Biển Đông có phải thùng thuốc súng?
(Dân trí) - Trung Quốc không có ý định tìm kiếm xung đột trên Biển Đông. Trên thực tế, điều này được thấy qua cách nước này đã “dịu giọng” với Philippines trong tranh chấp ở Scarborough/Hoàng Nham thời gian gần đây.
Dưới đây là bài phân tích của Allen Carlson, phó giáo sư Khoa chính phủ, Đại học Cornell (thuộc hệ thống Ivy League, 8 trường đại học lâu đời và chất lượng hàng đầu của Mỹ) ở New York và Xu Xin, giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc và châu Á Thái Bình Dương của Đại học Cornell.
Trong suốt nhiều tuần qua, thái độ đầy quả quyết của Trung Quốc đối với Philippines về Scarborough/Hoàng Nham trên Biển Đông đã gây kinh ngạc ở châu Á và cả bên ngoài khu vực này. Nếu xét về tình hình căng thẳng trong khu vực, lo ngại về khả năng căng thẳng dẫn đến đóng băng mối quan hệ giữa hai nước là hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên, ngoài cái vẻ bề nổi đó ra, có rất ít bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang thực sự theo đuổi tích cực một kết cục như thế. Ngược lại, thậm chí là ở Biển Đông, khu vực mà nhiều người cho rằng đã “chín muồi” cho một cuộc xung đột, vẫn có vài lý do để lạc quan.
Rõ ràng là Bắc Kinh đã khởi động chiến dịch dùng các biện pháp cứng rắn hơn đối với Manila. Tuy nhiên, mục đích của những động thái đó không phải là để khiêu khích xung đột quân sự, mà là nhằm gây áp lực để Philippines đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ. Nhưng cũng phải nói rõ, Bắc Kinh hoàn toàn không hề tỏ ý từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình tại khu vực. Chắc chắn là sẽ không. Sẽ là ngây thơ và sai lầm khi nghĩ vậy.
Kể từ khi xảy ra vụ xung đột quân sự trực tiếp, mặc dù khá nhỏ, cuối cùng giữa Trung Quốc và Philippines trên vùng biển này, gần 2 thập niên trôi qua. Ngoài ra, trong suốt một thời gian khá “yên ả”, Trung Quốc đã ký Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông vào năm 2002, quy định Trung Quốc và các bên ký kết khác chỉ dùng biện pháp hòa bình để giải quyết khác biệt. Khi những diễn biến mới đây được đặt cạnh nhau, với thái độ trước đó của Trung Quốc, có thể thấy xu hướng chung trong cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với khu vực theo hướng hợp tác hơn là xung đột.
Mặc dù nhiều nhà quan sát cho rằng thỏa thuận 2002 chỉ là “thùng rỗng” nhưng ngay cả những người chỉ trích cũng thừa nhận Trung Quốc chưa trực tiếp vi phạm bất kỳ khía cạnh nào của thỏa thuận. Song điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ không bao giờ vi phạm và tất cả mọi thứ đều tốt đẹp ở Biển Đông. Nó nhắc chúng ta thấy vấn đề hiện nay ở khu vực vẫn chứa đựng nhiều bằng chứng ổn định hơn bất định.
Bắc Kinh chắc chắn chỉ đưa ra các biện pháp mạnh hơn nếu ban lãnh đạo cảm thấy họ bị khiêu khích trực tiếp. Bất chấp leo thang âm ỉ gần đây ở châu Á, vẫn rất khó tìm thấy bất kỳ chỉ dấu nào của một mối đe dọa như thế. Thiếu một chất xúc tác này, Trung Quốc sẽ không vứt bỏ cam kết đã đưa ra ở Biển Đông mà ủng hộ dùng vũ lực trực tiếp để tuyên bố chủ quyền đối với những lãnh thổ tranh chấp.
Đặc biệt, đã có dấu hiệu “dịu giọng” hơn trong cách tiếp cận của Trung Quốc ở Biển Đông. Ví dụ, chiến dịch chống Philippines của báo chí Trung Quốc không còn “ồ ạt” như nhiều tuần trước. Bắc Kinh đã giảm nhẹ nhấn mạnh tới những cảnh báo mà họ đưa ra về sự kiên nhẫn có giới hạn và các nhân tố khác. Thay vào đó hàng loạt bài bình luận nổi bật đã được đăng tải trên các báo Trung Quốc, cảnh báo chiến tranh ở Biển Đông sẽ mang lợi cho Philippines nhiều hơn.
Rộng hơn, có hai nhân tố khác làm giảm khả năng leo thang xung đột. Thứ nhất, một số nhân vật ở Trung Quốc đã có cảm giác cách tiếp cận đối với Biển Đông của Trung Quốc hiện nay không còn hiệu quả và đáng tin cậy nữa. Cùng với đó là hàng loạt kêu gọi bắt đầu nổi lên, cho rằng phải có nỗ lực chung mang tầm cỡ quốc gia để phối hợp và hòa nhập các mảng tách biệt về chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Hơn nữa, một số nhà phân tích có vị trí ở Trung Quốc thậm chí còn dám chắc rằng những hành động khiêu khích của Trung Quốc tại Biển Đông có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến điều mà họ coi là “giai đoạn cơ hội chiến lược” của Trung Quốc trong khu vực.
Thứ hai, quan trọng hơn, chắc chắn không có bất kỳ đề xuất chính sách lớn nào được hé lộ trước Đại hội đảng lần thứ 18, dự kiến được diễn ra vào mùa thu tới. Trong giai đoạn đoạn chuyển giao lãnh đạo sẽ gần như không có thay đổi lớn nào trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Hơn nữa vụ việc về ông Bạc Hy Lai, người bị cách chức bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh, và Trần Quang Thành, người đã tá túc trong sứ quán Mỹ 6 ngày, vẫn còn đang “vang dội” ở Trung Quốc. Vì vậy Trung Quốc chắc chắn sẽ không tìm kiếm rủi ro khi giải quyết các vấn đề với thế giới bên ngoài. Một khi đã có nhiều bất lợi, chiến tranh với một trong những nước láng giềng của Trung Quốc chỉ càng làm trầm trọng hóa tình hình, khiến ban lãnh đạo của nước này thêm bấp bênh.
Tóm lại, khả năng leo thang xung đột thêm giữa Trung Quốc và Philippines khó có thể tưởng tượng đến. Mặc dù khó có sự ổn định trong tương lai gần, nhưng viễn cảnh về một cuộc xung đột quân sự thực sự vẫn còn rất xa vời.
Vũ Quý
Theo The Diplomat