Biển Đông:Trung Quốc quyết bám chiến thuật “nhỏ giọt”
Lãnh đạo Bắc Kinh vẫn duy trì công thức “nhỏ giọt” bằng việc tiếp tục đặt vấn đề về những lợi ích mà quốc gia này nhận được khi tham gia COC, cũng như những điều khoản của Bộ quy tắc sẽ hạn chế các hành động của Trung Quốc như thế nào.
Ngày 14 - 15/9, cuộc họp lần thứ 6 Quan chức Cao cấp ASEAN-Trung Quốc và cuộc họp lần thứ 9 Nhóm Công tác chung ASEAN-Trung Quốc về triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã diễn ra tại thành phố Tô Châu, Trung Quốc.
Đây cũng được coi là vòng tham vấn đầu tiên về Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển Đông (COC). Và sự kiện này cho thấy lập trường hai bên vẫn còn cách biệt.
Ngày 15/9, trong một thông báo chính thức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cam kết "từng bước" sẽ đàm phán với 10 nước ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên biển Đông mà tên quốc tế gọi là biển Hoa Nam.
Tuyên bố sau hai ngày họp tại Tô Châu cho thấy con đường đi tới thỏa thuận có tính ràng buộc vẫn còn rất xa trong bối cảnh Bắc Kinh tự cho mình có chủ quyền hầu như trên toàn bộ vùng biển Đông và không chấp nhận bất cứ bộ luật có tính ràng buộc nào, mặc dù Trung Quốc đã ký kết với ASEAN bản Tuyên bố về Ứng xử (DOC) năm 2002.
Từ hơn 10 năm nay, ASEAN vẫn mong muốn thương thảo với Trung Quốc về bộ COC, nhằm ngăn chặn những va chạm trong đánh bắt hải sản, lưu thông và khai thác dầu khí.
Các đại biểu tham gia cuộc họp tại Tô Châu. Ảnh: QĐND
Bộ Quy tắc ấy vẫn còn xa...
Phát biểu với báo giới sau phiên họp, Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkaow cho biết: hai bên đã khởi động quá trình tham vấn chính thức về COC. Lần này, Trung Quốc và ASEAN nhất trí cần đẩy mạnh tiến trình COC thông qua việc tăng cường các cuộc họp cấp cao và đưa COC vào chương trình nghị sự chính thức. Ông Sihasak Phuangketkaow còn tiết lộ Thái Lan sẽ là nơi diễn ra vòng tham vấn thứ hai về COC vào năm 2014.
Sau vòng một vừa qua, giữa Trung Quốc và ASEAN vẫn còn nhiều bất đồng. Cụ thể, ASEAN thì cho rằng COC chính là cách thức hiệu quả để xây dựng lòng tin, ngăn ngừa nguy cơ xung đột và quản lý chặt chẽ các động thái trên khu vực. Trong khi đó, lãnh đạo Bắc Kinh vẫn duy trì công thức "nhỏ giọt" bằng việc tiếp tục đặt vấn đề về những lợi ích mà quốc gia này nhận được khi tham gia COC, cũng như những điều khoản của Bộ quy tắc sẽ hạn chế các hành động của Trung Quốc như thế nào. Bắc Kinh tiếp tục muốn thấy các giàn xếp trên Biển Đông cần được giải quyết song phương, với từng nước Trung Quốc có tranh chấp, thay vì qua kênh đa phương.
Như vậy, hai quan điểm của ASEAN: muốn có giải pháp nhanh chóng đối với tiến trình COC và muốn đàm phán đa phương về các tranh chấp chủ quyền trên biển đảo trong khu vực đã tỏ ra không phù hợp với lập trường hiện nay của chính phủ Trung Quốc. Sau cuộc họp nửa ngày không chính thức tại Thái Lan cuối tháng 8/2013, các ngoại trưởng ASEAN cho biết họ sẵn sàng đưa ra một tiếng nói đồng nhất về việc cần nhanh chóng tiến hành đàm phán về COC để quản lý những hành vi trên biển và có thể dọn đường cho những cuộc đàm phán nhằm giải quyết các vụ tranh chấp chủ quyền.
Nhưng theo Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Clad, mong muốn trên của ASEAN khó thành hiện thực. Ông Clad nói: "Tôi không tin ASEAN có được tiếng nói đồng nhất. Lấy thí dụ Campuchia là nơi các vị nguyên thủ quốc gia vừa họp cách đây không lâu. Campuchia đã làm hết sức mình để chiều lòng đối tác của họ ở Bắc Kinh. Vì vậy, ý tưởng cho rằng ASEAN có tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông là chuyện mà cả trên lý thuyết lẫn thực tế đều không thể có được".
"Tuy vậy, việc đưa ra những tuyên bố như thế này cũng là bổ ích. Nhưng tôi không nghĩ rằng việc này sẽ mang lại thành quả nào có thể đo lường được trong cuộc đàm phán, vì Trung Quốc sẽ áp dụng chiến thuật trì hoãn như lâu nay họ vẫn làm", ông Clad cho biết thêm.
