1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Biển Đông "phủ bóng" lên cuộc bầu cử tổng thống Philippines

(Dân trí) - Những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông thời gian qua đang đặt các ứng viên tham gia cuộc bầu cử tổng thống Philippines sắp tới vào tình huống khó khăn khi họ phải tìm cách cân bằng giữa chủ quyền quốc gia với mong muốn cải thiện quan hệ và thúc đẩy giao dịch thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.


Thượng nghị sỹ Grace Poe. (Ảnh: Wiki)

Thượng nghị sỹ Grace Poe. (Ảnh: Wiki)

"Chúng tôi sẽ không đầu hàng trước sự hung hăng và các hành động quân sự của Trung Quốc", Thượng nghị sỹ Grace Poe khẳng định trong cuộc phỏng vấn với tờ The Wall Street Journal hôm 13/3.

Ngoài ra, bà Grace Poe, một trong những ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Philippines sắp tới, cũng cam kết sẽ đầu tư mạnh mẽ cho quân đội nước này nếu trúng cử, đồng thời trích dẫn trường hợp phát triển của Singapore làm hình mẫu để Philippines hướng tới. Bà cho biết: "Singapore chi có 4 triệu dân nhưng họ rất mạnh mẽ và có khả năng tự vệ".

Tất cả các ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống Philippines vào đầu tháng Năm tới đều muốn tăng cường thương mại với Trung Quốc và tranh thủ sự hỗ trợ của nước này trong quá trình cải thiện hạ tầng cơ sở trong nước. Tuy nhiên, không có ứng viên nào đưa ra quan điểm bị coi là "yếu mềm" trước những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Nhận định về vấn đề này, ông Richard Javad Heydarian, một chyên gia an ninh tại Đại học De La Salle ở thủ đô Manlia cho rằng: "Dường như đang có một ngọn giáo lớn nhằm vào Trung Quốc".

Mối quan hệ Trung - Philippines đã trở nên căng thẳng dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm Benigno Aquino III. Trong thời gian cầm quyền, ông Aquino luôn theo đuổi chiến lược củng cố sức mạnh cho quân đội nước này, cũng như tăng cường quan hệ với Mỹ và các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản hay Việt Nam. Tuần trước, Tổng thống Aquino thông báo Nhật Bản đã đồng ý cho Philippines thuê máy bay để tiến hành tuần tra trên Biển Đông. Trước đó, Tổng thống Aquino cũng nhất trí đệ đơn kiện những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông lên Toà Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan), cũng như có nhiều phát biểu mạnh mẽ nhằm vào Bắc Kinh.

Đáp lại chiến lược của Tổng thống Aquino, Trung Quốc hạn chế các cuộc hội đàm với người đứng đầu chính phủ Philippines, cũng như bác bỏ quan ngại của nước này và nhiều quốc gia khác để tiếp tục quá trình xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Do vậy, nhiều chuyên gia đánh giá cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới tại quốc gia Đông Nam Á này có thể là cơ hội để Bắc Kinh và Manila xoa dịu căng thẳng trong quan hệ song phương.

Ông Xu Liping, một chuyên gia về các vấn đề ở Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng: "Đầu tiên, mấu chốt cơ bản để cải thiện quan hệ hai nước là đưa vấn đề Biển Đông trở lại quỹ đạo bình thường và là vấn đề song phương càng sớm càng tốt".

Trong số các ứng cử viên, Phó Tổng thống Philippines Jejomar Binay được coi là người có quan điểm muốn nhanh chóng xây dựng lại mối quan hệ với Trung Quốc nhất. Trong một bài phát biểu hồi năm ngoái, ông Jejomar Binay cho biết, thông qua cuộc đối thoại song phương, một "dự án chung mới" với Trung Quốc đã được bắt đầu. Ông này thừa nhận: "Trung Quốc có tiền và chúng tôi cần vốn".

Năm 2005, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam từng đạt được một thoả thuận chung về dự án khai thác năng lượng ở Biển Đông. Tuy nhiên, thoả thuận này chưa bao giờ được triển khai sau khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ở Philippines. Theo chuyên gia Heydarian, những nỗ lực nào nhằm khởi động lại thoả thuận này bây giờ sẽ đối diện với tâm lý phản đối còn mạnh mẽ hơn trước do mối quan ngại ngày càng tăng cao trong dư luận Philippines về tình hình Biển Đông.

Trong cuộc thăm dò hồi tháng 9 năm ngoái do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành, 91% người dân Philippines cho biết họ quan ngại về vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Tuy nhiên, nhiều người Philippines vẫn đánh giá tích cực về Trung Quốc. Theo số liệu thăm dò, có 54% người tham gia cho biết họ có quan điểm ủng hộ Trung Quốc, con số cao hơn mức 19% ở Việt Nam và 9% ở Nhật Bản. Chuyên gia Heydarian cho rằng quan điểm của dư luận Philippines về những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đồng nghĩa với việc bất cứ thoả thuận nào giữa hai nước cũng sẽ "phụ thuộc vào cách hành xử của Bắc Kinh" trong thời gian tới, bao gồm cả phản ứng của nước này về phán quyết của PCA.

Cũng theo chuyên gia Heydarian, một phán quyết có lợi của PCA cho Philippines cũng có thể giúp Manila có thêm chỗ dựa để tìm kiếm sự nhượng bộ nhỏ từ Trung Quốc, ví dụ như cho phép ngư dân nước này trở lại bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa hai nước và đã bị tàu chiến Trung Quốc chiếm giữ từ năm 2012.

Trong khi đó, các ứng cử viên khác trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines đều đưa ra lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Thị trưởng thành phố Davao, ông Rodrigo Duterte cho rằng Mỹ, một đồng minh lâu năm của Philippines, cần phải có thêm nhiều hành động ủng hộ nước này trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Theo ông này, Philippines có khả năng đạt được thoả thuận với Trung Quốc song đầu tiên, Bắc Kinh cần phải chấm dứt các hoạt động "bắt nạt" ngư dân Philippines và cần phải chấp nhận rằng lãnh thổ trong khu đặc quyền kinh tế của Philippines là "tài sản của nước này".

Về kế hoạch cho quân đội, Thị trưởng Duterte cho biết một hạm đội tàu chiến mới sẽ được xây dựng để tuần tra trên các khu vực biển của nước này. Tuy nhiên, ông cũng cho biết quân đội Philippines sẽ tập trung xử lý các vấn đề trong nước, đồng thời khẳng định sẽ đập tan các nhóm cực đoan ở miền Nam như nhóm Abu Sayyaf.

Một ứng cử viên khác là ông Manuel Roxas, người nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Aquino, cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực của nước này trong quá trình giải quyết các vấn đề với Trung Quốc qua các cơ chế pháp lý. Lấy ví dụ về sự tham gia của Philippines trong dự án Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), một sáng kiến của Trung Quốc, ông Manuel Roxas cho rằng chính quyền của Tổng thống Aquino đã đạt được sự đồng thuận với Trung Quốc ở một số vấn đề. Và nếu trúng cử Tổng thống, ông Roxas cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi "các cơ hội phát triển và kinh tế" với Trung Quốc.

Ngọc Anh

Theo WSJ