1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Biển Đông: Sẽ tiếp tục nổi sóng

Với những gì đã và đang diễn ra tại Biển Đông và biển Hoa Đông trong năm 2015 có thể nói rằng, tình hình tại 2 vùng biển kể trên sẽ ẩn chứa nhiều biến cố trong năm 2016.

Bởi chiến lược biển đảo của Bắc Kinh không thay đổi, do đó Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ tiếp tục là điểm nóng vì Trung Quốc vẫn đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng các công trình tại 7 bãi đá (Subi, Chữ Thập, Vành Khăn, Gaven, Tư Nghĩa, Gạc Ma và Châu Viên) thành đảo nhân tạo, để thiết lập cơ sở phục vụ mục đích quân sự, bất chấp việc này vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Và giới phân tích cho rằng, Biển Đông sẽ là thách thức lớn nhất đối với Lào trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2016 vì ASEAN bị chia rẽ trong vấn đề này do tác động từ Trung Quốc. Bởi Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM ) lần thứ 3 khi bế mạc (tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia) đã không ra được tuyên bố chung do bất đồng về Biển Đông.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Chiến lược của Bắc Kinh

Khi thị sát Hạm đội Nam Hải mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình từng chỉ thị “Phải cắm rễ vào Biển Đông, bảo vệ Biển Đông, lập công ở Biển Đông”, đồng thời kêu gọi nhanh chóng hiện thực chiến lược “giấc mơ Trung Hoa” và “Con đường tơ lụa trên biển” do ông ta đưa ra. Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố, trong năm 2016, Trung Quốc sẽ nghiêm túc thực hiện ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc. Giới quân sự cảnh báo, Trung Quốc muốn kiểm soát Biển Đông, nên không ngại đối đầu với các nước hữu quan, kể cả Mỹ.

Tại cuộc họp trực tuyến qua truyền hình hôm 29/10/2015, Tư lệnh Ngô Thắng Lợi từng cảnh báo người đồng cấp Mỹ John Richardson: Một sự cố nhỏ có thể dẫn đến chiến tranh ở Biển Đông. Được biết, khi phát biểu tại tiệc chào đón ở thành phố Seattle, Mỹ, với sự có mặt của một số nhân vật nổi tiếng như Bill Gates, cựu Ngoại trưởng Henry Kisinger, ông Tập Cận Bình đã cảnh báo, xung đột Mỹ - Trung có thể là một thảm họa đối với thế giới.

Giới phân tích nhận định, ông Tập Cận Bình muốn thông qua chuyến thăm Mỹ để tìm kiếm “một mô hình mới” trong quan hệ “đầy phức tạp” và ngày càng “khó nắm bắt” với Washington. Khi trả lời phỏng vấn tờ China Daily về chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng, Washington không nên can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông.

Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế Arthur Waldron đến từ Đại học Pennsylvania từng cảnh báo, từ năm 2009, Trung Quốc đã trở nên độc đoán và quân phiệt - đang đe dọa Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Malaysia, Singapore, Brunei, Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ. Và Trung Quốc hoàn toàn có ý định thực hiện mục tiêu - 10 năm tới sẽ chiếm trọn Biển Đông bởi Mỹ không thực sự làm bất cứ điều gì để hãm tiến độ này.

Và ông Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông vừa kêu gọi Bắc Kinh coi "xây dựng sức mạnh cứng" trên Biển Đông là nhiệm vụ cấp bách sau khi máy bay B-52 Mỹ bay áp sát bãi đá Châu Viên ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam chỉ 2 hải lý. Do đó, theo tờ Inquirer số ra ngày 25/12/2015, Trường Sa sẽ không bình yên trong năm 2016. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân từng ngang nhiên tuyên bố, Bắc Kinh sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự và dân sự trên những đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.

Theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Australia, Trung Quốc đang biện minh cho những hành động của họ ở Biển Đông bằng cách bóp méo luật quốc tế và nếu không ai thách thức Bắc Kinh thì các tuyên bố chủ quyền vô lý của họ sẽ trở thành “chuyện bình thường”. Ông Carl Thayer cũng cho rằng, sẽ không có xung đột quân sự trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc. Bởi Bắc Kinh sẽ thể hiện sự phản đối “vừa phải” trước động thái “lấn sân” của Washington.

Cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia tại Đại học Quốc phòng Mỹ Patrick Cronin cảnh báo, Washington phải duy trì ảnh hưởng và sức mạnh tại Biển Đông, có chính sách quân sự cứng rắn với Bắc Kinh ở khu vực này. Nếu không chớ ngạc nhiên trước sự “trỗi dậy” của Trung Quốc bởi chiến lược “xoay trục” của Tổng thống Barack Obama “nửa vời”, nên không “răn đe” được Bắc Kinh.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường

Giáo sư Hugh White, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Quốc gia Australia cảnh báo, “Sách trắng quốc phòng 2015” mà Trung Quốc vừa công bố “vượt xa các vấn đề lãnh thổ” và Bắc Kinh muốn “hướng tới việc leo thang một cuộc đối đầu chiến lược Mỹ - Trung”. Bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc công bố “Sách trắng quốc phòng” - tự cho mình quyền “tấn công đề phòng ở mức độ khu vực” nếu bị đe dọa. Và an ninh trên biển được Trung Quốc xếp đầu tiên trong số 4 "lĩnh vực an ninh quan trọng".

Tờ Thời báo Hoàn Cầu từng cảnh cáo nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân sau khi Mỹ đề xuất điều tàu chiến và máy bay trinh sát áp sát các đảo nhân tạo Bắc Kinh đang xây phi pháp ở Biển Đông - nếu Nhà Trắng thông qua đề xuất này, “Mỹ sẽ biến Biển Đông thành một thùng thuốc súng!”.

Theo nhận định của ông Michael Auslin, Chuyên gia về an ninh và chính trị châu Á thuộc Viện Nghiên cứu chính sách AEI (trụ sở tại Washington, Mỹ), Washington và Bắc Kinh sẽ khai hỏa ở Biển Đông nếu xảy ra “tai nạn” giữa tàu chiến 2 nước; hoặc xuất phát từ kế hoạch có trước; hay từ xung đột giữa Trung Quốc với các đồng minh.

Tờ Thời báo Đài Bắc từng dẫn khuyến cáo của học giả Paul Giarra cho rằng, có một “cơn bão quân sự” đang hình thành trên Biển Đông và có liên quan trực tiếp tới Đài Loan bởi Bắc Kinh không muốn Washington dính líu tới “vấn đề Đài Loan”. Trong khi đó học giả Đồng Bân đến từ Quỹ Heritage nhận định, nếu Trung Quốc tin rằng có thể đe dọa các nước láng giềng và Mỹ hơn nữa ở Biển Đông thì điều này sẽ là thông điệp nào đó đối với Đài Loan. Do đó, Mỹ cần hành động và phải hành động ngay bởi Đài Loan là một phần của Biển Đông và Mỹ không thể đứng nhìn “tàu sân bay không thể đánh chìm” bị Bắc Kinh chi phối.

Thái độ nước đôi của Mỹ

Theo tuyên bố của Mỹ, trong năm 2016, hải quân nước này sẽ điều tàu vào “khu vực 12 hải lý” xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép và việc này sẽ tiếp tục khiến cho Biển Đông thêm căng thẳng. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest từng tuyên bố, Tổng thống Barack Obama đánh giá “tình hình an ninh Biển Đông rất quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ và kinh tế thế giới”. Ông chủ Nhà Trắng cũng nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh ngừng các hoạt động bồi đắp và quân sự hóa Biển Đông, nhưng Trung Quốc phớt lờ.

Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh, Mỹ không chấp nhận tự do đi lại ở Biển Đông bị hạn chế và quyền lợi của tất cả các nước đều phải được tôn trọng. Washington quan ngại trước việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa bởi Washington tin những hòn đảo này sẽ được sử dụng vào mục đích quân sự, thách thức trực tiếp lợi ích địa - chính trị, quân sự và quyền lãnh đạo của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Tàu khu trục tên lửa USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ
Tàu khu trục tên lửa USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ

Đô đốc Scott Swift từng cảnh báo, các nước ven Biển Đông có thể bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt, làm tăng nguy cơ đối đầu khi các bên yêu sách sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Và vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cũng thực sự lo ngại trước khả năng tư tưởng "chân lý thuộc về kẻ mạnh" đang ngóc đầu trở lại Châu Á - Thái Bình Dương. Đô đốc Scott Swift còn nhấn mạnh, Washington quyết không bỏ qua những hành động mang tính cưỡng chế và đe dọa ổn định ở Biển Đông.

Trong khi đó, Đô đốc Harry Harris cho rằng, việc Trung Quốc xây sân bay tại Subi và Vành Khăn cho thấy 2 điều. Thứ nhất, việc bồi lấp vẫn tiếp tục bất chấp tuyên bố trước đó của Bắc Kinh. Thứ hai, Bắc Kinh có ý định quân sự hóa ở Trường Sa với sức mạnh không quân từ 3 sân bay trên 3 đảo nhân tạo khác nhau. Đồng thời nhấn mạnh, Trung Quốc đang cố tình thay đổi hiện trạng các rạn san hô, bãi đá và bãi cát ngầm. Và theo ông Jon Huntsman Jr, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, hiện là Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương, vấn đề Biển Đông không có đáp án chính xác và đơn giản, bởi chẳng ai muốn thua trong lĩnh vực này và nước nào cũng coi đây là "giá trị cốt lõi".

Theo nhận định của Chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ Michael McDevitt, tới năm 2020, Hải quân Trung Quốc có thể trở thành một phiên bản cỡ nhỏ của Hải quân Mỹ và có khả năng trở thành “đệ nhị” trên biển. Theo giới chuyên môn, mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter chỉ trích gay gắt Trung Quốc phá hoại hòa bình và ổn định ở Biển Đông, nhưng ông chủ Lầu Năm Góc đã thận trọng không cam kết sẽ điều máy bay, tàu chiến tiến vào “khu vực 12 hải lý” xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng bất hợp pháp trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Được biết, Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Mỹ đã ký phụ lục bổ sung "Thông báo nguy cơ quân sự" trong Cơ chế thông báo cho nhau hành động quân sự quan trọng, và phụ lục bổ sung "Chạm trán trên không" trong Quy tắc hành vi an toàn chạm trán trên không và trên biển. Và đây là biện pháp thiết thực để thực hiện chiến lược của lãnh đạo Trung - Mỹ, thúc đẩy xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới và quan hệ quân sự kiểu mới Trung - Mỹ.

Thượng nghị sĩ Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ than phiền, trong khi Bắc Kinh không phải trả giá cho hoạt động của họ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, nhưng Washington lại đang phải trả giá cho vấn đề này. Đại sứ Mỹ tại Australia John Berry cho biết, sẽ gặp giới chức ngoại giao và quốc phòng Australia để phản đối việc chính quyền Lãnh thổ Bắc Australia (NT) cho Tập đoàn Landbridge của Trung Quốc thuê lại cảng thương mại Darwin. Bởi theo ông John Berry, hành động này của NT có thể gây nguy hại đến an ninh quốc gia vì Tập đoàn Landbridge có mối quan hệ gần gũi với quân đội Trung Quốc.

Hơn nữa, xung quanh cảng Darwin có nhiều cơ sở quân sự của Australia và cũng là nơi đặt căn cứ luân chuyển quân của Mỹ. Đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ công khai phản ứng sau khi Hãng ABC tiết lộ về những quan ngại quốc phòng liên quan đến bản hợp đồng cho thuê cảng Darwin của NT. Giới quân sự cho rằng, tham vọng viễn dương của Bắc Kinh đang được đẩy nhanh sau khi Hải quân Trung Quốc liên tục diễn tập quân sự tại nhiều vùng biển.

Mối quan tâm của Nhật Bản và Philippines

Từ tháng 6/2015, Đô đốc Katsutoshi Kawano, Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông của Trung Quốc. Bởi theo Đô đốc Katsutoshi Kawano, Biển Đông có vai trò quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản. Và Hãng Kyodo News vừa dẫn lời Cố vấn chính sách của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Masanori Nishi cho rằng, Trung Quốc sẽ đặt radar, tên lửa phòng không trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông và đó là dấu hiệu cho thấy sớm muộn Bắc Kinh cũng sẽ áp đặt Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Được biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã nhất trí về tầm quan trọng của việc sớm triển khai “Cơ chế liên lạc trên biển và trên không”, cũng như giao lưu quốc phòng giữa 2 nước nhằm tránh những đụng độ bất ngờ trên biển. Và ông Gen Nakatani đã hối thúc ông Thường Vạn Toàn (thượng tuần tháng 11/2015) cùng hợp tác để duy trì hòa bình trên Biển Đông. Đây là cuộc gặp đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước kể từ tháng 6/2011.

