1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Biển Đông nóng bỏng cuộc chiến ngoại giao

Trung Quốc cảnh báo ASEAN về “những hậu quả tiêu cực” nếu Philippines chiến thắng trong vụ kiện về biển Đông.

Càng tiến gần thời điểm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan dự kiến ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông (tháng 5 hoặc tháng 6), Mỹ càng vận động các nước nhìn nhận phán quyết này phải mang tính ràng buộc.

Nguy cơ tổn hại danh tiếng

Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 28-4, Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken thúc giục các thành viên ASEAN ủng hộ phán quyết trên, tương tự khi họ cùng Mỹ nhất trí rằng những tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết hòa bình thông qua con đường pháp lý.

Cũng theo ông Blinken, Mỹ đã tích cực thúc đẩy ASEAN trở thành một tổ chức lớn mạnh hơn để xử lý những vấn đề khó khăn, như biển Đông.

Phán quyết của PCA được dự báo có lợi cho Philippines, từ đó đe dọa thổi bùng hơn nữa căng thẳng trong khu vực bởi Trung Quốc dù đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 nhưng lại từ chối thẩm quyền của PCA đối với vụ kiện.

Lường trước khả năng Trung Quốc phớt lờ phán quyết bất lợi, ông Blinken cảnh báo về một loạt thiệt hại rơi xuống Bắc Kinh, bao gồm tự làm tổn hại nghiêm trọng danh tiếng, các nước láng giềng thêm xa lánh để đến gần Mỹ hơn.

Theo nhà ngoại giao này, Trung Quốc không thể vừa tham gia UNCLOS 1982 vừa không công nhận các điều khoản của công ước này, trong đó có “tính ràng buộc của bất kỳ phán quyết nào mà tòa trọng tài đưa ra”.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (giữa) và quan chức ngoại giao các nước ASEAN tại hội nghị ở Singapore hôm 27-4. (Ảnh: Reuters)
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (giữa) và quan chức ngoại giao các nước ASEAN tại hội nghị ở Singapore hôm 27-4. (Ảnh: Reuters)

Miệng thì nói cứng rằng không công nhận phán quyết của PCA nhưng trên thực tế, Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao toàn cầu nhằm lôi kéo sự ủng hộ.

Vào cuối tuần rồi, Bắc Kinh đơn phương thông báo đã đạt được “đồng thuận 4 điểm” với 3 thành viên ASEAN - Brunei, Campuchia, Lào - về vấn đề biển Đông nhưng bị Phnom Penh thẳng thừng bác bỏ sau đó.

Tại hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc ở Singapore hôm 28-4, Bắc Kinh tìm cách ve vãn các nước Đông Nam Á bằng lời cam kết tăng cường hợp tác. Cục Hải dương Trung Quốc cho biết thêm Bắc Kinh đang soạn thảo kế hoạch hợp tác 5 năm giữa Trung Quốc và ASEAN tại những vùng biển tranh chấp ở biển Đông. Còn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói sẽ điều tàu khu trục và lính đặc nhiệm tham gia cuộc tập trận an ninh hàng hải và chống khủng bố cùng quân đội 10 nước ASEAN tại vùng biển giữa Singapore và Brunei vào tháng tới.

Coi chừng phản tác dụng

Bên cạnh “củ cà rốt” nói trên, Bắc Kinh không quên giơ “cây gậy” khi cảnh báo ASEAN về “những hậu quả tiêu cực” nếu Manila thắng kiện.

Phát biểu với giới truyền thông sau hội nghị nói trên, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho rằng bất kỳ sự phân xử trọng tài nào cũng “đi ngược lại” Tuyên bố của các bên về ứng xử tại biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và các nước ASEAN đạt được năm 2002. “Mọi sự chệch hướng khỏi DOC đều mang lại kết quả tiêu cực” - ông Lưu lớn tiếng.

Còn tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố sau cuộc gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov hôm 29-4 rằng hai bên nhất trí tranh chấp ở biển Đông nên được giải quyết hòa bình thông qua đối thoại giữa các nước liên quan trực tiếp.

Ngoài ra, Trung Quốc còn nói Belarus và Pakistan “tôn trọng lập trường” của họ về biển Đông tại các cuộc gặp bên lề Hội nghị về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) tại Bắc Kinh một ngày trước đó.

Truyền thông Trung Quốc khoe hơn 10 quốc gia đang đứng về phía họ trong tranh chấp biển Đông. Bắc Kinh còn đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các quốc gia châu Âu và châu Phi trước thềm phán quyết của PCA.

Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhận định động thái ngoại giao nói trên có thể phản tác dụng. “Các nước trong khu vực muốn hợp tác và có quan hệ tốt với Trung Quốc. Tuy nhiên, họ không muốn đối mặt với sự ép buộc hoặc đe dọa liên quan tới chính sách an ninh và kinh tế” - ông Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Carnegie - Tsinghua về chính sách toàn cầu (Trung Quốc), giải thích.

Trung Quốc ngại Nhật

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 29-4 bắt đầu chuyến công du Trung Quốc 3 ngày. Theo kế hoạch, ông Kishida và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hội đàm trong ngày 30-4.

Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng cuộc gặp này nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc dự kiến diễn ra cuối năm nay.

Ngoài ra, Giám đốc nghiên cứu quốc tế của Trường ĐH Đối ngoại Trung Quốc Trương Lị Lị nhận định vấn đề tranh chấp chủ quyền cũng là một nội dung thảo luận chính giữa 2 ngoại trưởng.

“Trung Quốc rất lo ngại về các diễn biến quân sự của Nhật cũng như sự can thiệp của Tokyo vào biển Đông” - giáo sư Trương nhận định với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.

Chuyến thăm của ông Kishida diễn ra giữa lúc quan hệ 2 nước đang căng thẳng vì tranh cãi chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Ngoài ra, theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Bắc Kinh không hài lòng khi thấy Tokyo thường can thiệp vào vấn đề biển Đông.

Chẳng hạn, tại hội nghị ngoại trưởng 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đầu tháng này, Nhật Bản với tư cách chủ nhà cương quyết nêu ra tình hình biển Hoa Đông và biển Đông. Đó là chưa kể tàu hải quân Nhật Bản nhiều lần cập một cảng Philippines gần khu vực tranh chấp ở biển Đông gần đây.

Vì thế, ngay trước thềm chuyến thăm, Tân Hoa Xã đăng bài viết kêu gọi ông Kishida góp sức cải thiện quan hệ Trung - Nhật. Tác giả bài viết cho rằng những bình luận của Nhật Bản về chính sách quốc phòng và hoạt động hàng hải của Trung Quốc sẽ phủ bóng lên chuyến thăm lần này.

Huệ Bình

Theo Hoàng Phương

Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm