần, Matobato tiết lộ rằng các vụ giết người bắt đầu diễn ra từ năm 1988 khi ông Duterte, một công tố viên với những phát ngôn cứng rắn trở thành thị trưởng Davao. Vào thời điểm đó, Davao được coi là “thủ phủ giết chóc” của Philippines với những cuộc chiến đẫm máu giữa lực lượng an ninh và các phe nhóm nổi dậy trong thành phố. Ông Duterte chiếm được lòng tin của người dân nhờ cam kết mang lại hòa bình cho Davao bằng mọi giá.

Tổng thống Duterte (áo trắng) chụp cùng các binh sĩ Philippines (Ảnh: EPA)
Tổng thống Duterte (áo trắng) chụp cùng các binh sĩ Philippines (Ảnh: EPA)

Matobato tiết lộ “Biệt đội sát thủ” ban đầu chỉ là một nhóm gồm 7 người, nhưng sau đó số thành viên lên tới con số 500. Và phải mãi cho tới giữa thập niên 90, khi ông Duterte bước sang nhiệm kỳ thị trưởng thứ hai, công chúng Philippines mới bắt đầu để ý tới những vụ giết người kinh hoàng tại Davao.

Ông Duterte lúc đó được chú ý với hình ảnh của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, chuyên đi xe phân khối lớn, đeo kính đen, mặc áo khoác và giắt theo khẩu súng ngang lưng. Ông thường đi lòng vòng qua các tuyến phố bằng xe taxi để sẵn sàng bắn hạ những tên cướp.

Trong khoảng thời gian từ năm 2001 - 2002, ông Duterte thường xuyên duy trì thói quen công bố trên đài phát thanh hoặc truyền hình danh tính của những đối tượng mà ông gọi là “tội phạm”. Chỉ vài ngày sau đó, những người này đều bị tiêu diệt, theo HRW.

Năm 2009, cựu Thị trưởng Davao tuyên bố: “Nếu các bạn có hoạt động bất hợp pháp tại thành phố của tôi, nếu các bạn là một tên tội phạm hoặc là một thành viên của các băng đảng đang gieo nỗi đau lên những người dân vô tội, thì chừng nào tôi còn làm thị trưởng, chừng đó bạn sẽ là mục tiêu của một vụ ám sát”.

Trong một chương trình truyền hình được phát khi ông Duterte đang tiến hành vận động tranh cử cho chiếc ghế tổng thống Philippines, ông nói: “Tôi là sát thủ ư? Đúng. Sự thật là như thế”. Tuy nhiên, sau đó ông đã đính chính lại rằng đó chỉ là một câu bông đùa.

Mặc dù vậy, mối quan hệ giữa Tổng thống Duterte và “Biệt đội sát thủ” cho đến nay vẫn rất mờ nhạt. Vẫn chưa có cá nhân nào ngoài Matobato lên tiếng công khai và đứng ra chứng minh rằng ông Duterte chính là người đã thành lập “Biệt đội sát thủ” và ra lệnh cho đội quân này giết người.

Giới quan sát nhận định, với việc Bộ trưởng Tư pháp Vitaliano Aguirre, người đứng đầu cơ quan tư pháp Philippines và lại là bạn đại học của ông Duterte, lên tiếng bác bỏ lời khai của Matobato đồng thời gọi đây là những “lời dối trá và bịa đặt”, thì kể cả có thêm một cuộc điều tra mới nhằm vào nhà lãnh đạo Philippines đi chăng nữa, kết quả cũng sẽ chẳng đi đến đâu khi ông Duterte vẫn đang là tổng thống của đất nước này.

Thành Đạt

Theo Straitstimes