Giới quân sự cho rằng, việc Tokyo bố trí tên lửa tại các đảo phía tây nam Nhật Bản để “chặn yết hầu” con đường Hải quân Trung Quốc ra vào Tây Thái Bình Dương đang khiến Bắc Kinh khó chịu. Bởi kế hoạch này của Tokyo nhận được sự ủng hộ của Washington. Và Tokyo sẽ triển khai 500 lính thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất (GSDF) đến đảo Ishigakijima tại tỉnh Okinawa, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho quần đảo Nansei trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động hàng hải tại khu vực biển Hoa Đông.

Thủ tướng Shinzo Abe từng cho rằng, hoạt động của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Biển Đông là mối quan ngại lớn trong khu vực. Còn giới chuyên môn cảnh báo, chiến lược thống trị toàn bộ Biển Đông và biển Hoa Đông của Trung Quốc có thể đẩy Nhật Bản vào thế phải trang bị vũ khí hạt nhân.

Theo ông Jeff Smith, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á của Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ, Nhật Bản không những muốn ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, mà còn muốn nhận được sự ủng hộ của các nước khác đối với tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điều đáng nói là Bắc Kinh luôn coi Washington và Tokyo là những trở ngại cần loại bỏ trong chiến lược độc bá Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trong khi đó, vụ kiện tại Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) La Haye của Philippines sẽ là một trong những nhân tố khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Bởi theo dự kiến, trong nửa đầu năm 2016, PCA sẽ ra phán quyết và nếu Manila thắng kiện sẽ khiến Bắc Kinh có hành động “trả đũa” và Biển Đông sẽ rơi vào tình cảnh leo thang căng thẳng. Khi phát biểu sau khi kết thúc 5 ngày điều trần tại Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye, Hà Lan (từ 24 đến 30/11/2015), Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cảnh báo, nếu PCA ra phán quyết chống lại Philippines thì sẽ mở đường cho Trung Quốc thiết lập một "Bức tường Berlin trên biển" ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Thị trưởng thành phố Davao Rodrigo Duterte khi nói trước tùy viên quân sự của hơn 20 nước tại Philippines từng nhấn mạnh, Washington không bao giờ "chết thay" Manila một khi xảy ra xung đột ở Biển Đông. Bởi nếu Mỹ thực sự quan tâm tới vấn đề này, họ đã điều tàu sân bay và tàu khu trục đến khu vực tranh chấp ngay từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi lấp, đảo hóa.

Nhưng theo nhận định của Viện trưởng Trang Quốc Thổ thuộc Viện Nghiên cứu Nam Dương, Đại học Hạ Môn, Trung Quốc, tuy nhiều lần yêu cầu nhưng Mỹ không muốn “chống lưng” cho Philippines. Bởi Mỹ chỉ đứng ở “góc khuất”, để Philippines đối đầu với Trung Quốc, nhằm đạt lợi ích của mình ở Biển Đông.

Tân Hoa xã vừa dẫn con số của Tổng cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc cho biết, tính đến giữa năm 2015, Bắc Kinh đã xây dựng 8 cơ sở dự trữ dầu mỏ quốc gia với tổng dung tích lên tới 28 triệu 600 nghìn m3. Trong các cơ sở dự trữ dầu mỏ quốc gia có 7 cơ sở trên mặt đất (Châu Sơn, Trấn Hải, Đại Liên, Hoàng Đảo, Độc Sơn Tử, Lan Châu và Thiên Tân, với dung tích lần lượt là 5 triệu, 5,2 triệu m3, 3 triệu m3, 3,2 triệu m3, 3 triệu m3, 3 triệu m3 và 3,2 triệu m3) và 1 cơ sở dưới lòng đất (mỏ dầu quốc gia Hoàng Đảo với dung tích 3 triệu m3).

Theo

PetroTimes