Gần một tuần sau khi Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa kết thúc ở Hua Hin, Thái Lan (14/8), Ngoại trưởng Vương Nghị đã lại lên đường tới Campuchia mang theo những cam kết viện trợ cho Campuchia, đồng thời tuyên bố phải ngăn chặn "những nhiễu loạn của các phần tử bên ngoài". Ngoại trưởng Campuchia đã họp với Ngoại trưởng Trung Quốc hô hào tăng cường quan hệ giữa ASEAN với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích độc lập Lao Monghay ở Campuchia, đây là một phần trong những thủ thuật của Trung Quốc. Ông này nói: "Chiến lược của Trung Quốc là chia rẽ ASEAN. Họ đã thành công tại hội nghị thượng đỉnh ở Campuchia hồi năm ngoái".
Nhưng đâu chỉ có một mình Campuchia, Malaysia mới đây đã phát đi tín hiệu không mấy tốt lành khi Kuala Lumpur vừa cho thấy một cách tiếp cận riêng về Biển Đông và Trung Quốc.
Trong một trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia nói rằng: "Chỉ vì bạn có kẻ thù, điều đó không có nghĩa kẻ thù của bạn cũng là kẻ thù của tôi" và cho rằng các cuộc tuần tra bất hợp pháp của Trung Quốc trong vùng lãnh hải tranh chấp không phải "mối đe dọa đáng chú ý".
Đây là một thái độ khá bất ngờ, bởi chính các tàu hải quân Trung Quốc đã áp sát bờ biển Malaysia chỉ cách 80 km khi đổ bộ bất hợp pháp lên bãi ngầm Jame phía Nam quần đảo Trường Sa chỉ mới vài tháng trước.
Phớt lờ thực tế
Ngày 16/9, Nhân Dân nhật báo (phiên bản tiếng Anh) đã đăng một xã luận dưới tiêu đề: "Đừng mơ mượn COC để trói chân Trung Quốc". Theo bài báo này, tham vấn hai ngày 14 - 15/9 vừa qua là cuộc họp lần thứ 16 giữa Trung Quốc và ASEAN để bàn về DOC.
Tờ báo chính thức của Trung Quốc đã cố tình phớt lờ thực tế là việc toàn khối ASEAN đã thống nhất chung một tiếng nói trong việc thúc đẩy tiến trình đàm phán ký kết COC ngay từ phiên họp ngắn tại Thái Lan trước đó (đương nhiên là không có mặt Campuchia). Sở dĩ đạt được sự thống này, vì phần lớn các thành viên đều thấy chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông chính là nhân tố gây bất ổn tiềm tàng và có thể dẫn tới xung đột.
Điều đáng nói thêm là trước khi họp Hội nghị Tô Châu, ngày 13/9, Trung Quốc đã cảnh cáo Mỹ chớ có ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của các nước đang có tranh chấp với Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Trong cuộc họp với các giới chức Hoa Kỳ đang thăm Bắc Kinh, Trung tướng Vương Quán Trung, Phó Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Trung Quốc đã khuyến cáo Mỹ nên xử lý các vấn đề liên quan một cách thích hợp, tránh làm phương hại tới lòng tin chiến lược lẫn nhau. Ông Vương nói với Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ James Miller rằng, Hoa Kỳ đừng nên để việc này làm trở ngại bang giao song phương và chớ trở thành một bên thứ ba trong các cuộc tranh chấp biển đảo tại khu vực Châu Á.
Đáp lại, Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Miller tuyên bố, Washington không khuyến khích bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào. Nhưng đồng thời ông cũng nhấn mạnh Mỹ có nghĩa vụ liên quan đến các hiệp ước với một số quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc như Philippines và Nhật Bản.
Đây cũng là tinh thần chủ đạo mà Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Robert Menendez, đã thể hiện trong xã luận đăng trên tờ The Wall Street Journal hôm 16/9.
Chủ tịch Menendez bày tỏ quan ngại rằng các sự cố gần đây ở Biển Đông, trong đó có vụ Trung Quốc nổ súng vào các tàu cá Việt có thể dễ dàng leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn. Tác giả bài xã luận nói, Thượng viện Mỹ đã tỏ rõ lập trường đối với các cuộc tranh chấp biển đảo ở châu Á bằng việc thông qua Nghị quyết 167 về Biển Đông hồi đầu tháng vừa rồi do chính ông làm đồng tác giả. Ông cũng thúc giục các bên liên quan nhanh chóng đề ra bộ quy tắc COC mang tính ràng buộc pháp lý giữa ASEAN với Trung Quốc để gìn giữ an ninh, thịnh vượng cho khu vực.
Thượng nghị sĩ Menendez cũng nhấn mạnh Hoa Kỳ phải tiếp tục thể hiện dứt khoát quan điểm đứng về các đồng minh trong vùng và các cam kết bằng hiệp ước với họ. Ngoài ra, vẫn theo ông Menendez, Washington có thể đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố khả năng an ninh hàng hải cho các nước trong khu vực.
Theo Hải Đăng
Tuần Việt Nam