1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Biển đông là tiêu điểm của Hội nghị ngoại trưởng ASEAN

(Dân trí) - Hôm nay, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) sẽ khai mạc tại Brunei với hai chủ đề nghị sự chính là việc thành lập Cộng đồng Kinh tế vào năm 2015 và thúc đẩy cho ra đời Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

Biển đông là tiêu điểm của Hội nghị ngoại trưởng ASEAN.

Biển đông là tiêu điểm của Hội nghị ngoại trưởng ASEAN.

Đây là lần đầu tiên các ngoại trưởng ASEAN nhóm họp trở lại kể từ sau sự cố tại Hội nghị AMM năm ngoái ở Campuchia, trong đó các ngoại trưởng đã không thể ra được Tuyên bố chung do những bất đồng về vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, năm nay, dưới quyền Chủ tịch của Brunei, dự kiến các cuộc thảo luận, nhất là về Biển Đông, sẽ tập trung hơn.

“ASEAN đã có một năm đầy khó khăn. Sự tập trung và thống nhất của ASEAN bị thử thách trong bối cảnh hiệp hội đang trở thành một khu vực, nơi lợi ích của các cường quốc có thể khác biệt. Chúng ta cần phải thực tế để đối phó với tình thế đó”, Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam kêu gọi.

Cũng theo ông K Shanmugam, nhờ duy trì thống nhất và tập trung, ASEAN ngày càng được các cường quốc và các nước đối tác đối thoại coi trọng. Nhiều quốc gia đã trở thành đối tác đối thoại của ASEAN, song điều đó không có nghĩa Hiệp hội sẽ có một hành trình dễ dàng nếu giữa các nước thành viên vẫn bị chia rẽ và thúc đẩy bởi các lợi ích ly tâm.

Giáo sư Simon Tay -Chủ tịch Viện nghiên cứu Các vấn đề quốc tế của Singapore- cũng cho rằng yếu tố đoàn kết, nhất tâm và cộng đồng lợi ích có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, cũng như xây dựng một nền hòa bình ổn định ở châu Á.

"Đề xuất của ASEAN về một Bộ quy tắc ứng xử (COC) có ý nghĩa rất quan trọng. Trung Quốc rõ ràng không bị muốn rơi vào tình trạng ‘thân cô, thế cô’ trước 10 nước ASEAN. Philippines cũng không muốn “một mình một ngựa”. Vì thế các nước ASEAN còn lại phải sớm tìm ra sự cân bằng và trung lập nào đó để giải quyết vấn đề này”, Giáo sư Simon Tay nói.

Giải thích rõ hơn về quan điểm này, Giáo sư Simon Tay nêu lại chuyến thăm 4 nước Đông Nam Á của tân Ngoại trưởng Trung Quốc và việc Philippines hầu như không nhận được sự ủng hộ rõ ràng nào từ các nước thành viên còn lại trong ASEAN trong việc nộp hồ sơ kiện Trung Quốc lên Liên hợp quốc.

“Tân Ngoại trưởng Trung Quốc đã công du 4 nước trong khu vực để nói về cách thức thực hiện và khuôn khổ của COC. Rõ ràng Trung Quốc cũng có những quan ngại của họ trong vấn đề này. Họ lo sợ tất cả các nước ASEAN khác cũng sẽ có lập trường giống Manila”, ông Simon Tay nói thêm.

Kể từ khi các nước ASEAN đưa ra đề xuất về COC đến nay, các cuộc gặp đầu tiên để thảo luận về văn kiện ràng buộc này đã được khởi động nhưng tiến triển rất chậm.

"Xây dựng COC là một tiến trình lâu dài, bởi cần phải có các cuộc thương thảo chi tiết, mà chúng tôi thì vừa mới bắt đầu. Quá trình thảo luận sẽ có thăng có trầm, có khác biệt liên quan đến những lợi ích quốc gia của các nước, và rất có thể sẽ xảy ra tình huống khó xử”, Ngoại trưởng Singapore Shanmugam giải thích.

Ngoài vấn đề Biển Đông, dự kiến vấn đề khói bụi trong khu vực cũng sẽ là một chủ đề nóng tại các cuộc hội nghị. Ông Shanmugam nhấn mạnh rằng đây không phải vấn đề của riêng Singapore, Malaysia hay Indonesia mà là của cả khu vực.

Bên cạnh đó, các bộ trưởng cũng tập trung thảo luận về lộ trình hướng đến viễn cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Theo kế hoạch, sau Hội nghị AMM, các đại biểu cũng sẽ tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) với các nước đối tác đối thoại của ASEAN và gặp gỡ người đồng cấp các nước trong nhóm +3 (gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc).

Vũ Anh